Là tác phẩm của một bậc thầy được Bach và Beethoven ngả mũ bái phục, vở Thanh xướng kịch Messiah đã đi vào lịch sử âm nhạc cổ điển như một trong những sáng tác vĩ đại nhất – Một trường ca sáng chói về Chúa Cứu Thế. Messiah cũng là vở được biểu diễn thường xuyên ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh.

Handel Chua Cuu the 02
Tượng George Frideric Handel tại Nhà hát Opéra Garnier, Paris. (Ảnh: Shiler, Shutterstock)

Trong số các vở oratorio (Thanh xướng kịch) nổi tiếng đi vào lịch sử làng âm nhạc cổ điển thế giới, không thể không nhắc tới những sáng tác của nhà soạn nhạc nổi tiếng George Frideric Handel. Ông là nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức, thuộc thời kỳ Baroque, nổi tiếng với dòng nhạc opera, oratorio, anthem, và concerto organ. Ông để lại một số lượng tác phẩm rất lớn bao gồm: 42 vở opera; 29 vở oratorio; hơn 120 cantatas (Đại hợp xướng), trio và duet (tam tấu và song tấu); nhiều aria (khúc nhạc có giai điệu); nhạc thính phòng; một khối lượng lớn nhạc tôn giáo; ode và serenata (thơ ca và nhạc đồng quê); và 16 concerto cho đàn organ.

Nhạc sĩ thiên tài Bach đã từng thổ lộ: “Handel là người duy nhất tôi mong ước được gặp mặt trước khi chết, và là người duy nhất tôi muốn trở thành, nếu tôi không là Bach”. Còn đối với Beethoven, Handel là “thầy của tất cả chúng ta… nhà sáng tác vĩ đại nhất từng sống trên trái đất”.

Messiah của Handel: Một trường ca sáng chói về Chúa Cứu Thế
George Frideric Handel. (Tranh: Balthasar Denner, National Portrait Gallery, Wikipedia, Public Domain)

Handel sinh năm 1685 trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc. Theo John Mainwaring, người đầu tiên viết tiểu sử Handel, từ nhỏ, Handel đã sớm có thiên hướng đặc biệt về âm nhạc đến nỗi cha ông, vốn muốn con theo học Luật Dân sự, đã cấm Handel sử dụng nhạc cụ. Handel đã phải tìm mọi cách để có được một chiếc đàn clavichord nhỏ cho riêng mình đặt trong căn phòng áp mái, thường xuyên luyện tập ở đây khi cả nhà đang ngủ. Ngay thủa thiếu thời, Handel đã trình diễn thành thạo đàn harpsichord và đàn ống. Sau đó, nhờ sự thuyết phục của Công tước Johann Adolf, cha Handel đã đồng ý để ông học nhạc chuyên nghiệp.

Năm 18 tuổi, Handel sáng tác vở opera đầu tay là Almira, nó ra mắt công chúng năm 1705. Còn vở thanh xướng kịch đầu tiên Handel sáng tác là “Il Trionfo del Tempo e del Disingano” vào năm 1701 tại Ý. Bản thanh xướng kịch đầu tiên bằng tiếng Anh của ông là Athaliah, lúc này Handel đã tỏ ra tự tin và phóng khoáng hơn trong cung cách biểu diễn và đa dạng hơn trong sáng tác. Kiệt tác Messiah (Tạm dịch: Chúa cứu thế) được Handel sáng tác năm 1741 trong vòng 24 ngày. Đây là một khoảng thời gian cực ngắn để hoàn tất một tác phẩm vĩ đại như thế. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Messiah cùng bài hợp xướng “Halleluja”, là một trong những bài hợp xướng được yêu thích nhất.

Hợp xướng Halleluja:

Vở Messiah ra mắt công chúng tại Musick Hall ở Dublin vào tháng tư năm 1742 với ca đoàn gồm 31 giọng ca nam tập hợp từ hai nhà thờ St Patrick và Christ Church. Với vở Messiah, Handel thành công trong nỗ lực giữ cân bằng giữa đơn ca với hợp xướng, điều mà trước đây ông chưa từng làm được.

Nội dung của Messiah dẫn ý từ Kinh Thánh do Charles Jennes viết ca từ theo bản dịch King James, và những chương Thánh Vịnh trích từ Sách cầu nguyện chung. Ca từ của Jennes là những ký thuật và những trầm tư sâu lắng về cuộc đời của chúa Jesus, người được Kitô giáo cho là Đấng Messiah (Chúa Cứu Thế hay Cứu Thế Chủ), khởi nguồn từ những lời tiên tri của Isaiah và những tiên tri khác, đến sự hóa thân thành người, sự thống khổ, và sự phục sinh của Chúa Jesus, tất cả đều tập trung về vinh hiển sau cùng của ngài trên thiên đàng.

Trong Messiah có khúc cung nghinh nổi tiếng nhất, đó là Halleluija, ca ngợi sự khải hoàn (sự chiến thắng trở về) của Đấng Cứu thế (Messiah) khi ngài đã hoàn thành xong sứ mệnh cứu độ chúng sinh trong thời kỳ cuối cùng của nhân loại. “Vào giờ phút này, muôn loài hân hoan ca ngợi ngài, ca ngợi ân đức của ngài đã ban phước lành, đã cứu rỗi toàn thể chúng sinh”, đó là phần hợp xướng nổi tiếng nhất của Messiah – Halleluija.

Hallelujah là một từ có gốc Do Thái, trong đó bao gồm hai thành tố: Halle nghĩa là lời ngợi khen và Jah hoặc Yah tức là tên của Thiên Chúa. Như vậy, Hallelujah tạm dịch là “lời ca tụng Thiên Chúa”. Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Messiah tức là Chúa Cứu Thế. Nhà nghiên cứu âm nhạc Richard Luckett miêu tả Messiah của Handel là “một sự luận giải về sự Giáng sinh, Độ nhân, Phục sinh, và về trời của Chúa Giêsu, khởi đầu với lời hứa của Thiên Chúa qua sự tuyên cáo của những nhà tiên tri và kết thúc với sự tôn vinh dành cho Chúa Jesus trên thiên đàng”.

Messiah của Handel: Một trường ca sáng chói về Chúa Cứu Thế
Bức tranh mô tả sự kiện Đại Thẩm Phán, trong đó Cứu Thế Chủ phán định thiện ác, cứu vớt những người tốt (bên trái) và đày những kẻ xấu xuống địa ngục (bên phải). (Tranh: Giotto, nhà nguyện Scrovegni, Wikipedia, Public Domain)

Tất nhiên, truyền thuyết về Cứu Thế Chủ không chỉ có trong Kitô giáo, mà còn hiện hữu trong rất nhiều tôn giáo khác. Ví dụ như trong Đạo giáo, người được chờ đợi là chân nhân Lí Hoằng; trong Kitô giáo, người được chờ đợi là Chúa Jesus; trong Thiên Chúa giáo nói chung, người được chờ đợi là Messiah; trong Phật giáo, người được chờ đợi là vị Phật của tương lai – Phật Di Lặc… Dù có sự khác nhau về cách nhìn nhận, nhưng truyền thuyết đều nói rằng, khi mà đạo đức toàn nhân loại đã bại hoại, làm cho thế giới đi tới sự diệt vong, thì Cứu Thế Chủ sẽ xuất hiện trong Đại Thẩm Phán (Last Judgement) để cứu vớt những con người còn giữ được lương tri, phục sinh và đưa thế giới bước vào một kỷ nguyên mới. Do vậy rất nhiều chính giáo trên thế giới hiện nay đều đang chờ đợi Cứu Thế Chủ. (Xem thêm về vấn đề này trong: Tượng Phật Lư Xá Na ở hang Long Môn và huyền cơ thời mạt thế)

Khác với hầu hết những bản oratorio của Handel, các ca sĩ trong Messiah không diễn kịch, cũng không có giọng nói dẫn chuyện chủ đạo, và rất ít diễn từ trích dẫn. Chủ đích của Jennes không phải là tái hiện cuộc đời và những lời giáo huấn của Chúa Giêsu, mà là tụng ca “Sự huyền nhiệm của Thiên Chúa”. Trong hầu hết những bản oratorio của Handel, giọng đơn ca giữ vị trí chủ đạo, ban hợp xướng chỉ trình bày những đoạn ngắn; nhưng với Messiah “chính phần hợp xướng đã làm thăng hoa tác phẩm khi tạo ra dòng cảm xúc mãnh liệt và làm nổi bật những thông điệp”, theo nhận xét của Laurence Cummings, giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Handel London.

Messiah của Handel: Một trường ca sáng chói về Chúa Cứu Thế
Sự xuất hiện của Cứu Thế Chủ. (Tranh: Giovanni Antonio Pellegrini, GRANGER, Public Domain)

Cấu trúc ba phần của Messiah cũng tương tự như những vở opera ba hồi của Handel, mỗi phần có nhiều “cảnh” theo sự phân chia của Jennens. Mỗi “cảnh” có một số “đoạn” được thể hiện theo cách hát nói, aria (khúc nhạc có giai điệu), hoặc hợp xướng. Có hai đoạn dành cho các loại nhạc cụ, đoạn dẫn nhập Sinfony theo phong cách French overture, và pastoral Pifa, thường gọi là “pastoral symphony”, tại tâm điểm của Phần I.

Ở phần I, những nhà tiên tri thời Cựu Ước tiên báo sự giáng sinh của Đấng Messiah. Sự kiện các Thiên sứ báo tin mừng cho những mục tử được thể hiện qua lời ký thuật của Phúc âm Luca.

Phần II thuật lại quá trình độ nhân, giải tội nghiệp cho con người của Chúa Jesus, cái chết, sự phục sinh và về trời của Chúa Jesus. Phúc âm được giảng trên khắp thế giới, và sự vinh hiển của Thiên Chúa được thể hiện cách cô đọng và súc tích trong tuyệt khúc “Hallelujah”.

Phần III khởi đi từ lời hứa về sự cứu rỗi, kế tiếp là lời tiên báo về Đại Thẩm Phán và sự hồi sinh, rồi kết thúc với sự ngợi ca dành cho Chúa Jesus.

Theo nhà âm nhạc học Donald Burrows, những người không có sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh khó nắm bắt được nội dung của bản trường ca. Vì vậy, Jennens cho ấn hành và phân phối những bản dẫn giải.

Tác phẩm Messiah của Handel do dàn nhạc London Philharmonic biểu diễn:

Oratorio (hay còn gọi là Thanh xướng kịch) là một thể loại âm nhạc cổ điển quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Oratorio thường dùng để miêu tả một câu chuyện kịch nhưng khác với một vở opera là nó không có các hành động kịch, không dùng phục trang biểu diễn và trang trí sân khấu.

Oratorio là kịch bằng âm nhạc, dùng hát có nhạc đệm để kể lại những câu chuyện. Oratorio hầu như xuất hiện cùng một lúc với cantata (Đại hợp xướng) và opera vào thế kỷ XVI, XVII. Cấu trúc giữa các thể loại này có nhiều điểm tương đồng, cũng sử dụng aria (khúc nhạc có giai điệu), hát nói, dàn nhạc…

So với cantata (Đại hợp xướng), khuôn khổ của oratorio (thanh xướng kịch) lớn hơn, tính kịch và chủ đề được phát triển rộng hơn. So với opera, ngoài nội dung tôn giáo, oratorio có lời ca mang tính suy tư và tường thuật hơn và đặc biệt là có sự nhấn mạnh vào hợp xướng.

Lê Anh

Xem thêm:

Mời nghe radio: