Quân Nguyên Mông sau khi thất bại lần đầu trước Đại Việt vào năm 1258 rất muốn báo thù, nhưng các cánh quân Mông Cổ đều đang tập trung tấn công sang đất Tống nên phải bỏ qua. Tuy nhiên về mặt bang giao thì quân Mông Cổ vẫn ỷ mạnh uy hiếp Đại Việt.

Một đoạn bang giao giữa Nguyên Mông và Đại Việt
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Năm 1259, Đại Hãn Mông Kha dẫn quân tiến đánh thành Điều Ngư của nhà Tống và bị tử trận, quân Mông Cổ phải tạm dừng các cuộc hành quân trên khắp thế giới. Hốt Tất Liệt trở về Mông Cổ tranh ngôi Đại Hãn, trước khi đi lấy danh nghĩa Nguyên Thế Tổ gửi thư cho nhà Trần tỏ ý tôn trọng và muốn có hòa bình với Đại Việt, đảm bảo Mông Cổ sẽ không bao giờ tiến đánh nữa.

Năm 1261, Mông Cổ bắt đầu yêu cầu Đại Việt phải cống nạp.

Tháng 10/1262, Hốt Tất Liệt đưa chiếu thư cho vua Trần Thái Tông:

“Khanh đã gửi đồ lễ xin làm bầy tôi, vậy bắt đầu từ năm Trung Thống thứ tư (1263), cứ 3 năm cống một lần. Hãy chọn Nho sĩ, thầy thuốc, người giỏi âm dương bói toán, các loại thợ, mỗi thứ 3 người, cùng dầu tô hợp, quang hương, vàng bạc, châu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi, vải trắng, chén sứ, đem đến cả một lúc…”

Dù Mông Cổ ra yêu sách, nhưng nhà Trần chủ trương cống vật chứ không cống người, thể hiện sự tự tôn của dân tộc, quyết không đưa người Việt sang nước khác làm nô lệ. Chính vì thế nhà Trần kiên trì không cống nạp.

Năm 1264, Hốt Tất Liệt đánh bại A Lý Bất Ca trong cuộc chiến giành ngôi Đại Hãn, áp lực bang giao lên Đại Việt cũng nặng nề hơn.

Đến năm 1266, Mông Cổ cho người đến trao thư cho Vua Trần: “Trước kia, ta đã sai sứ sang thông hiếu, kẻ thừa hành u mê không cho sứ trở về, do đó ta mới có việc dụng binh năm trước” (Đại Việt Sử ký Toàn thư). Đồng thời lần này Sứ Mông Cổ cũng nhắc về việc cống nạp.

Năm 1266, nhà Trần cử Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn sang, mang theo sản vật cống nạp chứ không cống người như yêu cầu. Lúc này Mông Cổ đang tập trung quân đánh Tống nên chỉ gửi chiếu thư vỗ về:

“Theo bài Thánh chế của vua Thái Tổ Hoàng Đế; Phàm những nước đã qui phụ với Trung Quốc, thì vua phải thân hành đến chầu, cho con em ở tại Trung Quốc làm tin, biên nạp dân số, cung ứng quân dịch, nạp thuế khoá, còn đặt quan Đạt lỗ hoa xích cai trị. Các khoản nói trên đều để tỏ rõ lòng trung thành làm nước chư hầu. Nay khanh cống hiến, không hề quá hạn ba năm, đủ biết lòng thành thật như trước, nên ta kể lại chế độ tổ tông nước ta, cũng lấy lòng thành thật tỏ bày vậy”. (An Nam Chí Lược)

Năm 1268, Mông Cổ ra chiếu thư yêu cầu Đại Việt mang quân đến giúp đỡ mình. Vua Trần Thánh Tông thư từ qua lại với Mông Cổ lấy tên là Trần Quang Bính, vì thế mà Mông Cổ cũng dùng tên này để đối đáp:

“Ngày Kỷ Sửu [1268], chiếu dụ Quốc vương An Nam Trần Quang Bính: Có lời tâu rằng 2 bọn cướp Chiêm Thành, Chân Lạp đến quấy phá; đã dụ ngươi điều binh, cùng với các nước không gây hấn đồng đánh dẹp. Nay lại mệnh cho Vân Nam vương Hốt Ca Xích cầm quân xuống phương nam. Khanh hãy tuân theo chiếu chỉ trước, gặp bọn phản loạn không chịu đến sân đình triều cống thì thẳng tay đánh dẹp, kẻ hàng phục thì tìm cách chiêu phủ.” (Nguyên sử)

Nhà Trần không đáp ứng đưa quân giúp Mông Cổ. Năm 1269, Mông Cổ cử Trương Đình Trân đi Sứ đến đe dọa Đại Việt. Trương Đình Trân nói:

“Hoàng Đế không muốn lấy đất của ngươi làm quận, huyện; nhưng muốn ngươi xưng phiên thần, sai Sứ nhận chỉ dụ, đức thật lớn thay! Vương vẫn còn giữ thế môi răng với Tống, tự cho mình là lớn. Nay trăm vạn quân ta vây Tương Dương [Hồ Bắc], lấy thành này trong sớm chiều, đánh cuốn chiếu, chắc Tống sẽ thua ngay, Vương dựa vào đâu? Vả lại quân Vân Nam không đầy 2 tháng sẽ đến biên cảnh ngươi, làm sụp đổ họ hàng giống nòi ngươi không khó, hãy suy xét đi.” (Tục tư trị thông giám)

Năm 1271, Mông Cổ đánh bại nhà Tống, triều đình nhà Tống phải chạy trốn trước sự truy đuổi, chỉ giữ được vùng đất bé nhỏ cùng vài thành trì. Hốt Tất Liệt lập nên nhà Nguyên, cho sứ sang Đại Việt đe dọa. Theo “Nguyên sử” thì: “Sứ giả đến An Nam trở về bảo rằng Quang Bính nhận chiếu chỉ không bái. Trung thư gửi văn thư trách hỏi, Quang Bính bảo tuân theo phong tục của nước này.”

Trong những yêu sách mà nhà Nguyên đưa ra có yêu cầu việc cống nạp voi, lý do là bởi trong cuộc chiến năm 1258, voi chiến góp vai trò quan trọng khiến quân Mông Cổ phải nhận thảm bại, vì thế mà nhà Nguyên muốn có voi chiến nhằm tìm ra điểm yếu của tượng binh để chuẩn bị cho cuộc tiến đánh Đại Việt sau này. Nhà Trần dường như biết được việc này nên không cống nạp voi.

Trước việc nhà Trần không chịu cống người và voi như yêu cầu, nhà Nguyên cho Sứ đến trách mắng và ra yêu sách, vua Trần đáp lại rằng:

“Sứ đến nói việc đòi voi, trước vì sợ trái chỉ nên không dám nói thẳng là theo hay không theo, chứ thật ra vì tượng nô không chịu rời nhà, khó sai họ đi, còn việc cống nho sĩ, thầy thuốc và thợ thì khi bồi thần nước tôi là Lê Trọng Đà vào bệ kiến, gần uy quang trong gang tấc cũng không nghe chiếu dụ đến việc ấy”.

Năm 1273, cuộc chiến giữa nhà Nguyên và nhà Tống sang giai đoạn mới, tướng Tống trấn thủ thành Tương Dương là Lã Văn Hoán quyết định đầu hàng sau 6 năm cầm cự nhằm bảo vệ binh lính và thường dân tránh bị sát hại. Quân Nguyên chiến được thành Tương Dương, dễ dàng chiếm các vùng đất còn lại của nhà Tống. Tham vọng của nhà Nguyên đối vói Đại Việt cũng lớn hơn, thể hiện ở quan hệ bang giao.

Năm 1275, Sứ thần của Đại Việt sang nhà Nguyên, khi trở về mang theo chiếu dụ như sau:

“Tổ tông định chế phạm các nước nội ngoại phụ Quân trưởng phải đích thân đến triều cận, con em vào làm con tin, biên dân số, xuất quân dịch, nạp phú thuế, đặt Đạt lỗ hoa xích để cai trị; đó là 6 điều trước đây đã dụ khanh. Khanh qui phụ hơn 15 năm, chưa từng đích thân đến triều cận, mấy việc khác cũng chưa thi hành; tuy bảo rằng 3 năm một lần cống, nhưng vật cống đều là những thứ vô bổ trong việc dùng. Cho rằng khanh sẽ tự hiểu, nên sai lầm cũng không hỏi; cớ sao đến ngày hôm nay vẫn chưa tỉnh?

Bởi vậy lại sai Cách Sắc Nhĩ Cáp Nhã đến nước dụ khanh vào triều cận. Nếu vì lý do khác khanh không đến được thì sai con em vào triều; ngoài ra hộ khẩu nước khanh nếu chưa định được số, thì làm sao châm chước được việc thu thuế điều binh. Nếu nước thực ít, mà thu nhiều thì lực không đủ; vậy nhờ vào hộ khẩu mới lượng được số quân và phú thuế. Nơi điều binh chỗ xa chỉ đến Vân Nam, để hợp lực với nhau thôi. Vậy nay ban chiếu chỉ cho rõ.” (An Nam chí lược)

Tuy nhiên Vua tôi nhà Trần không đáp trả. Thấy không thể khuất phục được Đại Việt, nhà Nguyên lại yêu cầu mượn đường đánh Chiêm Thành. Nhà Trần biết được đây chỉ là mưu kế nên không đồng ý. Nhà Nguyên sai Toa Đô thống lĩnh 20 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành bằng đường thủy, nhà Trần cho quân đến trợ giúp Chiêm Thành. (Xem bài: Quá trình Chiêm Thành cầm cự trước đội quân hùng mạnh nhất thế giới)

Năm 1285 nhà Nguyên đưa 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt, 20 vạn quân Toa Đô sau khi bị sa lầy ở Chiêm Thành cũng từ phía nam đánh ngược lên, Đại Việt 2 đầu thọ địch như ngàn quân treo sợi tóc. Nhưng với tài cầm quân của Hưng Đạo Vương, Vua tôi đều đồng lòng, cuối cùng đã quét sạch quân Nguyên khỏi đất nước.

Không chỉ thế năm 1288, nhà Nguyên lại đưa 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt, nhưng một lần nữa phải chịu thảm bại rút chạy về nước. Ba lần đánh bại đội quân hùng mạnh và hiếu chiến chinh phục khắp thế giới trở thành trang sử hào hùng và là niềm tự hào của người Việt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: