Trong những năm tháng cùng cực phải chạy trốn trước sự truy sát của quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh nhờ vào sự che chở của dân Nam bộ mà thoát được, trong đó có không ít người tình nguyện theo phò giúp Chúa trong lúc nguy khốn. Mối nhân duyên giữa Long Vân hầu Trương Tấn Bửu cùng Nguyễn Vương cũng xuất hiện ở thời điểm này.

Long Vân hầu Trương Tấn Bửu: Từ trai cày trở thành hổ tướng Gia Định
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Duyên cùng cày ruộng

Theo “Tiểu sử Long Vân hầu Trương Tấn Bửu” của tác giả Lê Thọ Xuân, vào năm 1787, Nguyễn Phúc Ánh cùng thủy quân của mình bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả, phải chạy trốn.

Khi đến tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ông cùng 2 thuộc hạ bỏ thuyền lên bờ chạy đến xóm Cây Da, xã Hưng Lễ. Cả ba kiệt sức đến gõ cửa một nhà dân, nói rằng là người phương xa lỡ đường xin được nương náu qua đêm.

Chủ nhà là ông Trương Tấn Khương là người thật thà chất phác, thương khách lỡ đường nên tiếp đãi rất tử tế, mời cơm nước và cho nghỉ lại qua đêm. Thấy gia đình này thật thà tốt bụng, Nguyễn Phúc Ánh xin được ở lại đây cày cấy một thời gian và được đồng ý.

Từ đó Nguyễn Phúc Ánh cùng 2 tùy tùng phải ra đồng cày cấy, che dấu thân phận thật của mình.

Ông Khương có 7 người con, trong đó người con thứ 3 là Trương Tấn Bửu là người thông minh, giỏi võ nghệ, có tiếng là người hào hiệp, từng có lần đối mặt với cọp dữ.

Qua thời gian cày cấy vui vẻ cùng với các vị khách, Tấn Bửu nhận thấy một trong 3 người cày cấy và làm việc rất vụng về, đoán biết không phải là dân thường nên gặng hỏi. Biết không thể giấu lâu dài và cũng tin tưởng gia đình, Nguyễn Phúc Ánh tiết lộ thân phận thật của mình.

Trai cày cứu mạng Chúa

Ông Khương gửi luôn Trương Tấn Bửu đi theo phò giúp. Bửu tìm trai tráng cùng chí hướng theo phò giúp và tìm cách đưa Chúa thoát ra ngoài.

Khi Nguyễn Phúc Ánh ra khỏi làng thì bị quân Tây Sơn mai phục sẵn. Trương Tấn Bửu vốn giỏi võ nghệ tả xung hữu đột, lại thạo đường lối nên đưa Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát được, lại đưa đến Vàm Nao (nơi giao nhau giữ sông Tiền và sông Hậu) để tập trung binh lực.

Trương Tấn Bửu có nhiều công lớn, được phong làm Khâm sai đốc chiến cai cơ, được chúa đặt tên là Long, nên còn có  tên khác là Trương Tấn Long. Ông được phong tước Vân hầu, nên hay được gọi là Long Vân hầu.

Từ trai cày trở thành hổ tướng Gia Định

Năm 1790, Tấn Bửu được thăng chức Hậu quân Hậu chi Chánh chưởng chi, rồi Chưởng quản Tiền quân.

Năm 1797, Trương Tấn Bửu tham gia các trận đánh lớn ở Phú Yên, Bình Định, Hội An, được thăng chức Tiền quân Phó tướng. Ông là một trong “ngũ hổ tướng Gia Định” gồm Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương và Trương Tấn Bửu.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại được nhà Tây Sơn, lên ngôi Vua, hiệu là Gia Long. Trương Tấn Bửu được phong Chưởng dinh, quản lĩnh đội quân Bắc Thành.

Dẹp nạn Tàu Ô

Nắm giữ quân ở Bắc hà, Tấn Bửu đánh dẹp loạn thổ phỉ quấy nhiễu dân chúng.

Lúc này quân Tàu Ô (cướp biển Trung Hoa) rất mạnh với hàng trăm chiến thuyền được trang bị vũ khí hiện đại. Triều đình nhà Thanh dù nỗ lực nhưng không làm gì được đám Tàu Ô này. (Xem bài: Nữ hoàng hải tặc bất bại, hoàn lương chỉ vì một câu nói)

Tại Việt Nam quân Tàu Ô hoạt động mạnh trên vùng biển từ Vân Đồn đến Kinh Môn (Hải Dương). Trước đó quan quân đối mặt với Tàu Ô đều phải rút lui.

Từ khi Trương Tấn Bửu ra bắc tình hình đã khác. Năm 1806 quan quân đánh đuổi được 30 chiến thuyền của Tàu Ô cướp phá ở vùng biển Vịnh Hạ Long, lần khác ông chỉ huy quân đánh bại 80 chiến thuyền Tàu Ô tại sông Bạch Đằng.

Sau vài năm đích thân cầm quân đánh nhiều trận với Tàu Ô, dân miền biển phía bắc thoát được nạn cướp biển, yên ổn làm ăn nên rất biết ơn Trương Tấn Bửu. Nhờ chiến công này mà ông được phong làm Tổng trấn Bắc thành.

Trông coi vùng đất Nam bộ

Năm 1810, Trương Tấn Bửu vào nam lĩnh chức Tổng trấn Gia Định, trông coi cả vùng đất với nhiều trấn.

Đến năm 1812 thì ông làm Phó tổng trấn, cùng Tổng trấn Lê Văn Duyệt coi sóc cả vùng Nam bộ, dân chúng kính ngưỡng, thường gọi “chánh tướng Duyệt, phó tướng Luông” (ông được vua Gia Long đặt tên Long, nhưng dân chúng nói chệch thành “Luông” vì  sợ phạm húy “Long” chỉ Vua).

Năm 1823, Lê Văn Duyệt coi xét việc đào kênh Vĩnh Tế thì ngã bệnh. Trương Tấn Bửu cùng Thoại Ngọc Hầu cùng 35.000 người đào kênh Vĩnh Tế chạy suốt từ An Giang đến Kiên Giang, dài 87 km. Con kênh được hoàn thành giúp việc đi lại giao thương rất thuận lợi (Theo “Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam”).

truong tan buu 1
Tranh Phó tổng trấn Gia Định năm 1822, trích từ sách của John Crawfurd xuất bản năm 1828. (Tranh: John Crawfurd, Wikipedia, CC0 1.0)

Năm 1822, Trương Tấn Bửu được phong Chánh nhất phẩm.

Đến năm 1824 thì Trương Tấn Bửu xin nghỉ hưu do tuổi già. Vua Minh Mạnh chuẩn tấu, ban cho đặc ân lãnh trọn lương như lúc đang giữ chức, tết đến Vua cho người mang vật phẩm ban phát cho ông.

Vua lại nghĩ thân phụ Trương Tấn Bửu có công với tiên đế, nên truy phong cho ông Trương Tấn Khương chức Nghiêm oai tướng quân Thượng hộ quân Thống chế, mẹ Trương Tấn Bửu cũng được phong là Mệnh phụ phu nhân.

Năm 1827, Long Vân hầu Trương Tấn Bửu mất, thọ 75 tuổi. Ông được Triều đình an táng ở làng Phú Nhuận (nay là quận Phú Nhuận, Sài Gòn).

Đến năm 1852 dưới thời vua Tự Đức, Trương Tấn Bửu được đưa vào miếu Trung hưng công thần.

Trước năm 1985, Sài Gòn có đường Trương Tấn Bửu, nhưng sau đã đã đổi tên.

Ngày nay mộ của Trương Tấn Bửu được đặt trong lăng Phú Thành trên đường Nguyễn Thị Huỳnh, P8, Q Phú Nhuận, Sài Gòn. Lăng rất rộng lớn, diện tích 2.300 m2, bên ngoài có tường thành, bên trong có cả tiền điện và chính điện. Năm 2005 khu lăng mộ này được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: