Trong Luận Ngữ có viết: “Quân tử hoà mà không đồng, tiểu nhân đồng mà không hoà”. Người quân tử có thể lấy “đạo nghĩa” mà bao dung hết thảy các ý kiến, cũng không giấu diếm quan điểm bất đồng của mình, chân thành đối xử với người khác, từ đó xây dựng một bầu không khí hài hòa. Kẻ tiểu nhân thường có thói quen nói theo ý người khác, vào hùa và phụ họa theo nhưng trong lòng lại không nghĩ giống như lời nói, bằng mặt mà không bằng lòng, hễ có xung đột về lợi ích thì họ chẳng thể chung sống hoà hợp với người khác, đây chính là “đồng mà không hoà”.

Một chữ "Hòa" phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Coi trọng hoà khí là tôn sùng sự hài hoà, hữu hảo trong những mối quan hệ xã giao. Chữ “Hoà” (和) gồm chữ “Thiên” (千), chữ “Nhân” (人), và chữ “Khẩu” (口), nghĩa là trên dưới, trong ngoài nghìn người đều chung một tiếng nói, một tâm tưởng. Giữa người với người, giữa các quốc gia với nhau đều cần coi trọng chữ “Hoà”, giữa con người và tự nhiên cũng giảng về chữ “Hoà”. Nghĩa gốc của “Hoà” chính là sự điều tiết hài hoà.

Trong “Luận Ngữ” giảng: “Lễ chi dụng, hoà vi quý”, tác dụng của lễ là khiến mối quan hệ trở nên hài hoà, đáng quý. Có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những người và vật giống nhau thường thu hút lẫn nhau.

Trong “Hệ Từ Thượng – Chu Dịch” nói rằng: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim”, hai người đồng lòng, sắc bén tới mức có thể chặt đứt vàng kim. Câu sau là “Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”, tiếng nói đồng lòng, thơm như hương hoa lan. Câu “Kết nghĩa Kim Lan” mà chúng ta thường nói chính là có nguồn gốc từ đây.

Trong cuốn “Tây Tần Lục – Tam Thập Quốc Xuân Thu”, Thôi Hồng cũng giảng ra đạo lý rằng: “Đơn giả dịch chiết, chúng tắc nan tồi”, một người thì dễ diệt, nhiều người thì khó phá.

Có thể thấy rằng cổ nhân vô cùng coi trọng tác dụng của chữ “Hoà”. Đối với cổ nhân mà nói, “Hoà” chính là mở lòng mở dạ, cương nhu thích hợp. Đối với một nhóm người mà nói, “Hoà” chính là chung sống hoà bình với nhau, dung hoà lẫn nhau.

Mời xem video: Vẻ đẹp của Trung và Hòa trong lý niệm truyền thống

Trong “Nghiêu Điển – Thượng Thư”, một cuốn sách kinh điển của Nho Gia có ghi chép rằng: Nghiêu có thể tuyên dương tài trí, đạo đức, dùng điều này để bày tỏ sự thân thiện với những người cùng dòng tộc, thì dòng tộc cũng hoà hợp, tiếp đó ông lại phân rõ bách quan tốt xấu. Sự tốt xấu của bách quan đã được phân định rạch ròi đâu ra đấy, ông lại nỗ lực đoàn kết các nước chư hầu.

Điều được miêu tả trong cuốn “Nghiêu Điển – Thượng Thư” chính là cảnh tượng thiên hạ thái bình dưới thời Nghiêu, Thuấn. Lúc đó, trên dưới hoà hợp, bách tính an cư lạc nghiệp. Có câu rằng “Mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi” chính là nói về xã hội lý tưởng của Nho gia, mà sự hình thành xã hội này lại dựa vào một chữ “Hoà”.

Gia tộc hoà hợp, bách quan hoà hợp, vạn bang hoà hợp, thiên hạ thái bình. Muốn con người hoà hợp với nhau thì cần ai nấy đều phải tự giác tuân thủ nguyên tắc, đạo đức chung của xã hội. Cổ nhân chủ trương “Khắc minh tuấn đức”, cũng chính là nhấn mạnh việc dùng tài trí và đạo đức phục vụ con người.

Trước kia các con trai của vua Hung Nô đòi phân tách nhau ra. Vua Hung Nô bèn triệu tập họ tới, đưa cho mỗi người một chiếc đũa, bảo họ bẻ gãy phần giữa. Các vương tử đều làm được dễ dàng. Vua Hung Nô lại đưa cho mỗi người một bó đũa, bảo họ bẻ gãy, kết quả là không ai làm được. Vua Hung Nô nói với các con trai rằng, hiện nay huynh đệ các con bất hoà, mỗi người đều giống như một chiếc đũa, rất dễ bị kẻ địch công phá. Nếu huynh đệ các con đoàn kết lại thì sẽ giống như một bó đũa, không ai có thể chiến thắng các con. Đây chính là sức mạnh của chữ “Hoà”.

Nhắc tới chữ “Hoà” người ta có thể sẽ nghĩ tới lời của “Mạnh Tử”: “Thiên thời bất như địa cát, địa cát bất như nhân hoà”, (Công Tôn Xú Hạ – Mạnh Tử), thiên thời chẳng bằng địa lợi, địa lợi chẳng bằng nhân hoà. Đây chính là lời Mạnh Tử đàm luận lúc chiến loạn. “Nhân Hoà” là nơi lòng người hướng tới, là sự đoàn kết nội bộ.

Mạnh Tử còn nhắc tới quan niệm quản lý việc chính sự trên dưới hài hoà trong cuốn “Dữ Dân Đồng Lạc”. Ông nói: “Lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; Ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kỳ ưu” (Lương Huệ Vương quyển hạ – Mạnh Tử), nghĩa là “Vui niềm vui của dân, thì dân lại vui niềm vui của ta; Lo nỗi lo của dân, thì dân lại lo nỗi lo của ta”. Bậc đế vương thánh minh thường đồng cam cộng khổ cùng dân chúng, trong tâm đều chứa thiên hạ bách tính, như vậy mới được nhân dân yêu mến, bảo hộ.

Trong mối quan hệ giữa người với người làm thế nào mới có thể giữ được hoà khí, và sự hài hoà? Cổ nhân cũng lưu lại rất nhiều những lời tinh tuý như “Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Sơn Mộc – Trang Tử), ý nói rằng tình cảm, sự giao hảo giữa người quân tử nhạt như nước, sự giao hảo giữa kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như men rượu say. Giao tình của người quân tử tuy nhạt, nhưng thân thiết trường cửu, giao tình của kẻ tiểu nhân dẫu ngọt ngào, nhưng rất dễ tuyệt giao. Có thể thấy rằng, trong con mắt cổ nhân, sự giao hảo giữa người quân tử không hề mang theo bất cứ màu sắc danh lợi nào, mà trong suốt, thanh khiết như dòng nước, có thể mới giữ được hòa khí.

Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là hai người bạn thân thời Xuân Thu. Hai người cùng nhau buôn bán, Quản Trọng từng dành nhiều tài vật hơn cho mình, Bảo Thúc Nha cũng không so đo, tính toán. Ông biết rằng Quản Trọng làm vậy là vì gia cảnh bần hàn. Khi lâm trận Quản Trọng bỏ trốn, Bảo Thúc Nha cũng không dám chê cười, biết rằng ông làm như vậy là vì có mẹ già cao tuổi cần người chăm sóc. Quản Trọng vì vậy mà vô cùng xúc động, nói với mọi người rằng: “Sinh ngã giả phụ mẫu, tri ngã giả Bào Tử dã”, người sinh ra ta là cha mẹ, người hiểu ta là Bảo Thúc Nha. Bảo Thúc Nha không so đo tính toán nên giữ được chữ “Hòa” này và khiến tình bạn giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha trở thành tiếng thơm lưu truyền thiên cổ.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Đằng sau khổ nạn là thăng hoa, đằng sau bóng tối là ánh sáng