Trong văn hóa truyền thống, trung hiếu lễ tiết luôn được xem là cái gốc làm người, và chữ “Hiếu” đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Thậm chí trong “Hiếu kinh”, một cuốn sách kinh điển thời xưa, thì “Hiếu” đã được nâng lên thành Thiên lý. Hiếu thảo đối với bậc cha mẹ sinh thành ra ta đã là một lẽ, nhưng hiếu thảo với người không sinh thành ra ta thì lại còn khó khăn hơn. Đó là câu chuyện của Mẫn Tử Khiên.

Mẫn Tử Khiên là người nước Lỗ thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử, nổi tiếng vì đức hạnh hơn người. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng khen ngợi Mẫn Tử Khiên như sau: “Hiếu tai Mẫn Tử Khiên! Nhân bất gian ư kì phụ mẫu, côn đệ chi ngôn.” Câu này có nghĩa là: Mẫn Tử Khiêm thật là hiếu thuận! Cha mẹ, anh em trong nhà đều khen hiếu thuận mà người ngoài cũng nhận vậy là đúng.

Mẫn Tử Khiên
Tranh Mẫn Tử Khiên, vẽ vào thời nhà Nguyên. (Tranh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong dân gian từ xưa đến nay vẫn lưu truyền câu chuyệnÐơn Y Thuận Mẫu” (Tạm dịch: Quần áo đơn sơ hiếu thuận mẹ) như một tấm gương mẫu mực về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên.

Mẹ Mẫn Tử Khiên chết sớm. Cha đi bước nữa và sinh thêm được hai người con trai. Tử Khiên kính trọng và chăm sóc cha cùng người mẹ kế, nhưng mẹ kế không thương yêu ông, còn thường xuyên ngược đãi. Mùa đông rét mướt, bà cho hai người con trai mặc áo bông dày ấm áp, còn Tử Khiên chỉ được mặc một chiếc áo khoác bên trong nhồi bằng hoa lau, vốn không cách nào giữ ấm được.

Một ngày đông nọ, cha có việc đi ra ngoài, sai Tử Khiên kéo xe. Xưa con lớn kéo xe cho cha là việc thường. Ra ngoài, bởi vì gió thổi mạnh nên Mẫn Tử Khiên vừa kéo xe vừa run cầm cập. Phụ thân nhìn thấy ông mặc quần áo dày như vậy mà còn run cầm cập nên nghĩ: “Hành vi này của con rất có thể làm cho danh tiết của mẹ bị tổn hại. Người ta thấy sẽ cho rằng mẹ kế ngược đãi con chồng”, vì vậy rất giận dữ, cầm roi đánh Mẫn Tử Khiêm.

Roi vừa đánh thì quần áo bị rách, bông lau bay ra. Khi đó người cha mới biết rằng Tử Khiên đã bị mẹ kế ngược đãi. Người cha rất giận dữ: “Tại sao vợ kế ngược đãi con như vậy?”. Vừa về nhà, ông giận đùng đùng muốn đuổi người mẹ kế đi.

Trong tình hình khẩn cấp như vậy, Mẫn Tử Khiên liền quỳ xuống cầu khẩn xin cha tha thứ cho kế mẫu, khóc và nói: “Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa rét sương”.

Mẫn Tử Khiên nói như vậy, phụ thân của ông nghe xong rất cảm động, cũng hạ cơn giận xuống. Mẹ kế của ông càng cảm thấy xấu hổ. Do đó, tấm lòng và đức hạnh của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được người mẹ kế. Từ đó gia đình họ sống hòa thuận, vui vẻ.

Có thơ khen rằng:

Mẫn Thị hữu hiền lang
Hà tằng oán vãn nương
Phụ tiền lưu mẫu tại
Tam tử miễn phong sương

Có nghĩa là:

Họ Mẫn có con hiền
Chẳng hề oán kế mẫu
Xin cha, mẹ ở lại
Ba trẻ miễn gió sương

Lại có thơ rằng:

Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu.
Thờ cha sớm viếng, khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thời kép áo, dày bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân.
Khi cha dạo, theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên xẩy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tuỳ.
Gạt nước mắt, chân quỳ, miệng gửi:
Lạy cha, xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn, chịu một thân đơn,
Mẹ đi, luông để cơ hàn cả ba.
Cha trông xuống cũng sa giọt tủi.
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ,
Thấm lâu như đá cũng rừ lọ ai?

Nếu như Mẫn Tử Khiên không dùng sự khoan dung tha thứ như vậy, không dùng tâm hiếu chí thành để đối xử với mẹ kế, thì gia đình này sau đó sẽ ra sao? Sẽ tan cửa nát nhà. Do vậy, con người đối diện với mâu thuẫn thì không nên hành động theo cảm tính. Nếu như lấy oán báo oán, kết quả sẽ khó mà tốt đẹp.

Mẫn Tử Khiên
Nhà thờ cạnh khu mộ Mẫn Tử Khiên tại Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Rolfmueller, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Văn hóa truyền thống rất chú trọng tu dưỡng đạo đức, một trong những giá trị của đạo đức là “Nhẫn”, chẳng thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền câu thơ : “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng – Lùi một bước biển rộng trời cao”. Câu chuyện cổ về Mẫn Tử Khiên – một người con chí đạo chí hiếu, cũng đồng thời là tấm gương sáng về tấm lòng thiện tâm nhẫn nhục, lấy đức báo oán – đã mãi mãi lưu truyền hậu thế.

Hy Vọng

Xem thêm:

Mời xem video: