Tháng 2/1778, hai người Việt cập bến Calcutta (Bengal, Ấn Độ). Họ là cựu thần của chúa Nguyễn, đi nhờ tàu buôn phương Tây từ Đà Nẵng chạy vào Gia Định, nhưng vì gặp gió mạnh nên tàu bị chệch khỏi lộ trình ấy và buộc phải đi thẳng sang Ấn. Nhận thấy tiềm năng thương mại từ việc này, chính quyền thuộc địa Anh tại Bengal cử Charles Chapman đưa 2 viên quan này về nước(*), đồng thời thăm dò tình hình Đàng Trong. Tàu của họ đến Quy Nhơn tháng 7 năm ấy, nơi Chapman gặp gỡ với vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc. Dưới đây là những ghi chép của Charles Chapman về cuộc gặp gỡ này, trích từ cuốn “Narrative of a voyage to Cochin China”.

“Lúc 6 giờ sáng hôm sau (25/7), một lời nhắn được đưa tới chỗ chúng tôi, báo rằng Đức vua (his Majesty) đã sẵn sàng đón tiếp chúng tôi. Thế là chúng tôi theo chân người dẫn đường gần nửa dặm, tới khi khung cảnh một cung điện trên gò đất cao hiện ra trước mắt; tại đây chúng tôi được yêu cầu để lại toàn bộ tùy tùng, và tháo bỏ kiếm, vì không ai được phép vào tham kiến khi mang vũ khí. Những thủ tục này đã xong, chúng tôi tiến đến cung điện. Trước cửa là hai hàng lính, mỗi hàng 100 người, với giáo (spears), sóc (pikes), kích (halberds), v.v. đủ kiểu dáng, một số cờ xí tung bay, và từ bên trong thò ra nòng súng của 2 khẩu đại bác dài bằng đồng. Ở giữa khoảng sân đầy sỏi trước cửa cung điện, là nơi đặt quà tặng của chúng tôi. Ngay khi chúng tôi tiến vào sân, viên quan và người dẫn đường bảo rằng hãy tuân theo đúng nghi thức mà ông ta làm, bao gồm bái lạy ba lần với trán chạm mặt đất. Tuy nhiên, cách thức chào này quá lăng nhục đối với chúng tôi, nên chúng tôi kiên quyết cũng cúi đầu chừng đấy lần, nhưng theo lối người Anh. Chúng tôi leo khoảng năm sáu bậc thềm lên gian phòng nơi Đức vua và triều thần của ông tề tựu. Cửa mở toang phía trước và hai bên, mái lợp ngói và xây theo kiểu Đàng Trong, chống đỡ bởi những cột gỗ tốt, mặt tường phía sau ốp gỗ; tựa vào đấy là ngôi báu, nằm trên hai ba bậc thềm so với nền nhà; và trên cao là một chiếc ghế tựa, sơn đỏ, trang trí hình đầu rồng, nơi nhà vua ngồi, phía trước ông là 1 chiếc bàn nhỏ đặt 1 tấm nệm bằng lụa màu đỏ, thêu hoa vàng, để ông ta tựa vào. Mỗi bên ngai vàng đặt 1 chiếc ghế tựa; một cái do một người em trai của ông ngồi, cái kia bỏ trống, mà, như tôi hiểu, thuộc về người em còn lại, bấy giờ đang ở Đồng Nai (Donai). Vài băng ghế dài nằm phía sau, nơi các quan viên ngồi, theo thứ bậc của họ.

[…]

Tôi sau đó, thông qua người thông ngôn, giới thiệu bản thân với nhà vua, nói rằng “Tôi là công bộc (servant) của chính quyền Anh tại Bengal, được ủy thác đến đây để thiết lập giao thương với cư dân Đàng Trong.” Ông ta nói: tiếng tăm của người Anh trên biển đã đến tai ông, và ông nghe rằng họ đứng trên mọi quốc gia khác về số lượng tàu thuyền, và vượt trội về tài điều khiển chúng; nhưng họ sử dụng ưu thế này sai trái, vì ông ta cũng được biết họ tấn công và cướp bóc bất kể tàu bè nào mình gặp; ông rất sẵn lòng cho phép người Anh buôn bán ở cảng của mình, và hy vọng đổi lại họ sẽ không quấy rối tàu thuyền và các phương tiện khác của ông. Tôi trả lời: phần đầu tiên trong thông tin của ông, về việc tôn trọng sức mạnh trên biển của người Anh, là cực kì đúng; nhưng phần sau hoàn toàn sai, và hẳn đã được phao đến tai ông bởi những kẻ ghen ghét sự thịnh vượng của chúng tôi, hòng tạo ấn tượng không tốt đẹp và bất công về chúng tôi. Người Anh lúc này đang giữ hòa bình với mọi quốc gia; và tàu bè của họ đi khắp mọi vùng đã biết trên thế giới, thương nhân của họ trứ danh về lòng trung thực và ngay thẳng khi thỏa thuận. Ông ta sau đấy báo cho tôi, rằng người Anh có thể buôn bán ở cảng của ông; và sau vài lời giải thích, đi đến quyết định rằng các tàu có ba cột buồm phải trả phí 7.000 quan (họ cho phép chúng tôi đổi 5 quan cho 1 dollar Tây Ban Nha), với tàu hai buồm là 4.000, và tàu nhỏ hơn thì 2.000 quan mỗi chiếc.

Đức vua sau đó sớm lui về phòng riêng, nhưng ít lâu sau lại triệu chúng tôi đến đấy, khi đã cởi bỏ áo bào và mũ thiết triều, đổi sang một chiếc áo khoác (jacket) lụa đơn giản, khuy đơm bằng những hạt kim cương nhỏ, và một dải lụa đỏ quấn quanh đầu kiểu như khăn turban. Cuộc đối thoại của chúng tôi ở đây đại lược rằng: ông ta mở chuyện bằng việc nhắc lại thiện chí của mình với người Anh, cũng như mong muốn liên kết với chúng tôi – tuy nhiên, để giữ thể diện trước mặt triều thần, ông mới đề cập đến món tiền mà tàu của chúng tôi phải trả để tự do buôn bán, nhưng nhằm có được tình hữu nghị với nước Anh ông sẽ không bao giờ bắt họ phải trả nó, mà sẽ dành cho họ mọi đặc ân trong quyền hạn của ông. Ông liệt kê những vật phẩm sản xuất ở nước mình, như hồ tiêu, bạch đậu khấu, quế, gỗ trầm, ngà voi, thiếc và nhiều thứ khác, mà ông nói rằng sự vô tri của người dân khiến họ không biết tận dụng chúng; và vì lí do ấy, cũng như nhằm chỉ dạy người dân của ông về nghệ thuật quân sự, ông thành tâm mong muốn Thống đốc Bengal gửi cho mình vài người có năng lực.

Ông ta sau đấy thổ lộ vài dự định tương lai cho tôi; chúng không gì khác ngoài thu phục vương quốc Chân Lạp (Cambodia), với toàn bộ bán đảo, đến tận nước Xiêm, và những tỉnh thuộc về Đàng Trong ở phía bắc, bấy giờ đang nằm trong tay người Đàng Ngoài. Để tiến hành những điều này, ông muốn có sự hỗ trợ từ một số tàu thuyền Anh; đổi lại ông sẽ ban cho họ những vùng đất để định cư (make them such grants of land for settlements) mà họ thấy phù hợp.

Tôi hứa với ông ta sẽ báo cáo thành thực những điều ông đã nói cho Thống đốc Bengal. Ông ta đặc biệt yêu cầu rằng, ngoài những việc trên, tôi hãy gửi cho ông ta một con ngựa, bất kể tốn kém bao nhiêu, trên con tàu đầu tiên đến Đàng Trong, với màu nâu đỏ. Sau khi được đãi trà và trầu cau, chúng tôi xin phép rời đi. Vào buổi chiều ông ta gửi chúng tôi ba thứ giấy tờ; một đóng dấu bằng chiếc ấn lớn của vương quốc, trình bày những điều kiện để tàu thuyền Anh buôn bán trong cương thổ của ông; hai tờ kia đóng bằng một chiếc ấn nhỏ hơn; một cái miêu tả về con ngựa, v.v.; cái kia chứa giấy phép để cập bến bất kì cảng nào của ông.

[…]

Bản thân Nguyễn Nhạc (nguyên văn: Ignaack) có tài lược, nhưng dưới trướng ông là những quan viên cai trị kém cỏi; họ đều là kẻ kém học thức. Đói kém, và bạn đồng hành của nó, dịch bệnh, đã hủy diệt một nửa cư dân nước này. Thật kinh hoàng trước lời tường thuật về cách thức mà số người còn lại sử dụng để duy trì sự tồn tại khốn khổ: Ở Huế, kinh đô, mặc dù nằm trong tay người Đàng Ngoài, và được chu cấp tốt hơn bất kì nơi nào khác, thịt người được bán công khai ở chợ.

Quân lực của Nguyễn Nhạc trên đất liền rất nhỏ bé, và kém cỏi về quân sự đến mức, tôi có thể quả quyết rằng 300 người có kỷ luật sẽ quét sạch toàn bộ quân đội của ông ta. Thủy quân của ông ta, bao gồm một ít thuyền chèo (gallies) và vài thuyền mành (junks) đoạt từ người Hoa, hầu như cũng tệ hại như vậy. Và cuối cùng, chính quyền của ông ta bị căm ghét cực độ; nhưng vì tinh thần của người dân đã kiệt quệ bởi vô vàn thảm họa phải hứng chịu, họ thiếu lòng dũng cảm để chống đối hiệu quả. Nhiều binh lính của ông ta, và gần như toàn bộ những người chủ chốt mà tôi đã gặp, công khai tuyên bố với tôi rằng họ bất đắc dĩ phải phủ phục, và bày tỏ mong muốn người Anh dành cho họ sự bảo hộ; cam đoan với chúng tôi rằng, chỉ cần một đội quân xuất hiện, cả đất nước sẽ chạy đến gia nhập.

[…]

Nếu Công ty (Công ty Đông Ấn Anh) quyết định lập một điểm định cư tại Đàng Trong, nó hẳn sẽ được thực hiện trên những nguyên tắc cực kì chính đáng và chi phí nhỏ. Một vài người trong vương thất (royal family – chỉ họ Nguyễn), bên cạnh hai viên quan ở Bengal, cùng nhiều tướng sĩ của chính quyền cũ, hối thúc tôi trình bày với chính quyền Bengal để đem đến sự giúp đỡ cho họ, hứa hẹn rằng sẽ có một sự ủng hộ lớn bất cứ khi nào chúng tôi thành tâm đứng về phía họ. Khôi phục vị quân vương hợp pháp (Nguyễn Ánh) trở lại ngai vàng, bấy giờ là một mong muốn rất phổ biến, nên không có gì phải hoài nghi sự thành thực trong lời đề nghị của họ. Giải thoát một dân tộc bất hạnh, rên rỉ dưới ách áp bức tàn bạo sẽ là một hành động xứng đáng với nước Anh. Năm mươi lính bộ binh châu Âu, pháo binh bằng một nửa số ấy, và 200 lính sepoy (lính bản địa Ấn Độ phục vụ cho Anh) sẽ là đủ cho mục tiêu này lẫn mọi mục tiêu khác. Dân bản xứ Đàng Trong kém hơn nhiều cư dân Hindostan (bắc Ấn Độ) về kiến thức quân sự; tuy nhiên, tôi không nghi ngờ gì một đội quân xứ ấy, nếu có kỉ luật tốt và trả lương đầy đủ, sẽ hữu dụng với chúng ta, và đóng góp cho an ninh của các thuộc địa mà chúng ta có thể có được ở phương đông, như cách lính sepoy đã đóng góp cho lãnh thổ của chúng ta ở Ấn Độ. Trong tình huống viễn chinh họ sẽ vượt trội hơn, vì hoàn toàn tự do khỏi định kiến tôn giáo, và không gặp trở ngại gì khi đi biển.

Trong khi Đàng Trong nằm trong tình trạng rối loạn hiện tại, một cánh cửa hứa hẹn đã mở ra cho quốc gia châu Âu đầu tiên có thể đạt được chỗ đứng trên nước này; vì vậy nếu Công ty cân nhắc kế hoạch lập một cơ sở ở Đàng Trong, không được phí phạm thời gian mà phải đưa nó vào thực thi ngay.”

Nguồn: Chapman, Charles (1778), “Narrative of a voyage to Cochin China”
Đăng lại từ bài viết của tác giả Quốc Bảo
Đăng trên Fanpage Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử

(*) Hai viên quan của chúa Nguyễn đi theo Charles Chapman, một người qua đời dọc đường tại Malacca, người kia theo tàu đến Huế rồi tìm chỗ trú ở nhà họ hàng.

Xem thêm:

Mời xem video: