Lý Thời Trân (1518-1593) tự Đông Bích, sinh ở Kỳ Châu, là học giả y dược trác tuyệt thời nhà Minh. Ông để lại nhiều trước tác y dược nổi tiếng, trong đó “Bản thảo cương mục” là nổi tiếng nhất, ghi chép hàng chục nghìn bài thuốc, hàng nghìn loài động thực vật. Ngoài ra, hai bộ sách về kỳ kinh bát mạch của Lý Thời Trân cũng là những tài liệu hiếm có trong y học cổ đại ghi chép về khoa học nhân thể người.

Lý Thời Trân và trước tác y dược nổi tiếng "Bản thảo cương mục"
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Lý Thời Trân sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y. Cha của ông là Lý Cát Văn, một thầy thuốc có kiến thức y học sâu rộng và đã hành nghề trong nhiều năm. Dựa vào kinh nghiệm Lý Cát Văn đã biên soạn ra một số cuốn sách về y học như: “Tứ sa phát minh”, “Y học bát mạch pháp”“Đậu chẩn chứng trì”.

Chịu sự ảnh hưởng của cha, ngay từ nhỏ Lý Thời Trân đã vô cùng thích y học. Nhưng cha ông lại không muốn ông làm nghề y. Bởi vì trong hơn nửa cuộc đời làm nghề y, Lý Cát Văn dẫu cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi chữa trị khỏi bệnh cho nhiều người dân nghèo nhưng cũng rất buồn khi bị nhiều người quyền quý coi thường. Vì thế, Lý Cát Văn yêu cầu con trai học Kinh thư, Bát cổ… với mong muốn con sẽ ra làm quan.

Ban đầu, Lý Thời Trân quả thực đã không phụ lòng mong mỏi của cha. Vào năm Gia Tĩnh thứ 10, Lý Thời Trân thi đỗ tú tài. Nhưng dần dần, Lý Thời Trân càng ngày càng yêu thích nghề y hơn, còn việc học dẫu bị cha nhiều lần đốc thúc, ông vẫn không muốn theo đuổi. Bởi vậy, từ năm 16 tuổi đến năm 22 tuổi, dù liên tục tham gia 3 kỳ thi Hương, Lý Thời Trân đều không thi đỗ. Cuối cùng Lý Thời Trân hạ quyết tâm cả đời sẽ theo nghề y.

Năm 1542 ở tuổi 24, Lý Thời Trân bắt đầu chính thức theo nghề y. Ban đầu, ông phụ giúp cha khi cha khám chữa bệnh. Nhưng về sau, mỗi lần cha bận, ông lại thay cha khám bệnh cho dân chúng. Mỗi khi có thời gian rảnh, ông liền lấy sách y ra học tập nghiên cứu.

Lý Thời Trân đọc đủ các loại sách về y học cổ điển như “Hoàng đế nội kinh”, “Nan kinh”, “Thương hàn luận”, “Kim nhượng yếu lược”, “Mạch kinh”, “Giáp ất kinh”… Ngoài ra, ông còn rất thích nghiên cứu cách về các loại dược vật của các thời đại. Cuốn sách “Chứng loại bản thảo” – cuốn sách tổng kết toàn diện những thành tựu về dược vật học từ đời Bắc Tống trở về trước của tác giả Đường Thận Vi – là cuốn mà Lý Thời Trân thích đọc nhất.

Bởi vì Lý Thời Trân đặt tâm vào việc nghiên cứu y học của bậc tiền nhân, đồng thời lại chú ý đến những kiến thức trong điều trị bệnh thực tế, cho nên y thuật của ông được nâng cao rất nhanh chóng.

Vào năm 1545, địa phương ông ở xảy ra nạn lụt lớn. Sau khi lũ lụt qua đi, dịch bệnh bùng phát. Rất nhiều người dân nghèo khổ bị bệnh tìm đến gia đình Lý Thời Trân để xin được chữa trị. Lý Thời Trân ân cần tiếp đón họ, bất luận là người bệnh có tiền chữa bệnh hay không, ông đều tiếp đãi và chữa trị hết sức mình. Đối với những người bệnh nghèo khổ, ông và cha còn chữa bệnh miễn phí cho họ.

Trong quá trình chữa bệnh, Lý Thời Trân vận dụng phương pháp “Tứ chẩn”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có vọng (nhìn), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (sờ). Đồng thời, ông kết hợp với 8 loại triệu chứng gọi là “Nhân cương” gồm âm, dương, trong, ngoài, hàn, nhiệt, hư, thực để chẩn đoán bệnh.

Lý Thời Trân cũng thích tìm tòi và sử dụng các phương thuốc dân gian để trị bệnh. Bởi vì, cách chữa trị ấy nếu thật sự có tác dụng thì vừa khiến người bệnh tiêu phí ít tiền mà hiệu quả lại rất cao. Dân chúng bởi vậy rất kính trọng ông, đặc biệt là những người dân nghèo khổ.

Thông qua quá trình chữa bệnh thực tế, Lý Thời Trân cảm nhận một cách sâu sắc rằng đối với một thầy thuốc thì việc phân biệt vị thuốc, dùng thuốc như thế nào là một vấn đề vô cùng quan trọng. Ông bắt đầu quá trình tìm tòi thực tế về các vị thuốc.

Sau khi trải qua vô vàn khó khăn, Lý Thời Trân đã từng bước biên soạn ra bản thảo của cuốn “Bản thảo cương mục” vào năm 1578. Tính đến thời điểm này, Lý Thời Trân đã phải bỏ ra 27 năm. Nhưng ông cũng chưa dừng lại ở đây. Ông tiếp tục chỉnh sửa bộ sách trong hơn 10 năm, chỉnh sửa đến lần thứ 3 mới hoàn thiện bộ sách về dược vật có quy mô lớn chưa từng có này.

“Bản thảo cương mục” có tổng cộng 52 quyển, tập hợp 1892 chủng loại động vật, thực vật và nguyên liệu dùng để làm thuốc khác nhau trong đó có 374 loại do đích thân Lý Thời Trân tìm ra. Bộ sách liệt kê 11.096 đơn thuốc, trong đó có 8.000 do Lý Thời Trân sưu tập mới hoặc tự sáng chế. Ước tính toàn bộ sách có tới 190 vạn chữ được chia thành 16 bộ, 60 loại, từng chủng loại vị thuốc đều được chú rõ tên, tập tính, lịch sử khai thác, phương pháp chế biến, đặc tính, công dụng.

Bộ sách là tác phẩm có tầm quan trọng bậc nhất trong việc phân loại thuốc Đông y, góp phần hệ thống hóa cách sử dụng và tên gọi các loại nguyên liệu thuốc cũng như điều chỉnh các đơn thuốc để tránh những nhầm lẫn xảy ra trong quá trình điều trị.

Ngoài “Bản thảo cương mục”, trong cả đời, Lý Thời Trân còn viết rất nhiều sách y học khác như: “Chiết hồ mạch học”, “Kỳ kinh bát mạch khảo”, “Tần hồ y án”, “Tập giản phương”, “Ngũ tạng luận đồ”… Nhưng phần lớn những bộ sách này đều đã bị thất lạc. Chỉ còn hai bộ sách được truyền lưu đến ngày nay là: “Chiết hồ mạch học”, “Kỳ kinh bát mạch khảo”. Hai bộ sách này là sách mà những người học tập bắt mạch đều đọc.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: