Cuộc đời Trạng nguyên Lý Đạo Tái là tấm gương vượt khó. Giữa bão táp sóng gió cuộc đời, không có người giúp đỡ, ông vẫn nỗ lực đỗ Trạng ngyên năm 18 tuổi. Sau này ông lại tin vào đạo Phật, trở thành người tu luyện, để lại một tấm gương cho người đời sau tham chiếu và suy ngẫm.

Lý Đạo Tái: Vị Trạng nguyên từ bỏ công danh, chọn con đường tu luyện
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vào những năm đầu thời nhà Trần, ở làng Vạn Tải, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc, có ông Lý Tuệ Tổ từng tham gia đánh dẹp Chiêm Thành có công nhưng lại không chịu ra làm quan. Ông suốt ngày vui thú với ruộng đồng và xem sách Thánh hiền. Bà Lê Thị vợ ông là người hiền lành, lại chịu thương chịu khó.

Bà Lê Thị mãi đến 30 tuổi vẫn chưa có con nên thường hay đến chùa Ngọc Hoàng gần nhà cầu nguyện. Năm 1254, bà thụ thai và sinh được người con trai đặt tên là Lý Đạo Tái.

Bỏ làng tìm học, thi đỗ Trạng nguyên

Theo sách “Tổ gia thực lục”, Lý Đạo Tái thuở nhỏ đã thông minh hơn người, nghe đâu nhớ đấy. Nhưng nhà cậu nghèo quá, nên chỉ có thể đứng ngoài cửa lớp nghe lỏm, nhìn lén, lấy cây làm bút, lấy sân làm bảng.

Thêm nữa, Lý Đạo Tái có dung mạo xấu xí, chẳng ai thích, nhiều người coi thường, bà con chẳng ai muốn giúp. Lý Đạo Tái dù có tư chất thông minh, siêng học, nhưng cuối cùng đành bỏ làng đi học nơi xa.

Trời cao cũng không phụ lòng người, khoa thi năm 1272, Lý Đạo Tái đỗ thi Hương và thi Hội. Vào đến thi Đình, ông đỗ cao nhất tức Trạng Nguyên khi mới 18 tuổi.

Từ chối lấy công chúa

Đang trong cảnh chẳng ai quan tâm giúp đỡ, tân khoa Trạng nguyên bỗng được rất nhiều người đến nhận bà con họ hàng, nhiều người giàu có xin được gả con gái cho. Nhìn ra nhân tình thế thái, Lý Đạo Tái buồn bã làm hai câu thơ:

Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ Trạng trăm nghìn nhân duyên.

Lý Đạo Tái sau đó được cử tiếp Sứ thần phương bắc. Ông giỏi văn thơ, thông tỏ kinh điển Nho gia, khiến Sứ thần khâm phục. Thấy ông có tài, Vua định gả công chúa Liễu Sinh (cháu của An Sinh vương) cho nhưng ông từ chối.

Lý Đạo Tái được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm (Viện Nội hàn). Từ đó trên dưới 30 năm, ông tập trung cho công việc, tìm tòi nghiên cứu sách vở. Ông cũng nhiều lần chịu trách nhiệm tiếp đãi Sứ thần phương bắc.

Chọn con đường tu luyện

Một lần, Lý Đạo Tái cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phượng Nhãn nghe thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Đang nghe bỗng Lý Đạo Tái thốt lên rằng: “…Phú quý vinh hoa thích thú, đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè, sao ta có thể lưu luyến lâu dài được?” Kể từ đó Lý Đạo Tái muốn tìm hiểu đạo Phật. Ông nhiều lần dâng biểu xin từ quan để tu luyện.

Thời nhà Trần, vua Anh Tông cùng các Vua trước đều tín ngưỡng Phật Pháp. Khi Thái tử trưởng thành thì Vua đều nhường ngôi cho, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng, có một đoạn thời gian chuyên tâm tu luyện. Vì thế khi Lý Đạo Tái thỉnh cầu liên tục thì cuối cùng cũng được chấp nhận.

Năm 1301, Lý Đạo Tái chính thức xuất gia, lấy Pháp hiệu là Huyền Quang. Đầu tiên ông đến chùa Vũ Ninh ở Bắc Ninh theo học với thiền sư Bảo Phác, một học trò của thiền sư Pháp Loa.

Năm 1306, Thượng hoàng Trần Nhân Tông trụ trì chùa Siêu Loại lập Pháp Loa làm giảng chủ. Huyền Quang cùng Bảo Phác đến nghe giảng. Sau đó Huyền Quang theo Thượng hoàng khoảng 2 năm để giúp biên soạn kinh sách. Thượng hoàng khen rằng: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa”.

Sau khi vua Nhân Tông mất, Huyền Quang theo làm đồ đệ của thiền sư Pháp Loa. Năm 1309, Huyền Quang được thiền sư Pháp Loa cho làm trụ trì chùa Vân Yên trên đỉnh núi Yên Tử, chính là nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm.

Lúc này tiếng tăm của Huyền Quang đã bay khắp nơi. Năm 1330, Pháp Loa mất, Huyền Quang được cử làm Tổ thứ 3 của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Năm 1334, Huyền Quang mất thọ 80 tuổi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: