Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Khiêm vương Mạc Kính Điển là trụ cột chèo chống cho nhà Mạc, giúp nhà Mạc nhiều lần biến nguy thành an. Sau khi ông mất, hậu duệ của ông lại giúp nhà Mạc duy trì ở Cao Bằng thêm hơn nửa thế kỷ nữa.

Mạc Kính Điển: Cây cổ thụ chèo chống nhà Mạc (P1)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Phụ chính phò tá cho Vua nhỏ

Năm 1525, con trai của Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Doanh sinh được người con trai ở Nam Sách, Hải Dương, đặt tên là Mạc Kính Điển. Từ lúc mới sinh Mạc Kính Điển đã không khỏe, dù thay đổi vú nuôi nhiều lần nhưng vẫn rất hay ốm. Lúc này vợ của Phạm Quỳnh cũng mới sinh con nên được gửi đến làm nhũ mẫu cho Kính Điển, từ đó mà Kính Điển khỏe mạnh hơn.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua, lập ra nhà Mạc. Ông ở ngôi 3 năm, đến năm 1530 thì nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, hiệu là Mạc Thái Tông. Đại Việt bước vào giai đoạn thịnh trị 10 năm. (Xem bài: Mạc Thái Tông: Một vị minh quân và 10 năm thịnh trị)

Đến năm 1340 thì Mạc Thái Tông mất, con trưởng là Mạc Phúc Hải tức anh của Mạc Kính Điển lên ngôi Vua. Hay tin Thái Tông mất, Thái Tổ Mạc Đăng Dung đau buồn, đến năm sau cũng qua đời.

Mạc Phúc Hải ở ngôi được 5 năm thì mất, trước khi mất thì nhường ngôi cho con còn nhỏ là Mạc Phúc Nguyên. Các trụ cột nhà Mạc đều qua đời khiến Triều đình lục đục, Mạc Phúc Hải trước khi mất đã nhờ em mình là Khiêm vương Mạc Kính Điển làm Phụ chính phò tá cho Vua còn nhỏ.

Đánh bại thế lực muốn giành ngôi Vua

Triều đình theo di chiếu để Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, hiệu là Mạc Tuyên Tông. Tuy nhiên theo gia phả họ Mạc thì Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi giữ chức Thái úy trong triều, nắm giữ quân đội lại phản đối việc lập Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, mà nên lập em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung. Ông nói:

“Hiện nay trong nước đang lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi. Hoằng vương Chính Trung đã nhiều phen cầm quân và thường thắng trận, vậy xin dựng lên ngôi”.

Tuy nhiên Mạc Kính Điển không đồng ý, ông theo lời căn dặn của Vua quyết đưa Mạc Phúc Nguyên lên ngôi. Phạm Tử Nghi liền cùng Chính Trung khởi binh chống lại.

Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi đưa quân tấn công vào Kinh thành. Mạc Kinh Điển yếu thế phải cử người đưa Vua mới đi lánh nạn, còn bản thân ông bày quân chống giữ Kinh đô. Sau ông phải mời tướng quân Lê Bá Ly giúp đỡ mới chống giữ được quân của Phạm Tử Nghi.

Phạm Tử Nghi tấn công nhiều lần, dù hao binh tổn tướng nhưng không sao chiếm được Kinh thành, phải rút quân chiếm giữ vùng Quảng Ninh và Hải Dương.

Năm 1547, Mạc Kính Điển, đại tướng Lê Bá Ly cùng Tây quận công Nguyễn Kính tập hợp lực lượng thủy bộ đánh bại được Phạm Tử Nghi. Thua trận, Mạc Chính Trung phải chạy sang Khâm châu và Quảng Đông của nhà Minh, còn Phạm Tử Nghi thì đến Vân Đồn.

Chính Trung muốn nương nhờ nhà Minh, tuy nhiên Phạm Tử Nghi lại không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn. Tử Nghi đưa quân đánh phá Quảng Tây và Quảng Đông của nhà Minh nhằm đòi lại Chính Trung, rồi sau đó đưa quân đánh phá Khâm châu và Liêm châu. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Tử Nghi trốn vào đất Minh, thả quân đi bắt người cướp của ở Quảng Đông, Quảng Tây, người Minh không thể kìm chế được”.

Nhà Minh lúng túng đối phó rồi trách cứ nhà Mạc. Mạc Kính Điển cho quân sang Trung Quốc tiến đánh, Phạm Tử Nghi phải cho quân về nước đóng ở Yên Quảng. Năm 1551, Mạc Kính Điển đưa quân đến bắt Được Phạm Tử Nghi.

Chính Trung bỏ chạy sang nương nhờ Trung Quốc nhưng không được nhà Minh ủng hộ làm Vua, bị giết ở đất khách. Mạc Kính Điển dẹp yên nội chiến cướp ngôi, giúp nhà Mạc ổn định.

Nội bộ mâu thuẫn, nhà Mạc lâm nguy

Năm 1550, vào thời điểm chưa dẹp xong nạn Mạc Chính Trung thì trong Triều xảy ra chuyện lớn. Thái tể Lê Bá Ly lập công lớn cùng Kính Điển đánh tan quân của Phạm Tử Nghi nên được tin dùng. Gia đình Phạm Quỳnh có công với Phụ chính Mạc Kính Điển và nhà Mạc cũng được tin dùng.

Phạm Quỳnh thấy Lê Bá Ly quyền lực lớn hơn mình thì ghen ghét buông lời gièm pha Lê Bá Lý cùng con trai trưởng là Lê Khắc Thận. Tuy nhiên Mạc Kính Điển không nghe.

Khi Mạc Kính Điển đang ở Dương Kinh lo đối phó quân của Tử Nghi, ở trong cung vua Mạc Tuyên Tông mới chỉ 16 tuổi còn trẻ nên nghe lời của Phạm Quỳnh. Theo “Đại Việt thông sử”, nửa đêm ngày 12/2/1551, cha con họ Phạm bất ngờ đưa quân bản bộ đến trại Hồng Mai vây bắt Lê Bá Ly, đồng thời đến nhà bắt Nguyễn Thiến. Nhưng lúc đó Lê Bá Ly ở trong trại quân chứ không ở Hồng Mai, Nguyễn Thiến ở trong cung chưa về.

Biết tin cha con họ Phạm định bắt mình, Lê Bá Ly tập hợp quân rồi tiến đánh. Hai bên giao chiến ác liệt, cuối cùng quân cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao thua phải bỏ chạy.

Lê Bá Ly cùng các thủ hạ đuổi theo, đến cửa Chu Tước của Kinh thành. Mạc Tuyên Tông phải chạy sang sông đến Bồ Đề rồi cho người mang chỉ dụ đến yêu cầu Lê Bá Ly bãi binh. Nhưng Lê Bá Ly yêu cầu phải giải cha con họ Phạm đến mới chịu bãi binh.

Mạc Tuyên Tông bèn triệu các tướng đến đánh, Lê Bá Ly chia quân cố thủ rồi viết thư nhờ người đến giúp. Quân của Lê Bá Ly đánh bại quân của Vua khiến quân của Mạc Tuyên Tông phải rút lui. Lê Bá Ly lại yêu cầu giao lại cha con họ Phạm nhưng Mạc Tuyên Tông không nghe.

Lê Bá Ly liền cho người đưa thư đến Thanh Hóa gặp vua Lê Trung Tông xin hàng. Tháng 3 năm 1551, Lê Bá Ly cùng thông gia Nguyễn Thiến, các con trai Lê Khắc Thận, Lê Khắc Đôn, các con rể Nguyễn Quyện và Bùi Bỉnh Uyên (cháu Bùi Trụ) cùng 14.000 quân vào Thanh Hóa đi theo vua Lê.

Nhà Mạc bị tổn thất nghiêm trọng, mất nhều tướng giỏi sau sự kiện này. Rất nhiều tướng sĩ dao động, Đặng Huấn, Nguyễn Khải Khang và cháu là Nguyễn Hữu Liêu cũng vì dao động mà bỏ Mạc vào nam theo nhà Lê.

Vua Lê vui mừng phong cho Lê Bá Ly làm Phụng Quốc Công. Trịnh Kiểm chớp cơ hội đưa quân tiến đánh nhà Mạc.

Ngay trong tháng 3/1551, Trịnh Kiểm cử Lê Bá Ly, Nguyễn Quyện, Lê Khắc Thận làm tiên phong cầm quân tấn công nhà Mạc, phối hợp cùng quân của chúa Bầu Vũ Văn Mật ở Tuyên Quang, hình thành hai đầu tấn công nhà Mạc.

Tướng sĩ nhà Mạc rối bời, tình thế lâm nguy, Kinh thành Thăng Long bị uy hiếp, chỉ còn trông cậy vào Mạc Kính Điển.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: