Đông Chí là một trong những tiết khí quan trọng nhất của năm, chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa truyền thống. Nó là thời điểm luân chuyển quý tiết và cũng là thời điểm gia đình đoàn tụ. Vì vậy, vào ngày Đông Chí, người xưa có những tập tục cũng như những cấm kỵ.

Một số tập tục và kiêng kỵ vào ngày Đông Chí
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Đông Chí là tiết khí thứ 22 trong 24 tiết khí, đồng thời cũng là tiết khí thứ 4 trong mùa đông. Vào ngày này, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu thẳng vào đường chí tuyến nam khiến cho những người ở Bắc bán cầu được nhận thời gian ánh sáng mặt trời chiếu ít nhất. Nói cách khác, Đông Chí là ngày trong năm có thời gian ban ngày ngắn nhất và thời gian ban đêm dài nhất. Chính vì thế, Đông Chí còn được gọi là “Trường chí” hoặc “Đoản chí”. Bởi một số đặc thù như vậy nên vào ngày Đông Chí, dân gian từ xưa đã có một số tập tục và cấm kỵ nhất định.

Theo sử sách ghi chép, lễ tế ngày Đông Chí xuất hiện vào thời nhà Chu và đã phát triển thành một lễ hội phổ biến vào thời nhà Hán. Trong phần “Lễ nghi chí” của “Hậu Hán Thư” viết về tình cảnh ngày Đông Chí của vương triều Đông Hán: “Trước và sau Đông Chí, quân tử an thân tĩnh thể, quan viên nghỉ làm, không nghe việc chính sự”. Từ đó có thể thấy, Đông Chí thời Hán không chỉ là ngày tốt lành để mọi người cùng nhau ăn mừng, mà còn trở thành ngày nghỉ, ngày quốc lễ được triều đình vô cùng coi trọng. Trong dân gian còn coi ngày này là “Á Tuế” (Tết nhỏ).

Việc tế Trời vào ngày Đông Chí là đại sự quan trọng nhất. Vào ngày này, Thiên tử dẫn các quan trong triều đến Thiên đàn tế Trời. Dân chúng ở các nơi cũng tổ chức hoạt động cúng tế, được gọi là lễ “Tạ đông” để cảm tạ Trời, tổ tiên. Cũng là để mong Trời, tổ tiên phù hộ, mang đến cho mọi người một năm mới mưa thuận gió hòa, cả nhà bình an, cầu mong một năm tới sẽ suôn sẻ và hạnh phúc.

Thời nhà Hán, vào ngày Đông Chí, tiếng binh tiếng trống đều im bặt, mọi người được năm ngày nghỉ phép. Các cửa khẩu cũng đóng cửa, vì vậy mọi người phải về quê trước ngày Đông Chí. Mỗi hộ gia đình đều tổ chức cúng tế, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để thờ cúng tổ tiên và mở tiệc mừng. Món ăn đặc trưng được dùng trong ngày này là bánh trôi nước hay sủi cảo với ý nghĩa đoàn viên, may mắn.

Ngoài những tập tục này ra, vào ngày Đông Chí cổ nhân cũng kiêng kỵ một số điều. Người xưa cho rằng Đông Chí là ngày “âm cực chi chí, dương khí khai sinh” (âm khí đi đến cùng cực và dương khí bắt đầu tăng) nên những kiêng kỵ cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

Trước hết, vào ngày Đông Chí cổ nhân kiêng kỵ việc tranh cãi hay nói những điều không may. Đông Chí là tiết khí quan trọng, là ngày đoàn viên sum vầy nên không được tranh cãi, trêu chọc đùa cợt khiến đôi bên mâu thuẫn. Cũng không được tùy tiện mắng người khác hay nói những lời không may mắn. Bởi vì ngày Đông Chí có sự hoán chuyển âm dương rất lớn nên dễ khiến người ta xảy ra xung đột.

Thứ hai là tránh ra ngoài vào ban đêm, đặc biệt là nữ nhân. Vào khoảng 5 – 6 giờ ngày Đông Chí, trời sẽ dần tối. Theo phong tục dân gian, lúc này dương khí của con người sẽ dần suy yếu, hơn nữa do thời gian có ánh nắng mặt trời ngắn lại nên nhiệt độ không khí sẽ trở nên lạnh hơn. Đây cũng là nguyên do cổ nhân cho rằng Đông Chí là ngày có âm khí đặc biệt nặng. Khi trời tối, không được ở bên ngoài và còn phải tránh mặc trang phục toàn màu đen hoặc toàn màu trắng.

Người xưa cũng tránh thức đêm vào ngày Đông Chí. Vì dương khí của con người suy yếu vào ban đêm mà vào ngày này âm khí càng thêm tràn đầy, nên mọi người cần ngủ sớm, tránh thức đêm để không bị khí âm tà quấy nhiễu.

Cổ nhân không làm những việc đại sự như kết hôn, xây nhà, động thổ vào trước hoặc sau ngày Đông Chí. Bốn ngày trước của ngày lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông được gọi là “Tứ tuyệt nhật”. Bốn ngày này là ngày quý tiết giao nhau, thời tiết thay đổi, âm dương hỗn độn. Tứ tuyệt là kết thúc của bốn mùa. Ngày trước lập xuân chính là ngày cuối cùng của mùa đông, ngày trước lập hạ là ngày cuối cùng của mùa xuân, ngày trước lập thu chính là ngày cuối cùng của mùa hạ, ngày trước lập đông chính là ngày cuối cùng của mùa thu. Ngày tứ tuyệt là ngày cùng tận nên không cát tường. Mặt khác, theo ngũ hành thì “tứ tuyệt nhật” đối ứng với mộc vượng thủy tuyệt, hỏa vượng mộc tuyệt, kim vượng thổ tuyệt, thủy vượng kim tuyệt. Như thế là ngũ hành thiên khô, thuộc loại ngày hung, không may mắn.

Ngoài ra, bởi vì “tứ tuyệt nhật” là ngày luân phiên của quý tiết, toàn bộ sinh linh phải thích ứng với sự biến hóa của quý tiết nên vào ngày này hành vi của con người nên là tu thần dưỡng tính, điều tiết cảm xúc, bảo trì tâm thái an tĩnh, nội liễm, không được phóng túng, tránh chuyện phòng the.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: