Theo sự thống kê của chúng tôi từ 52 tài liệu văn bia, câu đối, đại tự, thần tích, thần phả… có ghi địa danh Hoa Lư thì có tới 52 chữ Hoa Lư được sử dụng với các cách viết như sau:

  • 12 chữ Hoa Lư có nghĩa là “lô hoa” (hay dịch ngược ngữ pháp tiếng Hán là Hoa lau). Tuy vậy chữ Hoa lại có 5 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là bông hoa 花; chữ Lư có 2 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là cây lau 蘆. Tài liệu viết chữ Hoa Lư là Hoa lau, có niên đại xưa nhất (theo thống kê được) là bia Đức Long ở chân quèn động Hoa Lư (1630). Cách đọc hai chữ này là Hoa lô, Hoa la, hoặc Hoa Lư.
  • Có 37 chữ Hoa Lư được viết theo nghĩa là làng Hoa, hay cổng làng Hoa. Chữ Hoa có 10 cách viết, với các nghĩa tinh hoa, vinh hoa, hoa lệ, xa hoa, phồn hoa, màu mỡ, tài hoa 華, và bông hoa, màu sắc loang lổ, nốt đậu trẻ con, lãng phí, nhà trò, con hát, năm đồng tiền cổ gọi là 1 hoa 花. Tựu chung có 2 nghĩa chính là tinh hoa và bông hoa. Chữ Lư có 2 cách viết đều cùng một nghĩa là làng hoặc cổng làng 閭. Tài liệu xưa nhất viết Hoa Lư theo nghĩa này là Lời tâu của Tống Cảo lên vua Tống vào năm 990.
  • Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư có nghĩa là hoa màu đen, cái cung đen có hoa, con chó đốm tốt. Trường hợp này, chữ Hoa có nghĩa là bông hoa, chữ lư (lô) có các nghĩa đen, đốm 蘆.
  • Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư theo nghĩa con lừa hoa 花 驢.
  • Bốn tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư với nghĩa cai lò (hoặc lư, đỉnh hoa 鑪).
  • Một tài liệu viết chữ lư * không rõ là nghĩ gì. Trần Xuân Hảo sao lại từ bản thời Nguyễn.

Một điều đáng lưu ý là, trên cùng một tài liệu, chữ Hoa Lư được viết khác nhau:

  • Bia đá động Hoa Lư niên đại Đức Long 2 (1630), chữ Hoa có 3 cách viết, chữ Lư có 2 cách viết, tuy đều cùng một nghĩa là lô hoa (bông hoa lau).
  • Hai câu đối chùa Hưng Thống xã. Gia Hưng – Gia Viễn, thời Nguyễn, một câu viết chữ Hoa lư theo nghĩa là hoa lau, còn câu khác lại viết theo nghĩa: làng (cổng làng) Hoa 蘆, 閭.
  • Đinh triều sự tích, đền Đồng bến – Phúc Am, Đông Thành, thị xã Ninh Bình cũng tương tự, nhưng chữ Hoa có 2 cách viết, đã vậy, lúc thì gọi là Hoa Lư huyện, lúc thì Hoa Lư động, hay Thôn Hoa.
  • Bài ký sự chơi Hoa Lư của Phạm Xuân Quang, một chữ Hoa với 2 cách viết, một chữ Lư cũng hai cách viết với hai nghĩa khác nhau.

Tóm lại, chữ Hoa Lư trong 52 tài liệu vừa trích dẫn có quan hệ với vua Đinh, đến vùng đất “Hoa Lư động” “Hoa Lư đô” xưa, có tất cả 6 nghĩa khác nhau, trong đó chữ Hoa được viết với 18 cách, chữ Lư được viết với 8 cách.

Một vài nhận xét về địa danh Hoa Lư
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra, Flickr, CC BY 2.0)

Tuy có 6 nghĩa khác nhau, theo chúng tôi, chữ Hoa Lư chỉ có một nghĩa chính là Hoa lau, bông lau.

Nếu Hoa Lư là Hoa lau, thì phải viết ngược lại là Lư hoa mới đúng ngữ pháp chữ Hán, và phải đọc là Lô Hoa mới chuẩn. Có nhiều tên Hán Nôm để chỉ cây lau, hoa lau, ví dụ “điều” hoặc “thiều”, “thảm”, “vi”, “địch”. Ngoài chữ “Lô hoa”, thì “Lô địch hoa” cũng có nghĩa là bông lau, hoa lau. Không hiểu từ đời nào, người ta đọc “lô” thành “lư”“lư hoa” ra “Hoa Lư”? mà không nôm na đọc luôn là Hoa lau cho dễ hiểu. Trong ngôn ngữ Thái, cây lau, cây lách, lau sậy đều đọc là lư. Trong tiếng Anh, chữ cane vừa có nghĩa là cây trúc, mía, mây, cái gậy, lại vừa có nghĩa là cây lau.

Lau là loài thực vật trong dòng họ thảo quả. Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1977 giải nghĩa lau là “loài cỏ cao, lá giống như lá mía, có bông trắng” Từ điển tiếng Việt. 1992 thì viết về lau: “cây cùng loài với mía, mọc hoang thành bụi, thân xốp, hoa trắng tụ thành bông”.

Theo cuốn Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam, lau có tên khoa học là Sccharum arundinaceum retzs, họ lúa, loài cây hạt kín, 1 lá mầm. Trổ hoa từ tháng 6 đến tháng 12.

Chữ “Lư” là lau, chỉ có một cách viết đầy đủ và một cách viết tắt. Chữ “Lư” là làng hoặc cổng làng, cũng chỉ có hai cách viết thôi. Với chữ “lư” này, không thể đọc thành “lô” hoặc “la” như chữ lư-lau được. Riêng chữ “Hoa”, có nhiều cách viết, với nhiều nghĩa, thì rốt ráo cũng chỉ có hai nghĩa chính là bông hoa hoặc tinh hoa mà thôi. Sở dĩ có nhiều cách viết, là do người xưa kị húy tên vua chúa, tên ông bà cha mẹ hoặc thày cô giáo, mà cũng có thể kị húy cả tên thần linh nữa (Bạch Hoa công chúa, Trần Thị Hoa, vua Thiệu Trị có bà phi tên là Hoa…). Chữ Hoa không chỉ kị viết mà còn kị cả đọc nữa, có thể đọc hoa là huê.

Theo hiểu biết hiện nay, “Hoa Lư” có 10 khái niệm: Hoa Lư động, Hoa Lư thành, Hoa Lư xứ, Hoa Lư huyện, Hoa Lư quận, Hoa Lư giáp, Hoa Lư đô, Hoa Lư miếu, Hoa Lư sơn, Hoa Lư khẩu. Trong số này, động và thành (hoặc đô) là hai khái niệm được nói viết nhiều nhất, và chữ “động” có tới hai cách viết khác nhau, nhưng đều chỉ động núi cả 洞, 峒.

Vào giữa thế kỷ X về trước, Hoa Lư là tên gọi một sơn động vùng Gia Hưng-Gia Viễn bây giờ, đến năm 968 trở đi, sơn động Hoa Lư vẫn còn đó, những còn thêm một Hoa Lư thành (đô) ở vùng Trường Yên, Hoa Lư bây giờ. Địa danh Hoa Lư đã “phân thân” đi theo Đinh Bộ Lĩnh về vị trí đóng đô. Và chỉ có vậy thôi, các khái niệm còn lại như Hoa Lư huyện (quận, giáp…) không phổ biến và không mấy chính xác.

Do chữ “Hoa Lư” có gốc gác từ một sơn động đầy lau sậy, với một Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, cho nên nói đến hoa lau, cờ lau là nghĩ ngay đến thuở ấu thời của Đinh Bộ Lĩnh. Lau mọc ở mọi miền đất nước, và trong văn học, lau được dùng như là hình ảnh của sự chia ly, cách biệt, biên tái, buồn bã đau khổ, hoang sơ. Chỉ riêng ở vùng sơn động Hoa Lư, lau mới đi vào lịch sử như một huyền thoại đẹp, một điển tích cờ lau tập trận của người anh hùng họ Đinh đáng tự hào. Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X ở Trường Yên chỉ mượn tên, còn nội dung đã hoàn toàn khác. Đó là một Kinh thành, Đô thành hẳn hoi, có thành lũy, lâu đài, cung điện, nhà cửa chùa đền. Nghĩa là tìm lại thành quách, khai quật tìm dấu vết một nền văn minh Đại Cồ Việt, điều mà tiền nhân tự hào đối sánh nó với kinh đô Tràng An ở Trung Quốc xưa.

Đặng Công Nga

Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1999
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)

Xem thêm:

Mời xem video: