Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ phải coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đều coi trọng đạo đức, hành thiện, kính trời, biết mệnh, không chấp vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt.

Có câu: “Dung nhan đoan mộc lộ ra khí chất. Phục sức xa hoa lộ ra dung tục.” Người xưa cho rằng phụ nữ nên cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ bản thân. Họ cũng tin rằng phụ nữ không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài. Người phụ nữ như vậy được coi là người hiền đức.

Vài người phụ nữ nổi danh sử sách vì đức hạnh làm lu mờ dung mạo
(Tranh: Họa sĩ Hách Đạt Tư đời Thanh, Wikipedia, Public Domain)

Thời xưa, các bậc quân vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ hơn là vẻ đẹp bên ngoài. Những người phụ nữ ấy cũng vì có đức hạnh mà lưu danh sử sách, thậm chí khiến bậc quân vương thành tựu nghiệp lớn.

Mô Mẫu, vợ của Hoàng Đế thời viễn cổ

Tương truyền rằng, Mô Mẫu là người phụ nữ có hình dáng xấu xí vô cùng. Vương Tử Uyên đời Hán trong “Tứ tử giảng đức luận”, viết rằng: “Mô mẫu oa khôi, thiện dự giả bất năng yểm kì xú”, tức là Mô Mẫu có vóc người to lùn, người giỏi khen cũng không thể giấu được chỗ xấu của bà.

Nhưng Mô mẫu lại là người phụ nữ hiền đức. Hoàng Đế, người được coi là thủy tổ của nền văn minh Hoa Hạ, đã cưới bà làm vợ. Truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đánh bại được Viêm Đế, giết chết Xi Vưu, đều có công giúp đỡ của Mô Mẫu.

Chung Ly Xuân, vợ Tề Tuyên Vương thời Chiến Quốc

Chung Ly Xuân là một người phụ nữ sống ở nước Tề thời Chiến Quốc. Trong sử sách nói bà “tứ thập vị giá” (40 tuổi mà vẫn chưa có ai lấy), “cực xú vô song” (cực xấu không có ai bằng). Mắt bà lõm, bụng to có ngấn, cổ có khối u, nước da đen.

Dù xấu xí nhưng Chung Ly Xuân lại rất quan tâm việc đại sự của quốc gia, từng tự mình đi yết kiến Tề Tuyên Vương, chỉ trích thẳng Tuyên Vương xa xỉ dâm dật và hủ bại.

Tề Tuyên Vương vô cùng cảm động, xem bà như bảo vật, lập bà làm Hậu, nghe lời bà sửa sang chính sự.

Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng thời Đông Hán

Mạnh Quang là vợ của một người hiền sĩ tên là Lương Hồng, sống vào thời Đông Hán. Sách sử ghi lại rằng bà “thô kệch không ai bằng”, “mập xấu lại đen”.

Chuyện kể rằng Lương Hồng trước khi cưới vợ thì danh tiếng đã vang xa, nhiều nhà muốn gả con gái cho nhưng Lương Hồng không chịu.

Mạnh Quang khi chưa lấy chồng, có người đến làm mai, nhưng Mạnh Quang không đồng ý, nói rằng: “Nếu lấy chồng thì lấy người như Lương Hồng”.  Sau khi thành hôn, sang ngày thứ hai, Mạnh Quang thay y phục lụa là gấm vóc, mặc vào loại vải thô, chăm lo việc gia đình.

Tương truyền khi Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm mướn, mỗi khi mang đồ ăn cho chồng, Mạnh Quang và Lương Hồng đều giữ Lễ, ngồi đối diện nhau. Mạnh Quang nâng chiếc khay lên ngang chân mày, Lương Hồng đưa hai tay trân trọng đón lấy.

Sau này bà theo Lương Hồng đến ẩn cư trong núi Bá Lăng, chồng cày vợ dệt, cùng ngâm thơ đàn hát, vợ chồng xướng hoạ, sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc.

Nguyễn Thị, vợ danh sĩ Hứa Doãn thời Đông Tấn

Thời Tam Quốc, Hứa Doãn là một vị quan nước Ngụy, cưới con gái của Nguyễn Đức Uý làm vợ. Thời xưa cưới vợ rất nhiều lúc là thông qua mai mối, cả hai không biết mặt nhau. Đến lúc Hứa Doãn nâng màn che mặt cô dâu lên, phát hiện cô gái này dung mạo quá xấu xí, liền sợ hãi bỏ chạy ra khỏi phòng.

Đúng lúc ấy Đại tư nông Hoàn Phạm tới nhà chơi, bèn khuyên bảo: “Nhà họ Nguyễn đã gả cô con gái xấu xí cho anh tất có nguyên nhân, anh nên tìm hiểu thử xem.”

Hứa Doãn nghe theo lời Hoàn Phạm vào phòng. Vừa nâng màn che mặt, nhìn thấy dung mạo xấu xí của vợ, Hứa Doãn cảm thấy không chịu nổi, lại quay người bước ra. Vợ của Hứa Doãn biết rằng nếu lúc ấy Hứa Doãn chạy ra khỏi phòng thì nhất định sẽ không quay trở lại nữa nên lập tức đứng dậy nắm lấy vạt áo của chồng.

Hứa Doãn thấy vậy, bèn hỏi: “Phụ nữ có tứ đức, nàng có được mấy?” Tứ đức của phụ nữ thời xưa bao gồm công, dung, ngôn, hạnh. Vợ của Hứa Doãn bình tĩnh đáp: “Trong tứ đức này, thiếp chỉ thiếu mỗi dung mạo xinh đẹp mà thôi. Nhưng kẻ sĩ có bách hạnh, chàng có được mấy?”

Hứa Doãn trả lời tự đắc: “Ta có đủ cả”. Vợ của Hứa Doãn lại nói: “Bách hạnh lấy đức làm đầu, chàng thích sắc đẹp mà không thích đức hạnh, sao có thể nói là có đủ cả được?”

Hứa Doãn không trả lời được, chỉ thấy vợ mình tài đức sáng suốt, từ đó cảm mến. Hai vợ chồng họ sống cùng nhau tương thân tương ái, tình cảm ngày càng sâu đậm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: