Hồi còn học trung học tôi ít khi vào thư viện, thỉnh thoảng mới tạt vào thư viện Hội Việt Mỹ ở đường Mạc Đỉnh Chi.

Thư viện này rộng lớn, có máy lạnh, là nơi trốn nắng lý tưởng, có khi trốn cả mưa nữa. Vào thư viện không phải đọc sách mà để đọc báo… chùa. Thư viện thỉnh thoảng tổ chức triển lãm tranh ảnh, sách báo. Tôi nhớ có lần triển lãm mấy cục đá trên mặt trăng do phi thuyền Apollo 16 hay 17 gì đó mang về. Đá chị Hằng không đẹp, sần sùi, nhưng bài trí trong phòng ánh sáng xanh tím dịu, đẹp lung linh.

Lên đại học, tôi mới vào thư viện thường hơn. Vào thư viện không phải để mượn sách hay tìm tài liệu (dù có thẻ thư viện), mà vào để học. Thi rớt đi lính, rất phiền cho cuộc đời. Thật ra thì không hẳn sợ rớt đi lính – tôi tự tin sức học của mình có thể pass – mà học vì khao khát kiến thức, mơ mộng thành… khoa học gia này nọ. Tôi tin hầu hết các bạn bên ngành khoa học đều có tâm trạng như vậy. Tuổi trẻ thường hoang tưởng trèo cao, càng cao càng té đau. Năm 75 đứt phim, đau điếng.

Khi đầu óc bão hòa, nhét chữ không vào, thì kiếm tờ báo đọc. Hai thư viện tôi thường vào: Đó là thư viện Đắc Lộ ở đường Yên Đổ. Thư viện này nằm trong khuôn viên Trung tâm Đắc Lộ của Dòng Tên. Không chỉ có thư viện mà nơi đây còn có studio làm các show truyền hình về giáo dục cho giới trẻ, có khi hóng chuyện nghe những nhân viên trong đó bàn chuyện làm chương trình khoa học phổ thông, sức khỏe, đời sống cũng thấy hào hứng. Chỉ nghe chứ tôi chưa xem show của họ trên TV bao giờ.

Một thời thư viện
(Ảnh: Facebook Trung tâm Đắc Lộ)

Mấy linh mục Dòng Tên kiến thức uyên bác và phóng khoáng, phóng đến độ bị Vatican đì mấy thế kỷ. Nhưng phóng khoáng lại dễ hòa đồng, giới trẻ thích mấy cha Dòng Tên, bất kể lương giáo. Tu viện có mấy ông cha Tây, tôi lân la tán phét, xổ tiếng Anh,.. Trời đất, có ông cha nói tiếng Việt sõi như người Việt, xài cả tiếng lóng như bọn trẻ. Tôi không nhớ nổi tên cha Tây này, chỉ quen gọi là cha Sáu.

Sau năm 75, các cha Tây bị trục xuất về nước. Tôi nghe nói cha Sáu có thời gian qua các trại tị nạn ở Malaysia giúp đỡ dân Việt vượt biên ở đó. Hình như cha mất rồi thì phải…

Còn trung tâm Đắc Lộ thì bị tịch thu, làm tòa soạn báo Tuổi Trẻ và nhà in. Sau này nghe nói chính quyền có trả lại cho nhà dòng một phần – một phần to nhỏ thế nào tôi không rõ.

Chán chữ nghĩa thì đạp xe ra cà phê Lá Me đàn đúm bè bạn ở vỉa hè đường Duy Tân, ngắm người đẹp Văn Khoa, Luật khoa, và cả Trưng Vương nữa. Chán hơn nữa thì ra đường Cường Để, ngược về phía bến Bạch Đằng là đoạn đường vắng vẻ êm đềm, với những hàng cây cổ thụ lâu đời, rễ cây mọc trồi cả lên mặt đường.

Hai bên đường là những biệt thự cổ kính: bên phải nghe nói là tư dinh của đại tướng Lê Văn Tỵ, đan viện Cát Minh, bên trái là Đại chủng viện, nhà nguyện, dòng tu. Con đường này ít người qua lại vì đoạn cuối là căn cứ quân sự Hải quân.

Gửi xe ở Đại học Văn Khoa, rồi thả bộ trên đường Cường Để vào buổi chiều, nghe tiếng ve kêu, tưởng như ngược dòng thời gian cách nay mấy thế kỷ bên Châu Âu. Một đoạn đường yên bình trong thời chiến tranh, êm đềm đến độ có lần tôi làm… thơ. Tôi nhớ mang máng, bài thơ chỉ có hai câu. Đó là bài thơ “tử tế” đầu tiên (và cũng là cuối cùng trong đời tôi). Đừng ai hỏi tôi về hai câu thơ này, tôi quên sạch rồi.

Thư viện thứ hai tôi thường vào là Trung tâm Văn hóa Đức ở đường Phan Đình Phùng, hình như bây giờ là Tòa Lãnh sự Đức. Thư viện này rất yên tĩnh, ít người, nên tôi vào nhiều hơn. Có những chiều mưa, nhìn qua khung cửa kính, thấy bâng khuâng. Thời tuổi trẻ thật đẹp!

Sau 75 là thời phần thư khanh nho, Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho, người ta đốt sách chôn sự thật, chôn cả tự do.

Đường Cường Để đã đổi tên, và giờ đây là con phố ồn ào, náo nhiệt, quán xá, thương xá, cao ốc, xe cộ… Với tôi, đường Cường Để là con đường đẹp nhất Sài Gòn, chỉ còn tìm thấy trong ký ức.

Cà phê Lá Me cũng không còn… Còn nhiều thứ khác nữa cũng không còn, không chỉ con đường hay quán xá, mà cả tinh thần của người Sài Gòn cũng đang mờ dần.

Hơn 45 năm rồi, tôi không còn vào những thư viện năm xưa đó nữa. Thư viện của tôi là các quầy sách cũ ở đường Bùi Quang Chiêu (nay là Đặng thị Nhu), đọc sách chùa cả tiếng đồng hồ, mà chủ quầy chưa bao giờ phàn nàn tên khố rách đến mót chữ. Chợ sách cũ giờ cũng không còn.

Dù chưa một ngày làm quan, tôi bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Khuyến “Sách vở ích gì cho buổi ấy”. Tôi ngộ ra được nhiều điều về con người từ hồi Sài Gòn rơi vào buổi phần thư.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn thập cẩm

Xem thêm:

Mời xem video: