Hồi nhỏ, nhà mình có cây mãng cầu dai, miền Bắc còn gọi là cây na, be bé cao ngang đầu mình, chưa ra trái lần nào. Ba giao cho mình nhiệm vụ chăm sóc nó ngoài những công việc quét nhà, quét sân, rửa chén hằng ngày. Ba nói đó là cái cây của mình. Của riêng mình, nên mình phải có trách nhiệm với nó.

Ba lấy tôn lạnh gò cho mình cái thùng con con để xuống cầu bắc ra sông xách nước tưới. Cái thùng có cái vòi nhỏ, trên đầu vòi có gắn đầu hoa sen (miền Bắc và miền Trung gọi là cái ô doa), khi đổ nước qua vòi thì nước phun ra những dòng nhỏ li ti. Mình phải tưới cho cây mãng cầu mỗi ngày hai lượt sáng chiều.

Ba dạy mình xin mẹ những đầu cá ruột cá, dùng cái xẻng nhỏ đào một cái hố cạnh gốc cây, cho cái hũ đất xuống, cho đầu cá ruột cá vô, đậy nắp lại và lấp đất lên. Mỗi khi có thêm đầu cá ruột cá, mình chỉ việc bới lớp đất trên mặt, giở nắp ra cho vào hũ và lại đậy nắp lấp đất lại. Mùi thúi kinh khủng và mình hay nhăn mặt kêu la mỗi khi phải làm cái việc cho thêm đầu cá vào hũ.

Ba nói, nếu con muốn cái cây của con tốt, lớn nhanh và có trái ngọt ngon thì con phải chấp nhận mùi hôi thúi và vất vả của việc chăm sóc nó. Mình siêng và yêu nó thì nó mới cho mình nhiều trái ngọt. Sự phân huỷ của cá làm nó có mùi hôi thúi, nhưng chính sự hôi thúi đó lại cung cấp chất đạm cho cây qua sự thẩm thấu vào lòng đất cho rễ cây hút lên. Nếu con chôn trực tiếp đầu cá vào gốc cây, nhiều đạm quá nó cũng sẽ chết. Chăm sóc, yêu thương cũng phải biết cách cho dù đó là cái cây, nếu không nó sẽ không thể phát triển. Hồi đó, mình không biết vì mình hiểu lời ba hay vì không muốn nghe ba nói nhiều nên mình im lặng và không kêu ca nữa.

Mãi rồi cái cây của mình cũng cao lớn lên, vượt quá đầu mình. Ba lại chỉ cho mình cách cắt cành để nó đâm tán. Một hôm, ra tưới cây như thường lệ, thấy ở nách lá đâm ra cái nụ bé xíu xiu. Mình hét toáng mừng rỡ chạy vô khoe và lại chạy ra kiếm đếm xem nó được bao cái nụ. Cái đầu bé xíu tưởng tượng ra trái mãng cầu thơm ngon mà ứa nước miếng ròng ròng.

Ba nói, cây có kiến vàng thì trái sẽ ngọt hơn. Mình ra cây tìm mãi mà chẳng thấy con kiến nào. Thất vọng vô cùng. Ba lại xoa đầu mình bảo mình có thể dụ kiến vàng về cây của mình. Ba bảo mình đi tìm cây có kiến. Cái này khỏi tìm, mình biết chắc gốc mận trước nhà, dưới mé sông, có đầy kiến. Mình vẫn bị tụi nó đốt rất đau khi trèo hái mận. Ba bảo mình leo lên bắt chục con kiến đem về thả vô cây mãng cầu. Mình đòi bẻ luôn cái cành có cái tổ kiến bằng lá mận cuốn vào lủng lẳng để đem cả tổ qua cây mãng cầu của mình nhưng ba lắc đầu, bảo chỉ cần bắt chục con vì nếu lấy cả tổ kia thì cây mận sẽ ra sao khi không còn tổ kiến? Ba muốn mình phải tự gầy tổ kiến riêng cho cây mãng cầu của mình.

Mình đem chục con kiến vàng thả lên cây mãng cầu. Tụi kiến vàng bị bắt khỏi nơi sinh sống quen thuộc thả vào một nơi lạ lẫm. Tụi nó đang quen với cái mùi lá thanh thanh chua chua của mận bị làm cho hoảng loạn bởi mùi thơm nồng ngai ngái của lá mãng cầu. Tụi kiến chạy tán loạn, rối rít, khua khoắng cặp râu loạn xạ, chạm vào cặp râu của con kiến khác khi hai đứa gặp nhau chẳng biết để đánh mùi hay để truyền đi cái tin mình bị bắt cóc hay là vì mừng rỡ khi gặp bạn ở nơi xa lạ. Mình tự dưng lo lắng cho chục con kiến của mình dễ sợ dù trước đó mỗi khi leo cây mận mình thường túm đầu bóp nó chết tươi vì cái tội dám bám vào người mình cắn mình đau điếng.

Mình sợ tụi kiến bỏ đi nên cứ chốc chốc lại chạy ra cây kiếm, quan sát, đếm xem còn bao nhiêu con. Ba lại bảo mình xin mẹ khúc ruột cá nho nhỏ đem treo lên cành cây mãng cầu để làm thức ăn cho lũ kiến. Hôm sau, sáng thức dậy mình đã chạy ra cây ngó nghiêng kiếm coi tụi nó có còn ở đó. Mình thấy có một con bị gẫy cổ, đang được hai con khác tha lôi trên cành. Mình nghĩ chắc hẳn là nó bị thương khi mình bắt nó hôm qua và nó đã chết, nó đang được bạn nó kéo về để ăn thịt. Mình muốn đi bắt thêm một con đem về để thay thế nó cho đủ mười con nhưng ba lắc đầu, bảo hãy đợi ít bữa xem bọn kiến có rủ nhau về cây này và làm tổ mới không. Hãy quan sát, đừng làm gì cả.

Giờ mỗi ngày sau khi tưới cho cây xong, mình có thêm cái việc quan sát, đếm kiến. Mình còn đặt tên cho tụi kiến dù đứa nào cũng giống đứa nào. Mình thích thú cái cách chúng chạm hai cái râu bé xíu như hai cọng lông tơ trên đầu vào nhau khi chúng nói chuyện. Và mình thường không thể đếm đủ mười con vì chúng ẩn nấp khá giỏi. Nhưng ba nói sau hai ba hôm mà nó chưa bỏ đi thì có thể tụi nó sẽ làm một cái tổ mới ở cây của mình.

Sau vài hôm, mình bỗng bắt gặp một con kiến trên cành có cái đầu ngồ ngộ. Chăm chú nhìn kỹ, hoá ra đó là con kiến bị gãy cổ hôm trước. Chỗ đó đã liền lại và hơi u lên một chút, cái tật đó làm nó kỳ lạ hơn mấy con kiến khác. Mình không thể hiểu nổi sao nó có thể lành lại được khi mình tưởng nó đã chết và bị đồng loại ăn thịt rồi. Mình nhảy lưng tưng mừng rỡ, lại chạy vô nhà khoe líu lo.

Rồi những cái nụ bé tí cũng lớn dần và bung cánh dầy dặn, thơm ngái. Mình thường dí mũi vô hít hà khoái trá. Bầy kiến kéo về đông thêm và cuốn mấy cái lá lại thành cái tổ nhỏ xíu lủng lẳng trên cành. Thời gian trôi, những quả mãng cầu bé xíu xiu cũng đã xuất hiện. Mình quan sát chúng lớn dần làm lộ ra những mắt đều đặn. Ba nói mình đừng chạm vào chúng nhưng mình luôn không cưỡng lại được, hôm nào tưới nước xong mình cũng vuốt ve chúng, những trái mãng cầu xanh rì lớn nhanh như thổi của mình, một cách thích thú.

Rồi đến lúc nó không to thêm được nữa, chúng nhạt dần màu xanh. Lũ kiến vẫn cần mẫn tha mồi và cái tổ mỗi ngày mỗi to hơn. Giờ thì mình không còn phải treo ruột cá trên cây cho chúng nữa. Ba nói trái chuyển màu là đã già và sắp chín tới nơi rồi. Nỗi mong ước được hái trái chín và được cắn ngập răng vào cái trái ngọt lịm kia làm mình ngóng thời gian qua nhanh nhanh.

Năm đó, mình được trường cho đi tham quan Vũng Tàu hai ngày vì học giỏi. Ngày về nhà, mình chạy ù ra cây, chẳng thấy trái mãng cầu sắp chín của mình đâu cả. Ai hái mất của mình rồi. Mình chạy vào nhà hỏi tìm, anh Tư nói, “Thằng Năm nó ăn trái mãng cầu của Út rồi”. Mình tức tưởi không nói được câu gì, chạy ra ôm cột nhà úp mặt vô đó, lại càng tức hơn khi nghe anh Tư anh Năm cười khúc khích. Mình hờn giận vừa quẹt nước mắt vừa liếc vừa hỏi, “Anh Năm ăn nó có ngonnnn hônggggg?!”

Không nín được cười, ba chỉ tay lên bàn thờ ông nội, “Anh Năm hái vô sáng nay để trên kia cúng ông bà nội kìa. Anh Năm giúp con đem trái đầu mùa cúng ông bà đó!” Nhìn lên ban thờ, mình thấy trái mãng cầu của mình có cuống lá xinh xắn, nằm trên cái dĩa nhỏ xíu đặt cạnh lư hương. Vừa mừng vừa xấu hổ vì bị các anh trêu chọc vừa hối hận vì nghĩ oan cho anh, mình lúng búng xin lỗi, phụng phịu dụi mặt vào lưng anh quẹt nước mắt.

Trái mãng cầu của riêng mình, trái đầu tiên, mình bẻ đôi rồi bẻ tư rồi muốn bẻ nữa để chia hết cho mọi người trong nhà mà không đủ…

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm: Học cách yêu thương

Mời xem video: