Lòng biết ơn giúp bạn cảm thấy lẽ sống và sống hạnh phúc (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Không nên quên tinh thần biết ơn. Có biết ơn, bạn mới biết trân trọng đồ vật, mới biết khiêm tốn đối với người, và mới biết được niềm vui sướng của sự sống ở đời (2).

Chuyện đã xảy ra rất lâu. Khi đó có lẽ do sức khỏe tôi hơi bị suy sụp nên tinh thần cảm thấy mệt mỏi, không thể nào sống vui vẻ từ ngày này sang ngày khác.

Một ngày nọ, tình cờ gặp lại một người bạn thân tôi mới hỏi “Gần đây tôi cảm thấy trong lòng rất buồn chán cô độc, đôi lúc cảm thấy bi quan với thế gian, không biết tại sao?”. Bạn tôi liền trả lời “Vậy là bạn mắc bệnh u sầu rồi!”. Bởi vì tôi không có ý tưởng như vậy nên đã giật mình ngạc nhiên nhưng nghĩ lại bạn tôi nói vậy cũng có lý. Nên tôi mới hỏi tiếp “Thế nguyên nhân là do đâu?” Bạn tôi trả lời “Rất đơn giản. Bởi vì bạn không biết vui. Do bạn không biết phước lành, ân huệ của vạn vật. Tôi nghĩ nguyên nhân là như vậy. Theo tôi thấy, bạn rất may mắn có được cảnh ngộ như hiện tại nhưng bạn không nghĩ cảnh ngộ này là tốt đẹp mà trời cho bạn. Không những vậy mà ngay cả đối với không khí, bạn không thể sống thiếu nó nhưng bạn cũng không thấy đó là phước lành, là ân huệ của trời cho bạn, lúc nào bạn cũng có không khí để thở. Do đó mà bạn rơi vào buồn chán cô độc. Nếu bạn phát giác ra chuyện này tâm tình bạn sẽ cảm thấy rất biết ơn phước lành bạn đang hưởng và cuộc đời này sẽ trở nên rất vui vẻ. Dù bạn có vấn đề lo lắng một ít nhưng bạn vẫn hăng hái ứng phó giải quyết.” Nghe xong tôi mới hiểu ra.

Nghe lời bạn nói, tôi mới cảm thấy thật sự như vậy. Mặc dù đôi khi tôi cũng cảm thấy cảnh ngộ tôi đang có thật là tốt nhưng tôi không sâu sắc biết ơn là tôi được ân huệ mà trời cho tôi như vậy.

Ngoài ra, đối với sự sống của bản thân tôi, tôi cũng đã hoàn toàn không nghĩ đến sống được là nhờ trời cho không khí lúc nào cũng có để thở.

Từ đó tôi mới suy nghĩ. Đúng là đối với tôi, công việc của công ty, sứ mệnh của tôi là quan trọng nhưng nếu chỉ trong 5 phút không có không khí thì tôi chết mất chớ nói gì đến công việc. Cái quan trọng nhất là không khí đã được trời cho vô hạn. Đối với ân huệ đặc biệt này tôi không cảm thấy mà tinh thần bị bận rộn lôi cuốn bởi các việc trước mắt và bị phiền não là điều không nên. Đó là hình ảnh cho thấy tinh thần, tâm hồn tôi còn rất hạn hẹp nhỏ bé.

Khi đã nghĩ như thế, tâm tình tôi không còn phiền não, trở nên hòa hoãn rất nhiều. Trong thực tế chúng ta nhận được nhiều ân huệ vô hạn từ tự nhiên như không khí, nước, mặt trời… Ngoài ra, chúng ta còn những người chung quanh như cha mẹ, anh em, bậc anh chị đi trước, đồng liêu v.v., các đồ vật chung quanh, các di sản của tiền nhân, tổ tiên để lại, nhờ đó mà chúng ta sinh sống được ngày này sang ngày khác. Do đó tôi nghĩ rằng đối với các thứ trên, thái độ không được quên là điều đương nhiên của việc làm người của chúng ta.

Tuy nhiên, con người chúng ta thường có khuynh hướng quên mất việc này, bản thân tôi cũng vậy. Nếu nghĩ đến thì những điều nói trên thật sự là phước lành nhưng chúng ta thường không để ý phát hiện ra, ngược lại chúng ta thường hay bất bình, bất mãn và tâm tình trở nên đen tối đi. Kết cuộc tự mình chán nản không thấy hương vị cuộc sống của mình và làm cho cuộc sống trở nên buồn bã cô độc.

Đối với thời đại bận rộn, tinh thần biết ơn có khuynh hướng được xem là vật lỗi thời, không những hiện tại mà tương lai cũng có thể như vậy. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng bất kỳ thời đại nào tinh thần biết ơn là rất quan trọng. Có tinh thần biết ơn chúng ta mới có tâm tình trân trọng đồ vật và có tinh thần khiêm nhượng, và biết niềm vui của sự sống và thanh thản khi tiếp xúc với người khác nên việc đối lập, tranh chấp sẽ giảm bớt đi. Khi tinh thần trở nên tăm tối vì lo lắng giận dữ hãy tự hỏi tự đáp rằng mình có đang quên tinh thần biết ơn không? Việc này phải chăng là một điều quan trọng để sống chăng?

Nguyễn Sơn Hùng, 8/9/2022
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Nhận xét của người dịch:

Lòng biết ơn giúp bạn biết trân trọng người khác. Từ đó người khác sẽ trân trọng bạn. Kết quả của 2 việc này giúp bạn cảm thấy niềm vui của sống và sống hạnh phúc.

Người dịch nhớ lại nội dung giải thích ý nghĩa của chữ Hiếu (孝) của Nakae Tôjyu (3) trong tác phẩm Ông Vấn Đáp của ông, đại ý như sau.

Bảo vật quý báu nhất của con người là ĐẠO, đạo giúp con người có được đức tính làm người cao quý nhất (4). “Đạo rộng lớn bao la nên chúng ta ai cũng có thể đạt được. Nói tỷ dụ, việc này cũng giống như mặt trời, mặt trăng tỏa sáng rộng lớn nên bất kỳ ai có mắt đều có thể dùng ánh sáng này. Bởi vì đạo này vốn dĩ không có tên gọi nên thánh nhân ngày xưa mượn hình dạng, dáng vẻ của HIẾU mà đặt tên đạo này là Hiếu. Nhờ vậy cho đến ngay cả các con người của giới thấp kém ngu dốt cũng đều biết tên Hiếu này” (5). Ông giải thích tiếp, ý nghĩa căn bản của Hiếu là Ái và Kính. “Ái nghĩa là ứng xử, giao tiếp thân thiện tận tình. Kính nghĩa là đối với người hoặc cấp bậc trên thì kính trọng, đối với người hoặc cấp bậc dưới thì không khinh rẻ xem thường” (5).

Người dịch cũng nhớ đến một đại nhân vật lịch sử của Nhật Bản, ông Saigô Takamori (6), người có tôn chỉ “Kính Thiên, ái nhân”.

Bởi vì lòng biết ơn giúp chúng ta biết trân trọng người khác nên người dịch nghĩ rằng lời khuyên trên của Matsushita cũng cụ thể hóa một phần nội dung của đạo làm người mà người xưa đã truyền dạy. Điểm tuyệt vời của Nakae là đã tìm ra ý nghĩa cội rễ của chữ Hiếu không hạn hẹp trong ý nghĩa hạn hẹp là “hết lòng phụng dưỡng cha mẹ”, và Matsushita bằng kinh nghiệm sống thật của ông cũng đã tìm ra được chân lý này một cách cụ thể hơn! Phải chăng chúng ta nên suy ngẫm lại cách học của chúng ta.

Ngoài ra, lòng biết ơn sinh ra lòng trân trọng đối với thiên nhiên, vạn vật, và tính khiêm nhượng đối với người khác cũng là điểm xuất phát của LỄ trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín của Nho giáo. Về chi tiết quý độc giả có thể xem bài “Ý Nghĩa Cội Nguồn Của Lễ Là Gì?” (7) của cùng tác giả. Như vậy chúng ta có thể thấy rõ tinh thần biết ơn có tác dụng rất quan trọng trong đạo làm người.

Sau khi viết xong nội dung nhận xét trên, người dịch mới biết và đọc được bài “Suy nghĩ tích cực – Sống hết lòng và biết ơn” anh Đinh Văn Phước (8), nguyên tổng giám đốc công ty Tsubaki Yamakyu Chain của Nhật Bản, được đăng trong trang web dưới đây. Nội dung bài viết không những minh chứng tầm quan trọng của lòng biết ơn trong cuộc sống chúng ta mà những tư duy tương tự với Matsushita của anh đã giúp anh thành công, người dịch vững tin như vậy nên thêm vào đây để quý độc giả tham khảo và áp dụng.

  • https://www.erct.com/2-ThoVan/DVPhuoc/Suy-nghi-tich-cuc.htm

Phần chủ yếu của nội dung trên cũng đã được giới thiệu trên báo in Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online ngày 26/10/2016 như sau:

  • https://tuoitre.vn/nguoi-viet-lam-tgd-tap-doan-nhat-bi-quyet-chi-mot-chu-het-long-1194826.htm

Ghi chú:

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) NAKAE Tôju (Trung Giang Đằng Thụ): 1608~1848, được xem là Dương Minh học giả vào đầu thời kỳ Edo ở Nhật Bản. Được người Nhật gọi là Thánh nhân của vùng Ômi (Cận Giang), thuộc tỉnh Shiga ngày nay. Đặc điểm chính học thuyết của ông là ái và kính là căn bản của mọi đạo đức và cần phải linh động để thích hợp với thời đại, nơi chốn và địa vị của đối tượng áp dụng (chủ trương thời-sở-vị). Ông mất sớm nên chí hướng trong học thuyết của ông được Kumazawa Banzan (Hùng Trạch Phồn Sơn, 1619~1691) kế tục và phát triển.

Các tác phẩm đại biểu: Đại Học Khải Mông, Trì Kính Đồ Thuyết, Nguyên Nhân, Luận Ngữ Hương Đảng Khải Mông Dực Truyện, Ông Vấn Đáp, Hiếu Kinh Khải Mông, Tiểu Y Nam Châm,Giám Thảo (về giáo dục nữ giới), Đại Học Khảo, Đại Học Giải, Trung Dung Giải…

(4) Bài đầu tiên trong quyển thượng của Ông Vấn Đáp (1640).

(5) Bài thứ 2 trong quyển thượng của Ông Vấn Đáp.

(6) Saigô Takamori (Tây Hương Long Thịnh西郷 隆盛, 1828~1877): một chí sĩ có ảnh hưởng lớn vào cuối thời kỳ Edo và đầu thời kỳ Minh Trị.

(7) Matsushita Kônosuke (1950): “Ý Nghĩa Cội Nguồn Của Lễ Là Gì?”. Bài thứ 29 được đăng vào tháng 5 năm 1950 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009.

    • https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/Y-nghia-coi-nguon.htm

(8) Đến Nhật với học bổng của Bộ Giáo dục Nhật từ năm 1961 khi đang là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, anh Đinh Văn Phước vào Công ty Yamakyu Chain năm 1966 với vai trò kỹ sư tập sự, làm cho công ty này suốt 50 năm, về hưu với vai trò tổng giám đốc công ty Tsubaki Yamakyu Chain của Nhật.

Anh có nhiều bằng sáng chế Nhật Bản và quốc tế dưới tên Fukukazu Kato, giúp tái cấu trúc Yamakyu Chain thành công ty hàng đầu chế tạo xích băng tải phục vụ dây chuyền công nghệ thực phẩm, cung cấp toàn Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…

Xem thêm:

Mời xem video: