Câu chuyện nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành thường được cho là xuất hiện vào thời Tần Thủy Hoàng Đế cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên lật lại các tư liệu lịch sử về sự kiện này cho chúng ta thấy những chi tiết khá thú vị.

Vài tư liệu lịch sử về thuyết nàng Mạnh Khương khóc sụp trường thành
(Ảnh: Hao Wei, Bernard Goldbach Flickr, Wikipedia, CC BY 2.0)

“Nàng Mạnh Khương khóc sụp Trường Thành” là câu chuyện dân gian được lưu truyền qua hàng ngàn năm trong dân gian. Chuyện kể rằng vào thời kỳ Tần Thủy Hoàng, có một người tên là Phạm Kỷ Lương vừa mới kết hôn được ba ngày thì bị điều động đến phương Bắc xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Sau khi Phạm Kỷ Lương lên đường, vợ của anh ta ngày đêm nhớ nhung không dứt, liền trèo non lội suối đi đến nơi xây dựng để tìm chồng.

Trải qua gian khổ, cuối cùng vợ của Phạm Kỷ Lương cũng đến được Trường Thành, nhưng lại nhận được tin chồng mình đã sớm qua đời. Quá bi thương đau buồn, nàng Mạnh Khương đã khóc liên tục ba ngày ba đêm khiến cho trời đất cảm động, làm cho một đoạn Trường Thành bị sụp đổ.

Sơn Hải quan được người đời sau cho là nơi nàng Mạnh Khương khóc Trường Thành, để kỷ niệm việc nàng Mạnh Khương trải qua nghìn dặm tìm chồng, người ta lập nên một ngôi miếu tại đây. Nhưng thực tế, Trường Thành ở Sơn Hải quan là Trường Thành được xây dựng sau triều đại nhà Tần, còn Trường Thành do Tần Thuỷ Hoàng xây thì cách Sơn Hải quan đến mấy trăm dặm.

Trong lịch sử có những ghi chép về chuyện nàng Mạnh Khương, nhưng thời gian câu chuyện phát sinh sớm hơn nhiều so với thời điểm nhà Tần thống nhất lục quốc.

Chuyện nàng Mạnh Khương có thể truy ngược đến sớm nhất là điển cố được ghi chép trong “Tả Truyện”, nói về “Kỷ Lương thê”, tức là vợ võ tướng Kỷ Lương của nước Tề. Về tên nhân vật Kỷ Lương thì trùng khớp với nhau. Trong một bài từ đã ghi chép rằng khi Kỷ Lương mất vì chiến tranh, vợ của ông ở tôn thất chịu tang chồng. Nhưng trong đó không viết là bà đã khóc, cũng không có Trường Thành hay tường thành bị sập, càng không có chuyện khóc đổ thành…

Trong cuốn “Liệt nữ truyện”, tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán viết về vị hiền thê của tướng Kỷ Lương nước Tề. Theo đó, Tề Trang Công đánh lén nước Cử, tướng Kỷ Lương vì đánh trận mà chết. Khi Tề Trang Công quay về, vì lời của vợ Kỷ Lương mà đích thân tới phúng điếu. Sau khi Tề Trang Công rời đi, vợ của Kỷ Lương không có con cái, trong ngoài không có họ hàng thân thích. Bà đã không còn nhà để về. Sau khi nhận thi thể của chồng xong, bà bèn khóc lớn dưới chân thành. Tiếng khóc phát ra từ sự chân thành làm cảm động lòng người. Người qua đường không ai là không vì tiếng khóc của bà mà nhỏ lệ. Sau khi bà khóc mười ngày thì tường thành vì đó mà đổ sụp.

Như vậy trong thời nhà Hán, câu chuyện về vợ Kỷ Lương đã bị cải biến đưa thêm việc khóc đổ tường thành.

Đến thời nhà Đường, câu chuyện này bị sửa đổi nhiều hơn nữa. Cuối đời nhà Đường, tác giả bài thơ “Kỷ Lương thê”, Quán Hưu viết rằng người vợ của Kỷ Lương là người nước Tần, cũng đem từ “khóc đổ thành” biến thành “khóc đổ Trường Thành”. Quán Hưu đã viết: “Khóc lên một tiếng, nơi biên tái mịt mờ sắc khổ, khóc lên lần nữa, hài cốt của Kỷ Lương lộ ra.” Câu chuyện lúc này đã có nội dung giống với câu chuyện lưu truyền ở các đời sau.

Đến đời nhà Tống, Kỷ Lương bắt đầu có họ, nhưng có các thuyết khác nhau. Có thuyết cho là Kỷ Lương họ Phạm, có thuyết cho là ông họ Vạn, còn có thuyết gọi là Kỷ Lang hoặc Hỷ Lương. Trịnh Tiều thời Nam Tống nói rằng: “Vợ của Kỷ Lương, trong kinh truyện nói đến chỉ có mấy chục lời, rồi thì diễn thành ngàn vạn lời.”

Đến triều nhà Minh, vì để phòng ngừa bộ tộc Ngõa Lạt xâm lược, triều đình đã cho tu sửa Trường Thành. Điều này dẫn đến việc nhọc sức dân. Cũng vì vậy, dân gian sửa vợ của Kỷ Lương thành nàng Mạnh Khương, sửa Kỷ Lương thành “Vạn Hỷ Lương” hoặc “Phạm Hỷ Lương”, đồng thời gia tăng thêm các tình tiết như kén rể, ân nghĩa vợ chồng, ngàn dặm tặng áo rét… Có thể nói, đến thời này, dân chúng đã sáng tạo ra một truyền thuyết hoàn toàn mới.

Cũng có quan điểm cho rằng, căn cứ vào sự biến đổi không ngừng của thời thế và phong tục, chuyện nàng Mạnh Khương cũng không ngừng biến đổi. Thời Chiến quốc, ở đô thành nước Tề thịnh hành việc khóc điếu, Kỷ Lương chết vì chiến tranh còn người vợ khóc điếu là tài liệu cho bi kịch. Đến thời Lục triều, Tuỳ Đường, trong nhạc phủ xuất hiện khúc “tống y”, vì thế lại tăng thêm nội dung tặng chồng áo lạnh. Có thể thấy, chuyện nàng Mạnh Khương là thuận ứng với trào lưu của diễn biến văn học, đồng thời phát triển trên cơ sở tình cảm và sự tưởng tượng của dân gian.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: