“Nhẫn kinh” là trước tác của Ngô Lượng người Hàng Châu, triều Nguyên. Năm Bính Ngọ niên hiệu Đại Đức thứ 10 đời Nguyên Thành Tông (năm 1306), Ngô Lượng đã tập hợp những lời luận đàm về chữ Nhẫn qua các triều đại, và những nhân vật cũng như những câu chuyện thực về nhẫn nhịn khiêm nhường, trung hậu khoan thứ trong lịch sử, rồi biên soạn thành sách Nhẫn kinh. Nhẫn kinh là bộ sách tốt, ngụ ý sâu sắc, có tác dụng khuyến răn và cứu tế con người thế nhân. Trong Nhẫn kinh có gần một trăm câu chuyện về đức tính “nhẫn” của các nhân vật lịch sử, trong đó bao gồm cả những câu chuyện kể về đại thần thời Bắc Tống, Lữ Mông Chính.

Lữ Mông Chính: Nhẫn nhịn với thị phi, kiên trì với chính đạo
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Lữ Mông Chính làm Tể tướng ba lần, lúc qua đời được truy phong làm Trung thư lệnh, thụy hiệu Văn Mục. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 2, Lữ Mông Chính đỗ trạng nguyên, được bổ nhiệm làm Thông phán Thăng Châu. Ông từng được phong làm Hứa quốc công, Thái sư dạy dỗ Thái tử. Ông là người phúc hậu, rộng lượng, không tính toán. Đối đãi với người bên trên thì dùng thái độ nhẫn nhịn cung kính, đối đãi với người bên dưới thì dùng thái độ nhã nhặn mẫu mực.

Một lần Lữ Mông Chính vào triều tham gia bàn bạc việc triều chính, có một quan viên ở trên triều đã rất xem thường ông, thậm chí còn ở trong bức mành mà chỉ vào mặt ông, nói: “Tên tiểu tử này cũng tham gia chính sự sao?”

Dù nghe thấy nhưng Lữ Mông Chính vẫn giả vờ như không nghe thấy gì mà bước qua. Tuy vậy, những người bên cạnh ông lại rất tức giận. Họ khuyên ông phải tìm cho ra danh tính của người đã nói câu ấy, nhưng Lữ Mông Chính đã ngăn lại nói: “Biết để làm gì đâu! Một khi đã biết danh tính của người này thì sẽ không dễ dàng quên đi được, không biết chẳng phải là tốt hơn sao?” Mọi người nghe xong ai cũng bội phục tấm lòng độ lượng và thái độ bình thản của ông.

Trong “Tống sử” có ghi chép rằng, Lữ Mông Chính đối đãi với người khoan dung độ lượng, có danh vọng rất lớn, nhẫn nhịn giữ vững chính đạo để khắc chế bản thân. Khi gặp chuyện sai trái, ông dám đứng ra lên tiếng. Mỗi lần thảo luận tình hình chính trị đương thời, có điều gì không đúng, ông sẽ kiên nhẫn phản đối. Chính vì thế ông được nhiều người tán thưởng và bội phục.

Lúc Lữ Mông Chính nhậm chức Tể tướng, quan Thương Châu là Trương Thân vì ăn hối lộ nên bị bãi miễn chức vị. Có người nói với Hoàng thượng: “Trong nhà Trương Thân rất giàu có nên sẽ không làm chuyện như vậy. Chỉ là do Lữ Mông Chính nghèo hèn khi thỉnh cầu ông ấy cứu tế không được như ý nên mới làm vậy thôi”. Hoàng thượng tin theo nên đã ra lệnh khôi phục lại chức quan cho Trương Thân. Lữ Mông Chính nhẫn nhịn, không tranh biện về việc này.

Về sau, Khảo khóa viện (cơ quan chuyên trách về kiểm tra thuế) đã biết được tình hình thực sự của Trương Thân nên lại giáng chức của ông ta. Lúc Lữ Mông Chính lần thứ hai nhậm chức Tể Tướng, Tống Thái Tông đã nói với ông: “Trương Thân quả thực có ăn hối lộ”.

Hoàng thượng từng mở tiệc vào Tết Nguyên tiêu, Lữ Mông Chính ở bên hầu hạ. Hoàng thượng nói với ông: “Thời Ngũ đại, sinh linh tàn lụi. Chu Thái Tổ từ Nghiệp Nam về, quan lại và dân chúng đều bị cướp bóc, bên dưới xuất hiện hỏa hoạn, bên trên xuất hiện sao chổi, người người sợ hãi. Thiên hạ lúc ấy không có ngày thái bình. Trẫm tự mình nắm toàn bộ chính sự, mọi thứ đại khái đều được quản lý. Mỗi khi nghĩ đến sự ban thưởng của Thiên Thượng, có được sự phồn thịnh hương vượng như vậy, chỉ biết rằng sự thống trị hay hỗn loạn của một đất nước đều là do người làm”.

Lữ Mông Chính rời khỏi ghế ngồi, cung kính nói: “Hoàng đế ở đâu, dân chúng đều đến đó tụ họp, cho nên thấy phồn thịnh đến thế. Thần từng nhìn thấy ở chỗ cách thành vài dặm, có rất nhiều dân chúng vì đói rét mà chết, không hề giống với cảnh phồn thịnh trong thành. Hy vọng Bệ hạ có thể nhìn từ chỗ gần đến chỗ xa, đó mới là hạnh phúc của dân chúng”.

Nét mặt của Hoàng đế đột nhiên biến sắc, cũng không nói lời nào. Lữ Mông Chính nghiêm nghị trở về chỗ ngồi ngồi, các đại thần có mặt đều khen ngợi tính cương trực của ông.

Một lần, Hoàng thượng muốn chọn người đi sứ phương Bắc nên đã mệnh lệnh cho Trung thư tỉnh lựa chọn người có tài năng, có khả năng đảm nhận trọng trách. Sau khi bãi triều, Lữ Mông Chính đã tiến cử một người nhưng Hoàng thượng không phê chuẩn. Về sau, Hoàng thượng lại ba lần hỏi về việc này, Lữ Mông Chính trước sau đều nói tên của người lúc trước mà ông đã tấu.

Hoàng thượng nói: “Vì sao khanh cố chấp như vậy?”

Lữ Mông Chính đáp: “Thần không cố chấp mà là do Bệ hạ không thể nghiệm và tin tưởng. Người này có thể đảm nhận được, người khác thì không thể bằng. Thần không muốn mù quáng hùa theo ý chỉ của Bệ hạ để làm chậm trễ việc quốc sự”. Các đại thần khác nín thở, không ai dám lên tiếng.

Hoàng thượng sau khi bãi triều đã nói với người bên cạnh: “Lữ Mông Chính có sức nhẫn nhịn, trẫm không bằng ông ta”. Về sau, Hoàng thượng đã chỉ định người mà Lữ Mông Chính tiến cử. Người này quả nhiên đã xứng đáng với chức vị của mình.

 Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: