Có câu nói rằng: “Trong cuộc đời, thành công lớn nhất không ngoài sự thành công của hôn nhân, hạnh phúc lớn nhất không ngoài hạnh phúc của gia đình”. Gia đình hòa thuận hưng vượng là điều mà ai ai cũng mong mỏi, là phúc báo mà mọi người đều muốn có. Vậy đâu là điều cốt yếu để gia đình có được phúc báo ấy? Dưới đây là 4 nhân tố có thể giúp gia đình hưng vượng lâu dài. 

4 nhân tố giúp gia đình hưng vượng
(Ảnh minh họa: A3pfamily, Shutterstock)

Thiện lương

Thiện lương có thể dưỡng đức. Phong thủy tốt nhất của một gia đình chính là thiện lương. Nhưng thiện lương là như thế nào? Dẫu một hai câu không thể nói hết được nhưng trong Luận Ngữ, Khổng Tử giảng: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, tức là những gì mình muốn thành cái gì thì cũng nên thành toàn cho người khác, mình muốn đạt được cái gì thì cũng nên cho người khác đạt được. Có thể nói đây là một trong những cách để thực hành và bồi dưỡng sự thiện lương.

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, một người nông dân sở hữu giống ngô phẩm chất rất tốt, được trao nhiều giải thưởng. Nhưng người nông dân này cũng rất hào phóng, ông sẵn sàng phân phát giống ngô này cho những người nông dân khác.

Có một người thắc mắc này hỏi ông: “Vì sao ông lại dễ dàng phân phát giống ngô tốt của mình cho người khác như vậy?”

Người nông dân ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời: “Tôi cũng không nghĩ nhiều, chỉ là rất vui vẻ khi làm như vậy. Nhưng mà này, kỳ thực đối tốt với người khác chính là đối tốt với bản thân mình. Hoa ngô trong quá trình thụ phấn nhờ gió thổi, ngô của mọi người có phẩm chất kém thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ngô của tôi. Chẳng phải vậy sao?”

Cổ ngữ nói: “Phúc báo ở phía sau.” Người hiền lành có thể trước mắt chịu thiệt, nhưng tương lai của họ sẽ có phúc trạch thâm hậu, thậm chí có thể tạo phúc cho con cháu.

Nuôi dưỡng gia đình cũng giống như việc trồng cây. Lấy phẩm đức, lấy sự thiện lương làm chất dinh dưỡng, gia đình liền có thể có được tương lai hưng vượng tốt đẹp, giống như cây xanh nhờ chất dinh dưỡng mà mọc lên tươi tốt, cành lá sum suê.

Nhẫn nhịn

Nhẫn nhịn là cách dưỡng phúc. Các thành viên gia đình có thể khoan dung và nhường nhịn lẫn nhau mới là bí quyết để gia đình mãi hòa thuận. Mái ấm là nơi để yêu thương, không phải là nơi để nói lý hay tranh luận đúng sai, ai là người có lỗi… Bởi tranh cãi dẫu đúng sai rõ ràng rồi thì tình yêu thương cũng sẽ vơi dần, thậm chí không còn nữa.

Có một cặp vợ chồng đã chung sống hòa thuận cùng nhau mấy chục năm, trải qua biết bao khó khăn mưa gió. Một ngày, hai vợ chồng đi ăn cưới thì được hỏi bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân mấy chục năm qua.

Người chồng vừa cười vừa trả lời: “Bí quyết chỉ có một từ: Nhẫn”.

Người vợ đứng bên cạnh người chồng, cười nói: “Thêm một từ: Nhịn”.

Mọi người chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, sao tránh được những vấp váp, mâu thuẫn xảy ra. Thế nên giữa các thành viên với nhau phải biết nhường nhịn. Nhân sinh một đời, có duyên chung sống cùng nhau đã là việc không hề dễ dàng. Vậy nên, biết trân trọng tình cảm của nhau thì hôn nhân mới có thể lâu bền, gia đình mới có thể hạnh phúc.

Chuyên cần

Chăm chỉ chuyên cần là cách nuôi dưỡng sự thành công. Ngày nay, nhiều gia đình ra sức nuông chiều và thỏa mãn nhu cầu của con cái. Cha mẹ thường sợ con mình sẽ phải chịu khổ, chịu mệt… Kết quả là dưỡng thành những đứa trẻ không biết chăm chỉ làm việc, không nguyện ý chịu trách nhiệm.

Những đứa trẻ này thường chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ, hơn nữa trở nên ham hư vinh và lười biếng. Chúng khi còn bé ở nhà thì cái gì cũng không làm, ngửa tay là được cho tiền, khi trưởng thành cũng vẫn như cũ, sẽ không thể tự lực cánh sinh, gánh vác cuộc sống của mình.

Tăng Quốc Phiên từng nói, một gia đình có hưng vượng hay không chỉ cần nhìn vào ba điểm là biết rõ.

Thứ nhất: Nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ. Nếu như ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới bắt đầu dậy thì gia đình này đang từ từ lười biếng mà đi xuống.

Thứ hai: Nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không? Bởi vì thói quen làm việc sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người.

Thứ ba: Nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân thánh hiền hay không? Bởi vì người không học sẽ không hiểu nghĩa lý và không biết đạo lý.

Bởi vậy trong gia đình, người lớn cần chăm chỉ, hơn nữa cần khiến thế hệ sau biết tự mình cố gắng, tự mình đi làm việc. Đây mới là món quà tốt nhất mà cha mẹ nên dành tặng cho con, cũng là hành trang đảm bảo nhất để con bước vào đời.

Đọc sách

Đọc sách kinh điển là cách để bồi dưỡng đức hạnh. Đối với một gia đình mà nói, không có thói quen nào tốt hơn thói quen đọc sách. Thông qua đọc sách, chúng ta có thể “làm bạn” với các nhà hiền triết, các bậc giác ngộ, tìm thấy câu trả lời cho những nghi hoặc trên con đường nhân sinh. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta có thêm tri thức, mở mang trí tuệ mà còn giúp chúng ta thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan.

Gia tộc họ Bùi ở Văn Hỷ, Sơn Tây, Trung Quốc là một ví dụ. Gia tộc này đã kế thừa và phát huy truyền thống đọc sách tới 2.000 năm lịch sử, và trở thành đại thế gia đầu tiên lừng danh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Theo tổng kết trong “Gia phả của họ Bùi”, gia tộc họ Bùi có 59 vị tể tướng, 59 vị đại tướng quân, 14 vị trung thư thị lang, 55 vị thượng thư, 44 vị thị lang, 11 thị hầu, 10 ngự sử, 25 tiết độ sứ, 211 sử quan, 77 thái thú…

Một trong những bí quyết của gia tộc họ Bùi chính là giáo dục việc đọc sách. Họ cho rằng con người không đọc sách thì không biết đạo lý, cũng chỉ như con trâu con bò chỉ biết kéo xe. Học mà không hành thì cũng không đủ.

Gia tộc này còn có một quy tắc, đó là nếu người nào không thi đỗ tú tài thì không được bước chân vào từ đường của dòng họ. Vậy nên, trong gia tộc từ trên xuống dưới, vô luận là nam hay nữ, già hay trẻ đều có một thói quen đọc sách, yêu thích đọc sách. Những thành viên trong gia tộc họ Bùi nhờ vậy mà ngày càng phát triển, khi thực hành theo kinh điển thì đồng thời tích đức hành thiện, phát triển sự nghiệp. Điều này là vô cùng hiếm thấy trong lịch sử.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: