“Lấy trứng chọi đá” thường được mọi người sử dụng để chỉ việc một người không biết lượng sức mình mà tự rước lấy thất bại, diệt vong. Tuy nhiên, thành ngữ này lúc ban đầu không có ý nghĩa như vậy.

Một hàm nghĩa khác của cách nói "lấy trứng chọi đá"
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

“Lấy trứng chọi đá” xuất phát từ thành ngữ cổ “Dĩ noãn kích thạch”, về nghĩa đen là chỉ việc đối kháng giữa mạnh và yếu, nếu dùng cực yếu đối kháng với cực mạnh thì nhất định sẽ bị thất bại. Câu thành ngữ này xuất phát từ cuốn “Mậc Tử”, thiên “Quý nghĩa”. Mặc Tử là một triết gia nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc, tên thật là Mặc Địch.

Chuyện chép rằng một hôm, Mặc Địch đi đến nước Tề ở phương bắc, trên đường đi gặp một người đàn ông. Người này nói với Mặc Địch rằng: “Ông không thể đi đến phương bắc. Hôm nay Thượng Đế giết hắc long ở phương bắc, sắc da của ông rất đen, đi đến phương bắc là điềm xấu, đừng đi chịu chết!”.

Mặc Địch nói với người đàn ông kia: “Những gì ông nói không phù hợp với lý của tôi. Tôi không tin lời ông”. Nói xong, Mặc Địch vẫn cứ tiếp tục đi về phương bắc.

Nhưng vì phương bắc nước dâng cao, không cách nào qua sông được nên Mặc Địch phải quay trở lại. Người đàn ông kia đắc ý nói: “Tôi đã nói là ông không thể đi đến phương bắc mà.”

Mặc Địch mỉm cười trả lời:

“Nước sông Tri dâng cao, người ở hai bờ nam bắc đều bị cách trở. Trong đám người đi, có người da sắc đen cũng có người da sắc trắng, ai nấy đều không qua được. Nếu như Thượng Đế giết thanh long ở phương đông, giết xích long ở phương nam, giết bạch long ở phương tây, rồi lại giết hoàng long ở trung ương thì chẳng phải là mọi người trong thiên hạ đều không hoạt động được sao? Lời nói hoang đường của ông ngăn không nổi đạo lý của tôi đâu, bằng như lấy trứng mà chọi đá.”

Người đàn ông kia xấu hổ không nói được lời nào liền rời đi.

Bởi vậy trong quá khứ, “Lấy trứng chọi đá” vốn có ý tứ là, khi một người dùng những lời nói không có đạo lý để phê bình và quở trách thì cho dù lời nói có nhiều và ngông cuồng đến đâu đi nữa cũng không thể lay chuyển được sức mạnh của chân lý. 

Người xưa coi trọng chân lý. Một chính nhân quân tử sẽ giữ được ý chí và tiết tháo kiên định, không dễ dàng thay lòng vì vật chất cám dỗ. Những cám dỗ về danh lợi tình đối với họ cũng chỉ giống như lấy trứng chọi đá vậy. Cho dù không có quan tước hiển vinh và giàu sang phú quý thì họ vẫn luôn là tấm gương cho người khác về nhân cách, về đạo đức cao thượng không gì lay chuyển được. Giống như câu nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục.

Chính vì hiểu rõ những đạo lý làm người làm việc mà bậc thánh hiền, minh quân, danh thần hay những người có học thời xưa đều có thể giữ vững được ý chí của mình một cách kiên định, không dễ dàng bị những lời gièm pha làm cho lung lay, thay đổi. 

Còn có một điển cố khác về “lấy trứng chọi đá” được ghi chép trong cuốn “Tuân Tử nghị binh”. Có một lần, Tuân Tử bàn luận việc nhà binh với Lâm Võ Quân. Lâm Võ Quân nói rằng: “Kẻ dùng binh giỏi bao giờ cũng ‘quyền mưu thế lợi’ và ‘công đoạt biến trá’, như thế có thể vô địch thiên hạ”.

Tuân Tử không đồng ý với quan điểm này, chủ trương “nhân nhân chi binh”, dùng sự nhân từ, dùng nhân nghĩa để dấy binh, được lòng người mới được thiên hạ. Tuân Tử còn nói rằng nếu lấy “công đoạt biến trá” của hôn quân bất nghĩa mà đấu với “nhân nhân chi binh” của minh quân đại nghĩa, thì kết quả giống như lấy trứng chọi đá, lấy ngón tay nhúng vào nước sôi, giống như nhảy vào nước sâu vào lửa cháy mà bị chết chìm và chết cháy.

Về sau “Lấy trứng chọi đá” trở thành thành ngữ nổi tiếng được sử dụng phổ biến, nhưng dần dần biến nghĩa, chỉ việc một người cố chấp không biết tự lượng sức mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: