Thời cổ đại, lễ nghi ẩm thực là một chuẩn mực xã hội mà người người đều phải tuân theo. Mọi người đều có thể từ lễ nghi trong bữa ăn mà nhìn ra được nền tảng văn hóa và mức độ giáo dục gia đình. Lễ nghi ẩm thực còn được sử dụng làm gia huấn của rất nhiều gia đình, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một phần văn hóa truyền thống.

Một số lễ nghi trong bữa ăn hàng ngày của người xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Bày biện cơm

Ngay với việc bày biện, sử dụng cơm và thức ăn, người cổ đại đều có những quy định rất nghiêm. Trong “Lễ Ký. Khúc lễ” ghi lại: Khi bày biện món ăn thì các món ăn có xương được đặt bên trái, các món đã thái nhỏ băm nhỏ được đặt ở bên phải, các món khô được đặt bên tay trái, món canh đặt ở bên tay phải, các món thịt đã thái nhỏ hoặc nướng thì đặt ở xa hơn so với các loại nước chấm, các loại nước gia vị đặt ở cùng một bên và các loại nước uống được đặt ở cùng một bên. Nếu cần chia các món khô như thịt khô thì phần thịt không thẳng được đặt bên trái, phần thẳng được đặt bên phải.

Bộ quy tắc này cũng được ghi chép chi tiết trong “Lễ Ký. Tiểu nghi”. Khi mang đồ ăn lên bàn thì tay trái bưng bê còn tay phải nắm giữ. Đối với món cá, nếu là cá kho thì đặt phần đuôi hướng về phía khách, mùa đông thì đặt phần bụng hướng về phía bên phải khách, mùa hè thì đặt phần sống lưng cá hướng về phía phải của khách.

Lễ nghi trong bữa ăn

Về phương diện hành xử trong bữa ăn, người cổ đại cũng đưa ra những quy định chi tiết về lễ nghi. Trong“Lễ Ký. Khúc lễ” đề xuất các quy tắc sau:

“Cộng thực bất bão”, nghĩa là khi cùng ăn với người khác thì không thể chỉ lo mình được ăn no.

“Cộng phạn bất trạch thủ” khi cùng ăn thì phải giữ tay sạch sẽ, không để tay có mồ hôi rơi vào đồ ăn.

“Vô đoàn phạn” ý nói là khi ăn cơm không nên năm cơm lại thành nắm to để ăn, nên ăn từng miếng từng miếng một.

“Vô phóng phạn” nghĩa là cơm đã sắp cho vào miệng mình rồi thì không nên bỏ lại vào nồi cơm chung, như thế sẽ khiến người khác thấy không được vệ sinh.

“Vô lưu xuyết”, không nên và ăn liền một lúc hay húp canh một hơi dài bởi vì như vậy sẽ khiến người khác cảm thấy mình ăn nhanh ăn nhiều, ăn tham, sợ không đủ ăn.

“Vô khẩu tha thực”, khi nhai thức ăn đừng để lưỡi phát ra tiếng động trong miệng, như thế sẽ khiến người cùng mâm cảm thấy rất khó chịu mà chủ nhà cũng sẽ nghĩ rằng bạn không hài lòng với bữa ăn của họ.

“Vô ngão cốt”, không nên chăm chú gặm xương. Bởi vì khi gặm xương sẽ dễ dàng phát ra âm thanh không hay khiến người bên cạnh khó chịu, đồng thời cũng khiến người ăn cùng có cảm giác bất nhã bất kính.

“Vô phản ngư nhục”, tức là thịt cá mà bản thân đã ăn qua nhưng vì không muốn ăn nữa thì cũng không được đặt lại bàn ăn mà phải tiếp tục ăn cho xong.

“Vô đầu dữ cẩu cốt”, làm khách thì hạn chế gặm xương, cũng không được ném miếng xương cho chó ăn.

“Vô cố hoạch”, đừng vì thích ăn một món ngon nào đó trên bàn mà chỉ ăn cho hết món đó hoặc lấy riêng món đó, hoặc tranh giành để ăn.

“Vô dương phạn”, không nên vì để được ăn cơm nhanh hơn mà dùng dụng cụ như đũa, thìa nâng cơm lên để tản nhiệt nhanh, cho chóng nguội.

“Phạn thử vô dĩ trứ”, khi ăn cơm kê thì không nên dùng đũa, nhưng cũng không được dùng tay bốc mà nên dùng thìa. Đũa được dùng riêng cho các món cơm gạo và thức ăn thông thường.

“Canh chi hữu thái giả dụng khoái”, nghĩa là trong bát canh mà có thức ăn thì cần phải dùng đũa gắp đồ ăn để ăn, còn nếu như trong bát canh không có thức ăn thì có thể uống trực tiếp mà không cần dùng đũa.

“Vô nhứ canh”, làm khách thì không nên tự mình nêm nếm thêm các món ăn, bởi vì nếu làm như vậy sẽ tạo ấn tượng món ăn không được làm đúng ý, không ngon.

“Vô thứ xỉ”, khi ăn thì không nên xỉa răng, phải đợi đến khi ăn xong mới được làm.

“Vô toát chích”, đối với những món thịt nướng, thịt quay thì không nên ăn miếng to một, khiến cho người ăn bị “phồng má trợn mắt”, “ăn nuốt ngốn ngấu”, dáng vẻ khó coi.

“Đương thực bất thán”, khi ăn cơm không nên ca thán, thở dài, làm như vậy sẽ khiến không khí bữa ăn trở nên nặng nề, không còn hòa khí.

Những lễ nghi ăn uống này đã không ngừng được hoàn thiện trong thực tiễn xã hội. Nó đóng một vai trò quan trọng trong xã hội cổ đại và vẫn còn ảnh hưởng đến xã hội hiện đại, trở thành một phần của quy tắc ứng xử trong thời đại văn minh. Chính vì thế, nó cũng thể hiện ra sự tu dưỡng, tầm hiểu biết lễ nghi của một người, là cách để mọi người dựa vào khi lựa chọn kết giao trong làm việc và đời sống hàng ngày.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: