Sách Luận Ngữ giảng rằng: “Người quân tử có ba điều cần đề phòng: lúc trẻ trung, khí huyết chưa ổn định, đề phòng sắc dục; đến khi trưởng thành, khí huyết đương mạnh mẽ, đề phòng ham tranh đấu; đến tuổi già, khí huyết đã suy tàn, đề phòng tính tham lam.” Người quân tử học theo đạo thánh hiền, dẫu ở độ tuổi nào cũng cần nghiêm cẩn tuân theo.

Lúc trẻ phòng sắc, tráng niên phòng đấu, tuổi già phòng tham
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Khi trẻ trung khí huyết chưa ổn định, tinh thần bồng bột chưa vững vàng, dễ tham luyến mỹ sắc. Nhưng tuổi này đang là tuổi phát triển của con người, giống như mầm cây mới nảy ra, giống như trùng đang ủ kén. Mầm cây mới nảy liền vặt đứt, trùng đang trong kén mà xé ổ, thì đều là chuyện tối kỵ, hại đến thể chất. Thể chất đã bị suy bại mà tinh thần cũng theo đó trở nên mờ đục.

Ngoài ra, sắc niệm hễ động thì những niệm ác khác cũng theo nhau kéo tới. Nếu chẳng thể được thỏa mãn thì luôn có vọng niệm mưu đồ quyến rũ đối phương, thậm chí còn làm ra việc xấu, hại người hại mình.

Cổ nhân đối với hậu quả của việc tham luyến sắc dục thì tổng kết ra bốn chữ: giảm, tước, tổn, đoạn. “Giảm” là tiêu giảm phúc phận, âm đức mà tổ tiên lưu lại, tiền tài hao tổn nhanh chóng, khiến cả một đời khốn khổ, cùng quẫn. “Tước” là tước bỏ công danh, lợi lộc. “Tổn” là tổn hao thọ mệnh, cơ thể yếu ớt. “Đoạn” là đoạn tuyệt đường thờ tự bởi tinh khí hao tổn quá độ, dễ xuất hiện chứng vô sinh.

Tuổi tráng niên thì người ta đã trưởng thành, khí huyết mạnh mẽ. Đây cũng là tuổi con người gây dựng sự nghiệp, và thường là tuổi hoàng kim của đời người. Nhưng lúc này do khí huyết mạnh, nghị lực dồi dào, nên dễ sa vào tính háo danh, ham tranh đấu với người khác, nhằm có được quyền lực, tài sản, địa vị. Vậy nên người tuổi tráng niên phải “phòng đấu”.

Kỳ thực xã hội hiện đại bị chữ “đấu” này làm hại rất nhiều. Thậm chí không chỉ kẻ tráng niên, mà toàn bộ độ tuổi đều thấy xuất hiện chữ “đấu”. Bạo lực trường học, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, các thủ đoạn trong kinh doanh, các thủ đoạn trong thăng tiến, mọi mặt của đời sống đều xuất hiện chữ “đấu” này… Chỉ là nó thể hiện mạnh mẽ nhất ở người tuổi tráng niên.

Người ham “đấu” thường khó giữ được tâm thái điềm tĩnh, biểu hiện là tâm hiếu thắng quá mạnh, mong sớm lập công trục lợi, không từ thủ đoạn trong cạnh tranh. Thậm chí có người có thể làm tổn hại đến sinh mệnh kẻ khác. Điều ấy tạo nên thù oán, làm hại nhân đức, dễ chuốc lấy tai vạ.

Người đến tuổi già thì khí huyết yếu nhược, các chức năng trong cơ thể cũng dần thoái hóa, đời người ngày càng gần với chữ “Mất”. Nếu tiếp tục tham cầu công danh lợi lộc, hy vọng thỏa mãn nhu cầu vật chất, thì không chỉ khiến sức khỏe sa sút, mà tinh thần và thể lực cũng kém đi. Vậy nên người già phải đặc biệt kiểm soát chấp niệm và dục vọng trong tâm, tu tâm dưỡng thân.

Có người cho rằng, người già thì tự nhiên sẽ xem nhẹ mọi thứ, hà tất phải giới cấm làm chi? Kỳ thực đạo tu dưỡng có thể ví như bơi ngược dòng, người ta hễ buông lơi thì liệu có thể không bị dòng đời cuốn đi được chăng?

Bản thân người già nếu tự mình không bị lòng tham cám dỗ, thì vẫn có thể bị lòng tham của người khác làm phiền muộn. Nhất là trong xã hội ngày nay, cảnh con cháu tranh đấu nhau để chia tài sản đã trở thành nỗi ám ảnh của tuổi già. Bởi vậy, Lễ Ký viết: “Thất thập viết lão, nhi truyền”, nghĩa là đến tuổi 70 thì cần bắt đầu dặn dò con cháu mọi việc rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: