Nhìn lại quá trình phát triển của văn minh nhân loại, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều truyền thuyết về Thần, như Thiên Chúa phân chia hỗn độn, Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa vê đất nặn ra con người, Thần rồng Lạc Long Quân và tiên nữ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là thủy tổ của người Bách Việt. Trong tôn giáo cũng có những người giác ngộ đắc Đạo thành Tiên, La Hán tu xuất khỏi Tam giới, Bồ Tát đại từ đại bi, Phật Đà phổ độ chúng sinh, Chúa Giê-su chịu tội thay con người… Có thể nói, thế giới thật rộng lớn và huyền bí, vạn vật đều là có linh. Trong cuộc sống, người phương Đông cũng có câu nói thế này: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người xưa tin rằng: “Sinh, lão, bệnh, tử”, nhân duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái, công danh sự nghiệp, may mắn bất hạnh, thành bại, hết thảy đều có sự chưởng quản của Thần linh…

Hàm nghĩa của chữ “Thần”

Trong ấn tượng trực quan của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì “Thần” là đại biểu cho những điều tốt đẹp, là từ bi, che chở và phù hộ cho con người thế gian. Hơn thế nữa, trong rất nhiều tín ngưỡng đều nói rằng, Thần tạo ra con người phỏng theo hình tượng của Thần. Điều này được thể hiện trong chính kết cấu của chữ “Thần”.

Thiển đàm về chữ Thần và tín ngưỡng Thần trong văn hóa truyền thống Phương Đông
Chữ Thần. (Tranh tổng hợp)

Trong thể chữ Kim Văn, chữ Thần (神) được cấu thành bởi chữ Thị (示) và chữ Thân (申). Chữ Thị (示) nằm bên trái của chữ Thần. Ngày nay, nó thường được viết thành “礻”, có nghĩa là bảo cho biết, mách cho biết. Từ ý nghĩa ấy, nó tượng trưng cho sự điểm hóa, gợi ý và khai thị của Trời đất và Thần đối với con người thế gian.

Bên phải của chữ “Thần” là chữ Thân (申), nó vốn là chữ gốc của chữ Thần. Chữ Thân (申) là chỉ các tia chớp của ngày mưa, nó biến hóa không ngừng. Khi chữ Kim Văn kế tục chữ Giáp Cốt thì có loại chữ Kim Văn viết chữ Thân (申) dưới hình dạng của đôi bàn tay, dựng thẳng đứng để biểu thị rằng Thần nắm trong tay hết thảy.

Từ tính chất đặc biệt của chữ Giáp Cốt tượng hình thời xưa có thể thấy, tính “tương phản tương thành” (cùng đối lập và cùng bổ sung) và “tương sinh tương hóa” (cùng sinh và cùng biến hóa) khi xem xét chữ Nhân (人) như một phần của chữ Thần mà ra. Sau đó thì chữ Nhân này mới có sự biến hóa trong chữ Kim Văn và Tiểu Triện.

Screenshot 1 5
Theo thứ tự: Chữ “Thần” Giáp Cốt; Kim Văn; Tiểu Triện; Đồ hình thái cực.
Screenshot 2 3
Theo thứ tự: Chữ “Nhân” Giáp Cốt; Kim Văn; Và hai chữ Tiểu Triện.

Do đó trong nhận thức của người xưa thì Thần sáng tạo ra vạn sự vạn vật, bên trong vạn sự vạn vật là có Đạo, cũng gọi là Thiên Đạo, bởi vậy, hình tượng và tín tức của Thần là không chỗ nào không có.

Cho nên, cổ nhân luôn chú trọng: “Trời thuận theo Đạo, kính Thần lễ Phật”. Cho dù là Nho Gia nhấn mạnh vào luân lý làm người, “tam cương ngũ thường” thì yêu cầu trước nhất đối với con người cũng là phải “kính Trời”, “thuận Thiên mệnh”. Đem luân thường đạo lý nơi thế gian con người tôn sùng là “Thiên Luân”, tức là luân thường đạo lý do trời quy định cho con người.

Cho đến ngày nay trong suy nghĩ của người phương Đông nói chung hay người Việt Nam nói riêng vẫn lưu giữ những ký ức về “Thần”, về “Trời”. Vì thế mà cho dù là người cố chấp, ngoài miệng luôn nói không tin Thần Phật nhưng ở vào bước đường cùng thì đều phát ra từ nội tâm của mình một tiếng than: “Trời ơi!”. Cho dù là người kiêu căng ngạo mạn, tự cho rằng bản thân mình “không sợ Trời, không sợ Đất” nhưng ở vào lúc không thể đảo ngược được tình cảnh nữa thì cũng đành phải chấp nhận “số Trời”. Lâu dần những điều này trở thành câu cửa miệng, có phần bất kính với Trời Đất, cũng bởi con người hiện đại xa rời Đạo, xa rời Thần mà ra.

Tín ngưỡng Thần trong đời sống của người xưa

Chúng ta có thể lấy nền văn minh lâu đời nhất của phương Đông làm ví dụ. Lòng “tín ngưỡng Thần” của người Trung Hoa cổ xưa được thể hiện thông qua một vài phương diện chủ yếu sau:

Đầu tiên là được thể hiện thông qua cách xưng danh hiệu đất nước. Trung Hoa thời cổ đại có tên là Cửu Châu, cũng có tên là Thần Châu, mang ý nghĩa là nơi có Thần linh che chở, phù hộ, cũng mang ý nghĩa là con người nếu tu luyện có thể trở thành Thần Tiên.

Tiếp đó lòng “tín Thần” được thể hiện ở phương diện sử dụng từ “Thần” trong đời sống hàng ngày. Theo thống kê, có khoảng 1000 thành ngữ thường dùng, trong đó có khoảng 300 thành ngữ có chứa chữ “Thần”. Ví dụ: “Tâm khoáng thần di” (Tâm trí thanh thản, lòng dạ thảnh thơi), “Thần thanh khí mậu” (Tinh thần thanh sạch, khí tiết phong phú), “Thần sắc tự nhược” (Thần sắc vẫn tự nhiên), “Thần thái hồng hào”, “Quỷ phủ thần thông” (Tài nghệ điêu luyện), “Tập trung tinh thần”, “Toàn thần quán chú” (Sự chăm chú hết mức)… Không chỉ vậy mà còn có hơn 500 từ sử dụng thường ngày có chứa chữ “Thần” như: thần thái, thần linh, thần sắc, tinh thần, thần kỳ, v.v.. Có một điều là, ngay cả những người tự xưng là không tin Thần Phật cũng đều sử dụng những từ ngữ này trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếp nữa, lòng tín ngưỡng Thần còn được thể hiện ở phương diện thờ phụng Thần. Tất cả Hoàng đế các triều đại của Trung Hoa xưa, ngay khi lên ngôi đều phải kế tục truyền thống cúng tế Trời đất, thờ phụng Thần linh. Vào những ngày lễ trọng đại của dân tộc, Hoàng đế các triều đại đều phải tế Thần, hướng về Thần bảy tỏ lòng kính ngưỡng đối với Thần.

02g b
Một phần của bức tranh miêu tả cảnh Hoàng đế Ung Chính làm lễ tế trời (Ảnh: Npm.gov.tw, Public Domain)

Lòng tín ngưỡng ấy còn được thể hiện ở các phong tục tập quán của người dân Trung hoa. Người dân Trung Hoa cho đến nay vẫn bảo lưu được rất nhiều những phong tục tập quán, lễ hội thể hiện sâu sắc sự kính ngưỡng đối với Thần linh.

Ngoài ra, các tác phẩm văn học thời Trung Hoa cổ đại đều có mối liên hệ mật thiết với Thần. Trong đó, “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa bao gồm “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy Hử”, “Tây Du Ký” và “Hồng Lâu Mộng” cũng chứa đựng nhiều nội dung hướng đến Thần và tin vào “lẽ nhiệm màu của Trời đất”.

Về phương diện chính trị, kinh tế, kiến trúc, y học, nghệ thuật, toán quái, thiên văn học, dưỡng sinh, ẩm thực, võ thuật… và tất cả các phương diện khác trong cuộc sống của người Trung Hoa cổ xưa đều mang đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng Thần.

Người xưa kính ngưỡng Thần như thế nào?

Người xưa vô cùng kính Thần, và trong những tín ngưỡng của phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam thì đạo Phật là phổ biến nhất. Người Việt thể hiện lòng tôn kính Thần Phật thông qua truyền thống đi lễ chùa. Thời xa xưa, chùa chiền là chốn vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục. Đây là nơi để những người xuất gia tĩnh tâm tu hành theo lời Phật dạy với mục đích là được giải thoát khỏi bể khổ luân hồi. Chùa chiền cũng là nơi những con người thế tục tới để tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật Pháp.

Theo kinh điển nhà Phật, Phật không cần chút vật chất gì của con người, mà vì sự từ bi, chư Phật muốn cứu độ con người thoát ra khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. “Sinh, lão, bệnh, tử”, cũng như hết thảy mọi sự việc ở cõi người vốn là chiểu theo luật nhân quả, ai làm điều ác sẽ kết ác duyên, ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên. Thần Phật chỉ có thể giúp những người kính Phật tu tâm tích đức hành thiện, khuyên con người từ bỏ ham muốn vật chất, từ bỏ “tham, sân, si” để đạt được tâm thanh tịnh, tiến đến cảnh giới giác ngộ, chứ không thể “tùy tiện” ban phát tài lộc, công danh, hay giúp con người tiêu tai giải nạn.

Lòng tín Thần trong lý niệm của cổ nhân
(Ảnh minh họa: Tooykrub, Shutterstock)

Do đó người xưa đi lễ chùa là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật, cảm kích Thần Phật đã luôn từ bi che chở, và quan trọng nhất là để tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh. Họ biết rằng điều Thần Phật dạy con người là tu thân tích đức, điều Thần Phật ban cho con người không phải là tiền bạc, của cải hay sức khỏe mà là trí huệ. Họ tin tưởng rằng, Thần linh nhìn thấu được tâm tưởng của mình, cầu mong có thể nâng cao cảnh giới, tu dưỡng tâm tính để trở nên cao thượng.

Ngày nay, một số người đến chùa để tìm kiếm sự bình an và thanh thản trong lòng. Cũng có không ít người đến chùa để “trút bỏ” những sự tình không được như ý, cầu sự nghiệp thành đạt, cầu tình duyên tốt đẹp, cầu mọi việc thuận lợi, tiêu tai, giải nạn, v.v.. Còn có một số người muốn “hối lộ” Phật… Nhưng kỳ thực, chiêu mời phúc hay họa đều là tự bản thân mình mà ra, không nên cưỡng cầu trước Phật, càng không nên bất kính với Thần Phật mà tạo ra khổ nạn cho bản thân mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: