Các hoa văn truyền thống với nhiều hình thù và màu sắc đa dạng đều hàm chứa lý niệm “Thiên nhân hợp nhất”, thể hiện mối liên hệ hợp nhất giữa con người và Thiên thượng. Đồng thời chúng cũng thể hiện ước mong nhận được sự che chở bảo hộ của Thần Phật, của Trời cao đối với con người. Dưới đây là một số loại hoa văn thường được người xưa sử dụng nhất, mang ý nghĩa cát tường may mắn, phú quý đủ đầy.

Hoa văn Mây

Hoa văn hình các áng mây là một trong những loại hoa văn được sử dụng phổ biến nhất. Hoa văn mây nguyên ban đầu là chỉ áng mây bảy sắc, áng mây này thường xuất hiện cùng các vị Thần Tiên. Theo sử sách ghi chép lại, các vị Đế vương thời cổ đại cũng thường có áng mây hộ thân. Đó là bởi vì cổ nhân tin tưởng rằng những quý nhân đại đức luôn được Thượng thiên che chở.

Một số hoa văn truyền thống mang ý nghĩa phú quý cát tường
Cặp lồng tráng men có hoa văn mây thời nhà Thanh hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Về sau, áng mây dần dần trở thành từ ngữ biểu đạt cát tường may mắn và được nhắc đến rất nhiều trong thơ ca văn học. Thời cổ đại mọi người đều tin rằng phía trên áng mây là Thiên giới, có các vị Thần, cũng có Tiên nữ xinh đẹp. Cổ nhân đặc biệt yêu thích các họa tiết đám mây, điều này dường như cũng cho thấy sự khao khát bên trong nội tâm của con người đối với Thiên giới.

Hoa văn chim Phượng

Phượng Hoàng là một loài chim thần trên thiên giới, con trống được gọi là Phượng, con mái được gọi là Hoàng. Phượng Hoàng chỉ xuất hiện khi nhân gian ở vào cảnh thái bình thịnh thế. Mỗi khi xuất hiện, Phượng Hoàng chỉ chọn đậu trên cây ngô đồng, uống nước suối mát ngọt và có phẩm tính cao thượng. Cổ nhân cho rằng các loài chim trên thế gian đều là con cháu của Phượng Hoàng. Trong sách “Sơn Hải Kinh”, “Hoài Nam Tử” “Trang Tử” đều có ghi chép về loài chim này.

Phuong hoang
Chiếc bình có hoa văn chim Phượng và mây được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Từ thời nhà Thương trở đi, hình tượng chim Phượng Hoàng đã được khắc họa rõ nét trên các loại văn vật khác nhau. Một trong số các món đồ bằng ngọc có hình Phượng Hoàng được biết đến sớm nhất là vật phẩm dùng trong tang lễ cho vợ của vua Thương Vương Võ. Trong đồ thủ công mỹ nghệ của các triều đại từ đó đến nay, hình tượng Phượng Hoàng ngày càng tinh xảo và phức tạp, với nhiều hình dáng khác nhau, phổ biến là Phượng Hoàng bay, Phượng đứng, Phượng Hoàng cuộn tròn, cặp Phượng Hoàng (Loan Phượng).

Hoa văn Mây và Sấm sét

Vân Lôi văn (hoa văn mây và sấm sét) là một loại hoa văn có dạng hình học nối liền. Trong đó, hoa văn hình vuông tượng trưng cho sấm sét, hoa văn hình tròn tượng trưng cho đám mây. Hình vuông và hình tròn cắt nhau tượng trưng cho mây và sấm sét trên trời. Trong “Kinh Dịch” viết: “Vân lôi truân, quân tử dĩ kinh luân”, ý nói khi mây mù, sấm sét xuất hiện thì vạn vật sinh sôi, chính là thời cơ để người quân tử siêng năng gây dựng sự nghiệp.

Một số hoa văn truyền thống mang ý nghĩa phú quý cát tường
Chiếc đỉnh được khảm hoa văn mây và sấm sét được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong các khí cụ bằng đồng thời Thương Chu, hoa văn mây và sấm sét được sử dụng rất phổ biến, hình dáng vừa trang trọng lại vừa thanh nhã. Vào các triều đại sau này, người ta dựa trên cơ sở hoa văn Vân Lôi này để sáng tạo ra các loại hoa văn uốn lượn khác nhau. Trong dân gian, loại hoa văn này mang ý nghĩa chỉ phú quý không ngừng, không bị đoạn đứt, kéo dài mãi mãi.

Hoa văn Rồng

Trong các sách chính sử, dã sử hay các tài liệu ghi chép ở các địa phương của phương Đông đều có đề cập đến sự xuất hiện của Rồng. Trong các tác phẩm hội họa hay điêu khắc, tạo hình Rồng đều khá tương đồng. Sừng của Rồng giống như sừng của hươu. Vảy Rồng giống như vảy của cá chép. Móng vuốt của nó giống như móng vuốt của chim ưng, còn thân lại giống như thân rắn.

Hoa van rong
Chiếc hộp sơn đen mạ vàng có hoa văn Rồng được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Rồng phương Đông và Rồng phương Tây là hai loài hoàn toàn khác nhau, nhưng do sai sót trong phiên dịch mà bị đánh đồng. Rồng phương Tây được coi là loài thú hung dữ và độc ác, có thể được coi là đến từ Địa ngục. Còn Rồng phương Đông là một loại thần thú, có thể hô mưa gọi gió, cưỡi mây đạp gió. Trong văn hóa Phật giáo, Rồng cũng là sinh mệnh trên Thiên giới, là hộ pháp. Thời cổ đại, Rồng có địa vị cao nhất, tượng trưng cho địa vị tôn quý của Hoàng đế. Chính vì lẽ đó, hoa văn Rồng là một trong những hoa văn được sử dụng phổ biến nhất. Theo truyền thuyết Rồng sinh chín con, mỗi con lại khác nhau, chủng loại của Rồng rất phong phú. Hình dáng của Rồng cũng rất đa dạng, các Hoàng đế đời Thanh thường sử dụng hoa văn Rồng ngồi hoặc đứng với bàn chân có 5 móng vuốt, trong dân gian dùng hoa văn Rồng uốn tròn với bàn chân có 3 hoặc 4 móng vuốt. Hoa văn Rồng cũng thường được phối hợp với hoa văn Phượng, mây, nước hay ngọc để chỉ sự phú quý cát tường.

Hoa văn Kỳ Lân

Thời cổ đại, Kỳ Lân được coi là thần thú cát tường. Trong các sách cổ miêu tả Kỳ Lân có đầu giống như đầu Rồng, hình dạng giống ngựa, đuôi như đuôi trâu, lông trên lưng có năm màu sắc, lông bụng có màu vàng. Kỳ Lân có tính cách ôn hòa, không làm hại người và vật, không giẫm đạp hoa cỏ. Trong “Tống thư” ghi lại thì Kỳ Lân cũng được gọi là nhân thú, tức là loài thú nhân từ. Cũng giống như Phượng Hoàng, Kỳ Lân có trống và mái. Con trống gọi là Kỳ, con mái gọi là Lân.

Trên trang phục, đồ trang sức hay đồ trang trí nhà cửa, cổ nhân vẽ hay điêu khắc hoa văn Kỳ Lân để cầu mong may mắn, trường thọ, cầu phúc cầu an.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: