Năm 233 TCN, nước Triệu bị mất mùa đói kém khiến suy yếu, lương thực không đủ, cỏ khô cũng không đủ cho ngựa ăn. Lợi dụng tình thế này, năm 232 TCN, quân Tần lại chia làm 2 cánh đánh Triệu, một cánh qua Lang Mạnh, cánh chủ lực tiến vào đất Nghiệp. Dù quân Tần rất mạnh nhưng Triệu U Mục Vương lại lệnh cho danh tướng Lý Mục phải tốc chiến tốc thắng vì cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn thiếu lương thì không thể đánh lâu dài.

Lý Mục lại đánh bại quân Tần

Lý Mục quyết định phải đánh bại đội quân chủ lực của Tần ở Nghiệp thành trước. Ông sai phó tướng Tư Mã Thượng cố thủ ở Kinh thành Hàm Đan, còn bản thân dẫn phần lớn quân nhử quân Tần tiến theo hướng bắc.

Quân Tần tiến đánh cánh quân của Lý Mục, muốn tiêu diệt đa số quân Triệu. Lý Mục vừa đánh vừa lui, cố gắng tiêu hao dần binh lực của Tần mà lại bảo toàn được binh lực của mình.

Phương bắc có thể nói là “đại bản doanh” của Lý Mục. Ông vốn nổi danh từ đây, đánh bại quân Hung Nô cũng là ở đây. Hơn nữa Lý Mục năm xưa luôn yêu thương binh lính và dân chúng, nên bách tính đều nhớ ơn ông mà ủng hộ lương thảo.

Lý Mục càng rút về bắc, quân Triệu lại càng được tiếp tế lương thảo hậu cần đầy đủ hơn. Trong khi đó quân Tần càng tiến sâu đến phương bắc thì càng hao tổn binh lực, tiếp tế lương thảo càng khó khăn, quân đội cũng ngày càng kéo giãn.

Khi quân Tần đuổi theo quân Triệu đến Phiên Ngô ở phướng bắc, nhận thấy mũi tiến quân này của Tần đã dàn trải tách khỏi cánh quân phía nam, Lý Mục cho quân dừng lại đón đánh. Quân Tần dù đông hơn nhưng bị đánh cho tan nát.

Cánh quân còn lại của Tần tiến về phía Kinh đô Hàm Đan, nhưng phó tướng Tư Mã Thượng thủ chắc khiến quân Tần không thắng được. Khi nghe tin cánh quân chủ lực đuổi theo Lý Mục bị tiêu diệt thì quân Tần hốt hoảng cho quân rút về nước.

Tần dùng kế trừ Lý Mục

Tin quân Tần thất trận bay về Kinh thành Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng bàng hoàng không ngờ quân Tần lại bại trận nhanh đến thế.

Không đánh được nước Triệu, năm 230 TCN, Tần Thủy Hoàng cho quân đánh bại được nước Hàn. Cũng năm này nước Triệu có động đất lớn, lại bị mất mùa đói kém, nhân cơ hội này Tần Thủy Hoàng lại quyết định đánh Triệu.

ban do chien quoc
Bản đồ thời chiến quốc năm 260 TCN. (Ảnh: Sholokhov, Benjamin Trovato, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Triệu và Hàn là 2 nước có vị trí quan trọng, vì chiếm được 2 nước này sẽ có chung biên giới với tất cả các nước còn lại. Có thể nói đây là cửa ngõ quan trọng để thu phục thiên hạ. Chiếm được 2 nước này thì tiến có thể công, thoái có thể thủ.

Tần Thủy Hoàng hiểu rằng nếu còn Lý Mục thì không sao thu phục lục quốc được. Ông bàn với các đại thần rằng: “Không trừ được Lý Mục, khó có thể công hạ được Triệu quốc”.

Các đại thần liền hiến kế ly gián, dùng vàng để thuyết phục Thừa tướng Quách Khai ly gián Lý Mục. Vương Ngao được giao vạn cân vàng đến Triệu. Ông ta đưa vàng cho Thừa tướng Quách Khai nhờ liên kết với các quan chủ chốt để sẵn sáng giúp đỡ nước Tần khi cần.

Lý Mục lại chặn đứng quân Tần

Năm 229 TCN, Tần Thủy Hoàng dùng danh tướng Vương Tiễn cùng 10 vạn đại quân chia làm 3 cánh hình thành gọng kìm bắc nam quyết thu phục nước Triệu bằng được.

Một cánh quân Tần do Vương Tiễn thống lĩnh vượt Thái Hành Sơn tiến vào miền trung nước Triệu. Một cánh khác do Dương Đoan Hòa chỉ huy đánh vào phía bắc nước Triệu rồi đến Kinh đô Hàm Đan. Cánh còn lại của Lý Tín tấn công quận Đại ở phía bắc.

Nước Triệu mấy năm liên tiếp thiên tai mất mùa, lại chiến tranh liên miên nên rất yếu. Triệu U Mục Vương dốc hết quân giao cho Lý Mục chống quân Tần.

Lý Mục đóng trại dựa vào núi Hôi Tuyền ngăn cản quân chủ lực của Vương Tiễn, khiến quân Tần không sao tiến được.

Lý Mục cùng Vương Tiễn đều là đại tướng quân của hai nước, đều là những danh tướng bậc nhất thời Chiến quốc. Lý Mục dù quân ít và yếu hơn, nhưng “trúc lũy cố thủ” tránh đánh trực diện, nên cầm chân quân Tần hết lần này đến lần khác, khiến danh tướng Vương Tiễn không sao tiến được.

Triệu trúng kế ly gián

Vương Ngao liền đến Hàm Đan gặp Quách Khai, yêu cầu Quách Khai tung tin cho Triệu U Mục Vương rằng Lý Mục tự ý hòa đàm với Vương Tiễn, đồng ý quy thuận theo Tần, đổi lại Lý Mục có được đất Đại làm nước riêng. Vương Ngao cũng báo Vương Tiễn ngừng chiến giả hòa đàm với Lý Mục để Triệu U Mục Vương tin là thật.

Triệu U Mục Vương quả nhiên trúng kế, quyết định để Triệu Thông và Nhan Tụ thay Lý Mục. Tuy nhiên Lý Mục cho rằng cuộc chiến chống Tần vô cùng quan trọng, không thể giữa chừng bỏ về.

Triệu U Mục Vương liền sai người bắt Lý Mục giết đi. Lý Mục để lại ấn tín trốn đi nhưng bị võ sĩ truy tìm giết được.

ly muc 1
Lý Mục treo tướng ấn rồi một mình trốn chạy. (Tranh: Winnie Wang, Vision Times tiếng Trung)

Quân Triệu vốn cảm phục Lý Mục, nay chủ tướng bị giết thì tâm tình chán nản, lòng quân ly tán. Vương Tiễn nhờ đó dễ dàng đánh bại quân Triệu.

Quân Tần tến đến Hàm Đan, Triệu U Mục Vương đầu hàng. Nước Triệu đến đây bị diệt.

Hậu duệ của Lý Mục

Lý Mục là danh tướng nổi tiếng, trăm trận trăm thắng, dân chúng và binh lính đều hết lòng tôn kính ông. Hậu duệ của ông sau này cũng nhận được sự tôn kính.

Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, lục quốc lại nổi lên khôi phục đất cũ. Cháu nội của Lý Mục là Lý Tả Xa trở thành mưu sĩ được trọng dụng ở nước Triệu, được phong làm Quảng Vũ Quân.

Năm 204 TCN, Hàn Tín thống lĩnh quân Hán vượt Thái Hành Sơn tiến đánh nước Triệu. Triệu Vương Yết cùng đại tướng Trần Dư và mưu sĩ Lý Tả Xa đưa quân chống lại.

Lý Tả Xa lên kế sách đánh bại quân Hán, tuy nhiên Triệu Vương Yết lại nghe theo kế sách của Trần Dư. Kết quả quân Triệu dù đông hơn nhưng bị Hàn Tín bày trận Bối Thủy đánh cho thảm bại. Đại tướng Trần Dư bị diệt, Triệu Vương Yết bị bắt. Đây là trận đánh nổi tiếng lịch sử, đề cao tài dùng binh của Hàn Tín.

Chiến thắng xong, Hàn Tín trao thưởng ngàn lượng vàng cho ai bắt được Lý Tả Xa. Sau khi bắt được Lý Tả Xa, biết ông là cháu nội danh tướng Lý Mục, Hàn Tín cho cởi trói, tôn kính đối đãi ông như thầy.

Hàn Tín hỏi Lý Tả Xa sách lược đánh Yên, Tề. Lý Tả Xa nói rằng: “Quân Hán mỏi mệt, gặp phải quân Yên – Tề kiên cường chống trả, thắng bại khó đoán. Không bằng xếp giáp dừng binh, vỗ về dân Triệu, phái người dùng binh uy khuyên hàng, Yên – Tề có thể bình định.” (Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên).

Hàn Tín nghe theo kế ấy, quả nhiên không cần dùng binh mà thu phục được nước Yên.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: