Thương Trụ Vương, tên thật là Tử Thụ, còn được gọi là Tử Tân, là vị Vua cuối cùng đời nhà Thương – triều đại thứ hai trong lịch sử Trung Hoa. Ông tại vị từ năm 1154 TCN đến 1122 TCN và là vị Vua khiến triều đại nhà Thương diệt vong.

trụ vương
(Hình minh họa: Qua China-cart.com)

Thương Trụ Vương là con trai của Thương Vương Đế Ất. Thời điểm ông ra đời chính là thời điểm cha của ông vừa kế thừa Vương vị và mẫu thân được lập làm Vương hậu. Theo pháp tắc, Thương Trụ Vương đương nhiên trở thành người thừa kế.

Ngay từ nhỏ, Trụ Vương đã thông minh, có tài ăn nói, hành động nhanh nhẹn dứt khoát và có sức khỏe hơn người. Theo sử sách ghi chép, Trụ Vương có thể tay không vật lộn với mãnh thú. Nhưng ông lại vô cùng bảo thủ, không nghe lời khuyên can từ người khác, cho rằng người trong thiên hạ không ai có tài bằng mình.

Trụ Vương hoang dâm, tàn bạo

Sau khi kế vị, Trụ Vương tăng thuế cao đối với dân chúng, sưu tập rất nhiều ngựa và đồ vật mới lạ quý báu. Đồng thời, ông ta tiến hành xây dựng thêm nhiều cung thất, lầu gác, lâm viên để vui chơi ngắm cảnh cùng Đát Kỷ. Trụ Vương cho bắt rất nhiều dã thú và chim muông để nuôi thả trong lâm viên của mình.

Để Đát Kỷ được vui, Trụ Vương làm “Rượu trì nhục lâm”, tức là dùng rượu làm ao, treo thịt thành rừng, đây là nơi để nam nữ trần truồng đùa giỡn đuổi nhau, uống rượu hoan lạc suốt ngày đêm.

Thương Trụ Vương hoang dâm vô độ khiến dân chúng phi thường oán hận, rất nhiều nước chư hầu cũng phản đối quyết liệt. Vì thế ông ta liền tăng thêm hình phạt, thiết lập cực hình “bào lạc”. Ông ta cho thoa dầu lên trụ đồng, đặt trên lò lửa và bắt những người không thuận theo mình đi ở bên trên. Những người đi trên đó không chịu được bị rơi xuống lò lửa và chết cháy.

Giết hại bề tôi trung thành, lương thiện

trụ vương
(Hình minh họa: Qua read01)

Trong các thần tử của Trụ Vương có Tam Công là Tây bá hầu Cơ Xương, Cửu Hầu (Đông bá hầu) và Ngạc Hầu (Nam bá hầu). Trong đó, Cửu Hầu đã phải dâng hiếu cho Trụ Vương cô con gái xinh đẹp. Cô gái này không thích tham gia các trò vui thú dâm loạn của Trụ Vương. Trụ Vương giận dữ, giết chết cô, đồng thời bắt Cửu Hầu phải chịu hải hình (Hình phạt băm vằm nhỏ thây xác nấu canh). Ngạc Hầu vì cố gắng khuyên can Trụ Vương mà bị bô hình (bị giết chết và phơi thành thịt khô).

Tây bá hầu Cơ Xương (Chu Văn Vương) nghe thấy việc này đã thở dài trong lòng. Gian thần Sùng Hầu Hổ biết được đã đi tố giác với Trụ Vương, đồng thời “thêm mắm thêm muối” để nhân cơ hội hãm hại Cơ Xương. Vì thế mà Cơ Xương bị giam cầm trong ngục Dữu Lý. Bảy năm sau, Cơ Xương được thả nhờ đám bề tôi là Hoành Yểu dâng tặng mỹ nữ, kỳ vật và ngựa tốt cho Trụ Vương.

Cơ Xương sau khi ra khỏi ngục đã yêu cầu Trụ Vương hủy bỏ hình phạt “bào lạc”, đồng thời ông được đi chinh phạt các nước chư hầu khác. Trụ Vương dùng gian thần Phí Trọng quản lý việc chính sự của đất nước. Nhưng Phí Trọng là người a dua nịnh nọt, ham tài lợi khiến thần dân căm ghét, không thuận theo. Trụ Vương lại bổ nhiệm Ác Lai nhưng Ác Lai giỏi về gièm pha, phỉ báng, gây bất hòa khiến các nước chư hầu xa lánh.

Cơ Xương sau khi về nước Chu đã tu dưỡng đức hạnh, thi hành các chính sách lương thiện, có lợi cho dân nên rất nhiều nước chư hầu đã ruồng bỏ Trụ Vương mà theo ông. Vì vậy, thế lực của Cơ Xương càng ngày càng mạnh, Trụ Vương càng ngày càng mất quyền uy. Ngay cả chú của Trụ Vương là đại thần Tỷ Can khuyên bảo nhưng Trụ Vương cũng không nghe theo.

Sau khi Tây bá hầu Cơ Xương qua đời, con trai ông là Chu Vũ Vương dẫn quân chinh phạt phía đông. Khi đến Minh Tân, đã có hàng trăm nước chư hầu ruồng bỏ Trụ Vương, hợp sức với Chu Vũ Vương. Các nước chư hầu đều nói: “Đây là lúc thảo phạt Trụ!” Nhưng Chu Vũ Vương nói: “Các ngươi không biết Thiên mệnh!” Ông cho rằng thời cơ diệt Trụ còn chưa chín mùi, vì thế lại trở về nước.

Trụ Vương càng lúc càng dâm loạn, không một chút lo lắng kiêng nể. Người chú của ông ta là Tỷ Can vẫn ra sức khuyên can Trụ Vương. Ông đến lầu Trích Tinh và ở đó khuyên can ba ngày không rời đi. Trụ Vương thấy vậy liền hỏi: “Ngươi dựa vào cái gì mà tới can gián ta?”

Tỷ Can nói: “Dựa vào việc Quân chủ thì phải thuận theo thiện hạnh nhân nghĩa, cho nên đến khuyên can ngài!”

Thương Trụ Vương giận dữ, trong sự mê hoặc của Đát Kỷ liền nói: “Ta nghe nói tim của thánh nhân có bảy lỗ”. Vì thế, Trụ Vương ra lệnh xé ngực của Tỷ Can rồi lấy tim ra xem. Đại thần Tỷ Can một đời trung nghĩa đã bị Trụ Vương giết hại tàn ác như vậy.

Triều nhà Thương diệt vong

trụ vương
(Hình minh họa: Qua 8fkd.com)

“Bề tôi bất mãn, thần dân oán hờn”, thời cơ diệt nhà Thương đã đến, Chu Vũ Vương dẫn khoảng 300 chiến xa, 3000 quân cảm tử, 4,5 vạn giáp sĩ, tiến về phía đông. Đội quân của Vũ Vương đến Mạnh Tân, hội cùng binh mã các lộ, đồng thời tranh thủ sự trợ chiến của đội quân các phương quốc như  Dung, Thục, Khương, Vi, Lô, Bành, Bộc. Tại Mạnh Tân, Chu Vũ Vương cử hành đại hội thệ sư, sau đó thống lĩnh đội quân vượt Hoàng Hà tiến lên tấn công phía bắc.

Trụ Vương nghe tin, vội vàng tập trung quân Thương đi xuống phía nam giao chiến với quân Chu. Trước trận chiến, Chu Vũ Vương lại một lần nữa tuyên bố tội trạng của Trụ Vương và thề chết diệt Trụ như lời căn dặn của cha mình.

Đội quân nhà Chu sĩ khí phấn chấn, còn quân đội Trụ Vương tuy đông, nhưng không ai có lòng chiến đấu. Trụ Vương sắp xếp đội binh nô lệ đi đầu. Nhưng đội quân này khi tiếp xúc với quân Chu đã trở giáo quay đầu, giết quân Trụ vương.

Dưới sự trợ lực của quân Thương trở giáo, quân Chu tiến thẳng đến dưới thành Triều Ca. Trụ Vương nhìn thấy đại thế đã hết liền lên Lộc Đài tự thiêu, kết thúc một đời bạo ngược.

Sau đó Chu Vũ Vương thống lĩnh chư hầu tiến vào Triều Ca, lệnh đưa thi thể Trụ Vương ra để thị chúng. Hôm sau, Chu Vũ Vương cử hành nghi lễ long trọng, tuyên cáo thiên hạ: “Triều Chu diệt triều Thương, ta nhận mệnh Trời quản lí thiên hạ”.

Cổ nhân nói: “Mất thiên hạ là bởi vì mất dân. Mất dân bởi vì mất lòng dân. Được lòng dân thì được thiên hạ. Điều dân muốn thì hãy làm cho đầy đủ, điều dân ghét thì đừng đem đến cho dân”. Có thể nói, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhà Thương diệt vong và cũng là bài học cho hậu thế.

An Hòa (biên dịch và t/h)

Xem thêm: