Lê Quý Đôn được xem là một nhà bác học hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng về công trình trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực kiến thức của thời đại. Mặc dù còn những thiếu sót về mặt đức hạnh, nhưng ông cũng xứng là một tấm gương trong lĩnh vực học thuật của Đại Việt vào thế kỷ 18.

Một số thành tựu của nhà bác học Lê Quý Đôn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Xuất thân

Cha Lê Quý Đôn là Lê Phú Thứ, hiệu là Trúc Am tiên sinh, đại thần thời Lê Trung Hưng. Ông Lê Phú Thứ được xưng tụng là thần đồng, làm quan nổi tiếng thanh liêm trong ngoài.

Các đời chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, Lê Phú Thứ đều có khải can gián Chúa, xem xét lại những bất công trong triều. Ông cũng nổi tiếng vì bảo vệ những công thần bị hàm oan vu cáo, được chúa Trịnh Doanh tin tưởng trọng dụng.

Năm 1726, vợ ông Lê Phú Thứ là bà Trương Thị Ích sinh được con trai đầu lòng ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hai ông bà đặt tên con là Lê Danh Phương.

Từ bé Danh Phương thông minh, có trí nhớ tốt, lại ham học, nức tiếng là thần đồng. Lên 5 tuổi Danh Phương đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi; năm 12 tuổi đã đọc rất nhiều sách trong Bách Gia; năm 14 đã đọc hết các Kinh, Sử của Nho gia mà mình có được.

Danh Phương theo cha đến kinh thành Thăng Long tiếp tục việc học của mình.

Đỗ đầu cả 3 kỳ thi

Năm 1743 khi 17 tuổi, Danh Phương dự kỳ thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên. Lúc này có một người trùng tên là Nguyễn Danh Phương nổi dậy chống lại triều đình, vì thế Lê Danh Phương quyết định đổi tên là Lê Quý Đôn.

Trong 10 năm, Lê Quý Đôn thi Hội mấy lần không đỗ, ông cũng dành thời gian dạy học và viết sách. Cuốn sách “Đại Việt thông sử” được ông hoàn thành trong thời gian này.

Năm 1752 khi đã 26 tuổi, Lê Quý Đôn tham dự ký thi Hội và đỗ đầu tức Hội nguyên, và đến thi Đình ông lại đỗ đầu tức Bảng nhãn (do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên).

Bỏ tính kiêu căng ngạo mạn

Bấy giờ Lê Quý Đôn tự tin đã đọc hết các sách đáng đọc trong thiên hạ, qua thiên kinh vạn quyển nên rất tự tin, lại đang tuổi trẻ nên mới sinh ra kiêu căng tự phụ, cho người làm tấm biển treo ngay trước ngõ vào nhà mình với hàng chữ: “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn”, nghĩa là trong thiên hạ, ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi.

Nhưng sau vài lần bị thế hệ người già giáo huấn, Lê Quý Đôn tự thấy kiến thức mình còn kém, nên bỏ đi tính kiêu ngạo. Ông sai người cất tấm bảng đó đi, chuyên tâm nghiên cứu, trau dồi.

Cống hiến trên rất nhiều lĩnh vực

Lê Quý Đôn có nhiều cống hiến cùng những tác phẩm trải rộng trên nhiều lĩnh vực: triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học… Những tác phẩm của ông có đến 40 bộ bao gồm hàng trăm quyển, một số bị thất lạc.

Ba tác phẩm có giá trị và nổi tiếng bậc nhất đều được ông viết trước năm 30 tuổi: “Quần thư khảo biện” là tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị; “Vân đài loại ngữ” được xem là bách khoa toàn thư về nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học, văn học…; và cuốn “Đại Việt thông sử” hơn 100 năm triều đại nhà Lê, có nhiều chi tiết các bộ sử khác không có.

Ngoài ra ông còn có những tác phẩm lớn như “Kiến văn tiểu lục” nói về lịch sử văn hóa từ nhà Trần đến nhà Lê, bao gồm kiến thức về thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở…

Tri thức trên các lĩnh vực đều được bao quát trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn. Bởi vậy ông được rất nhiều người nể phục.

Lê Quý Đôn cũng là người thầy xuất sắc, tạo ra nhiều học trò giỏi. Trong cuốn “Vân đoài loại ngữ” Lê Quý Đôn đã phê phán các Nho sĩ bấy giờ chỉ lo nhồi nhét kinh điển, ông đề xuất thay đổi “Giáo khoa phải dạy cả lục nghệ, trong đó cả văn tự và vũ bị”.

Với rất nhiều công trình và tác phẩm như vậy, sử gia Phan Huy Chú nhận xét về Lê Quý Đôn như sau: “Ông là người học vấn rộng, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”.

Khuyết thiếu đáng tiếc

Về mặt học thuật, bao quát đương thời và trong một thời kỳ lịch sử rất dài, có thể nói ít ai sánh được với Lê Quý Đôn. Tuy nhiên ông cũng có điểm chưa làm được trọn vẹn.

Vào khoa thi Hội 1775, Lê Quý Đôn đã điều đình với học trò giỏi của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình là Lê Quý Kiệt.

Không ngờ khoa ấy chúa Trịnh đánh cược với vua Lê, cho rằng Thì Trung đỗ đầu, dẫn đến việc duyệt lại bài thi, khám phá ra việc đổi quyển.

Từ chuyện này, học trò đắc ý của Lê Quý Đôn bị đi đày, con ông bị giam rồi giáng làm dân thường. Có thể nói Lê Quý Đôn thành bởi học thức, mà chính chuyện thi cử học thức lại để lại vết đen lớn nhất trong đời ông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: