Thành ngữ “bring home the bacon” trong tiếng Anh có nghĩa là kiếm được tiền, đặc biệt là cho gia đình của mình; hoặc đạt được thành công, đặc biệt là thành công về tài chính.

Nguồn gốc của thành ngữ này khá thú vị. “Bring home the bacon” là một thành ngữ xuất hiện vào thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ. “Bacon” trong tiếng Anh nghĩa là thịt lợn muối xông khói, và còn được dùng như từ lóng để chỉ cơ thể người. Thời đó người ta đặt vận may vào môn đấm bốc để kiếm được nhiều tiền, và chính môn thể thao đó đã khiến cụm từ này được lưu truyền rộng rãi.

Bấy giờ vào ngày 3 tháng 9 năm 1906, Joe Gans và ‘Battling’ Oliver Nelson đã đấu với nhau để tranh chức vô địch quyền anh hạng nhẹ thế giới. Trong tin tức về trận đấu, tờ New York The Post-Standard, ngày 4 tháng 9 năm 1906, cho hay thời điểm trước cuộc chiến, Gans đã nhận được một bức điện từ mẹ:

Joe, thế giới đang dồn mắt về con. Mọi người đều nói con phải thắng. Peter Jackson sẽ cho mẹ biết tin và con sẽ đem thân về được nhà.

Joe, the eyes of the world are on you. Everybody says you ought to win. Peter Jackson will tell me the news and you bring home the bacon.

Gans đã chiến thắng, và tờ New York Times đã in một câu chuyện nói rằng anh đã nhắn lại bằng điện báo rằng anh “không chỉ có thịt muối, mà còn có nước thịt” (had not only the bacon, but the gravy), và sau đó anh đã gửi cho mẹ mình một tờ séc 6.000$.

Một vài điều thú vị đằng câu thành ngữ “bring home the bacon”
Trận đấu quyền anh lịch sử. (Ảnh qua Boxing News, Public Domain)

Một tháng sau, vào tháng 10 năm 1906, trên tờ The Oakland Tribune, phóng viên Ray Peck đã dự đoán kết quả của cặp đấu Al Kaufmann – Sam Berger sắp diễn ra ở California là: “Kaufmann sẽ mang ‘bacon’ về nhà”. Và quả thật Kaufmann đã giành chiến thắng.

Nói chung phần lớn các nguồn đều xác nhận câu thành ngữ đã hình thành ở Mỹ vào năm 1906 như vậy.

Tuy nhiên có một vài người có giả thuyết khác khá thú vị, khi liên kết cụm từ “bring home the bacon” với một phong tục lâu đời ở nước Anh – “flitch of bacon” – trao tặng một tảng thịt cho những cặp vợ chồng thủy chung son sắt. (Trong Anh Ngữ Cổ, bacon là chỉ thịt lợn nói chung).

Vào năm 1336, Bá tước Lancaster trao trang viên ở Whichnoure cho Philip de Somerville với một khoản phí nhỏ và điều kiện rằng “vào mọi thời điểm trong năm ngoại trừ Mùa Chay, trang viên sẽ trao một tảng thịt cho cặp vợ chồng nào đã kết hôn được 1 năm 1 ngày và đến đây thề rằng không thay lòng đổi dạ”. Cặp vợ chồng sẽ phải mời hai người hàng xóm đến để làm chứng. Cặp đôi giành được phần thưởng sẽ được công kênh lên trong một buổi diễu hành lớn.

Truyền thống này dường như vẫn tiếp tục đến tận thế kỷ 18. Tiếc rằng ngày nay nó chỉ còn được biết đến nhờ một bức khắc gỗ trên lò sưởi trong trang viên mà thôi.

Được biết đến rộng rãi hơn là phong tục xảy ra ở Tu viện làng Little Dunmow tại Essex. Nó thường được tổ chức bởi gia đình Robert Fitzwalter vào thế kỷ thứ 13 và đã được ghi chép lại:

“Nếu bất kỳ cặp đôi nào có thể, sau 12 tháng hôn nhân, tiến tới và tuyên thệ tại Dunmow (tại Essex) rằng, trong suốt thời gian đó, họ không bao giờ cãi nhau, không bao giờ hối hận về cuộc hôn nhân của mình, và nếu một lần nữa đính hôn, sẽ thực hiện chính xác những gì họ đã thực hiện, thì họ sẽ được thưởng bằng một tảng thịt heo”.

Cặp vợ chồng trong khi tuyên thệ sẽ quỳ trên những mảnh đá sắc nhọn và những người xung quanh đọc vang một bài thơ. Sau đó họ sẽ tổ chức một buổi diễu hành sôi động như ở Whichnoure vậy.

Phong tục này đã từng gián đoạn, nhưng nhờ tiểu thuyết “The Flitch of Bacon” năm 1854 của William Harrison Ainsworth mà nó đã sống lại vào thời Victorian và đến nay vẫn được còn xuất hiện ở Great Dunmow.

Có thể thấy dù nguồn gốc như thế nào thì câu thành ngữ này cũng hình thành từ sự quan tâm lẫn nhau của những người thân trong gia đình.

Lê Quang

Xem thêm:

Mời xem video: