Tôn trọng người khác không phải là sự lễ phép xã giao mà nó đến từ sự hiểu biết, yêu mến, thông cảm và kính trọng người khác được ẩn sâu ở trong lòng mỗi người. Lòng tôn trọng không hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị, bởi vì như vậy mới là thuần túy nhất, chất phác nhất…

Thiện niệm
(Ảnh minh họa: 5534534, Pixabay, Pixabay License)

Một ngày mùa đông, một cậu thanh niên thất nghiệp quần áo cũ kỹ, dáng người gầy gò, lơ đãng bước vào một cửa hàng vàng bạc. Cậu ta vốn chỉ định vào đó tránh rét, tiện thể ngắm nghía những món đồ trang sức lộng lẫy. Bản thân đang trong hoàn cảnh túng quẫn, nhìn thấy người ta xúng xính vàng bạc, bất giác cậu thanh niên tim đập thình thịch, trách cuộc đời sao bất công.

Cô nhân viên bán hàng đứng gần đó thấy vẻ mặt khác thường của cậu thanh niên, đang định hỏi thăm thì lại có khách hàng, nên dần dần cũng không chú ý đến cậu nữa. Khi cất nhẫn mà khách đeo thử vào hộp, cô bán hàng lỡ tay đánh rơi cả hộp gồm 6 chiếc nhẫn. Những chiếc nhẫn lăn tròn trên mặt đất, mỗi cái ở một nơi.

Cô bán hàng vội vàng cúi xuống tìm và nhặt lại, nhưng tìm mãi chỉ thấy 5 chiếc. Đang vô cùng hốt hoảng thì chợt thấy cậu thanh niên chuẩn bị bước ra khỏi cửa hàng, cô bán hàng bỗng nhiên nghĩ ra điều gì đó.

“Anh gì ơi…”

“Gì vậy?”. Cậu thanh niên quay người lại, mặt không hề biểu lộ sự lúng túng, lo sợ.

Cô bán hàng đi tới, hơi lưỡng lự không biết nói sao cho phải. Chợt cô nghĩ đến lời mẹ dạy, con người ai cũng có mặt lương thiện, chân chính. Thế là cô rụt rè nói nhỏ: “Anh có nghĩ rằng… bây giờ đi tìm được một công việc mới là rất khó không?”.

Cậu thanh niên nhìn cô bán hàng một lúc, rồi như chợt hiểu, trên gương mặt cậu dần hé nụ cười: “Đúng vậy, nhưng tôi tin cô làm việc rất tốt, tôi có thể chúc mừng cô không?”

Nói rồi, cậu thanh niên giơ tay ra bắt tay cô bán hàng, sau đó quay người, mở cửa, bước ra thế giới lạnh lẽo bên ngoài.

Cô bán hàng đứng tần ngần nhìn cậu thanh niên mất hút, rồi cẩn thận cất chiếc nhẫn thứ 6 trong tay mình vào hộp.

Tất cả mọi người đều khó có thể là người hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” để đi làm tổn thương người khác. Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti”“ghen ghét đố kỵ” đi thế chỗ cho “tự tôn”. Chỉ có học được tôn trọng người khác mới có thể có được sự tôn trọng từ người khác đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác, kỳ thực chính là tôn trọng bản thân mình.

Bạch Liên

Dựa theo câu chuyện trong cuốn
“5 phút khích lệ trẻ mỗi ngày” (NXB Phụ nữ)

Xem thêm: