“Múa giáo đánh hổ dễ, đối mặt vua Bà khó”, đó là câu nói dân gian kể về quân Đông Ngô khi đối diện với Triệu Thị Trinh, vị nữ anh hùng nổi lên ở quận Cửu Chân, người Việt sau này kính trọng gọi là Bà Triệu.

Múa giáo đánh hổ dễ, đối mặt vua Bà khó, Bà Triệu
Đền Bà Triệu tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Linhcandng, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Bà Triệu sinh năm Bính Ngọ 226 tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay). Cha mẹ mất khi còn nhỏ, bà ở với anh mình là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh ở đất Cửu Chân.

Trước ách thống trị của nhà Đông Ngô bấy giờ, Triệu Quốc Đạt dù được làm quan nhưng vẫn nuôi chí phất cờ khởi nghĩa nhằm giành lại giang sơn xã tắc cho dân tộc.

Năm 19 tuổi, Triệu Thị Trinh rất khỏe mạnh lại giỏi võ. Thấy bà chưa lấy ai, có người thắc mắc thì bà đáp rằng:

“Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại Giang Sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu lại chịu làm tì thiếp cho người khác”.

Lúc bấy giờ ở vùng quê bà có con voi trắng một ngà rất dữ tợn, thường đến phá hoại mùa màng, không ai trị nổi. Bà liền cùng với chúng bạn, dùng kế lùa voi xuống đầm lầy, rồi bà nhảy lên mình voi dùng búa khuất phục nó.

Năm 246, Triệu Quốc Đạt cùng em gái dựng cờ khởi nghĩa ở Quan Yên, căn cứ nghĩa quân ở núi Nưa và Yên Định. Thanh thế nghĩa quân ngày càng mạnh, chiếm được quận lỵ Tư Phố (nay tuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), rồi chia quân hoạt động ở vùng đồng bằng thuộc quận Cửu Chân.

Đúng lúc nghĩa quân đang phát triển thì Triệu Quốc Đạt qua đời. Có sử liệu cho rằng ông lâm bệnh mà mất, có sử liệu ghi chép rằng ông bị tử trận. Chủ tướng bị mất, các tướng sĩ đều nhất loạt tôn Triệu Thị Trinh lên thay. Mỗi khi ra trận Bà Triệu cưỡi con voi trắng một ngà mà bà thu phục được, binh tướng đều gọi bà là “Nhụy Kiều tướng quân” tức vị tướng yêu kiều như nhụy hoa.

Thanh Hóa
Tranh Bà Triệu cưỡi voi. (Tranh dân gian, Public Domain)

Giai đoạn này quân của Bà Triệu đánh đâu thắng đấy khiến quân Ngô khiếp đảm trước uy dũng của bà, từ đó dân gian mới có câu :

Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà vương nan.

Nghĩa là:

Múa giáo đánh hổ dễ,
Đối mặt vua Bà khó.

Cuộc khởi nghĩa lan nhanh khắp Cửu Chân, vua Đông Ngô là Tôn Quyền liền phái Lục Dận (cháu của danh tướng Lục Tốn) sang làm Thứ sử đất Giao Châu, cùng 8.000 quân sang dẹp cuộc khởi nghĩa.

Lục Dận dùng tiền bạc của cải mua chuộc các lãnh tụ địa phương nhằm cô lập nghĩa quân Bà Triệu. Một số tù trưởng bị mua chuộc bởi của cải cùng các lời hứa, đã vì lợi trước mắt mà cho quân của mình rời bỏ khỏi hàng ngũ nghĩa quân của Bà Triệu, khiến cho quân Bà Triệu suy yếu hơn trước nhiều. Lúc này Lục Dận mới cho quân tiến đánh.

Trận đánh ác liệt diễn ra tại căn cứ Bồ Điền. Quân Bà Triệu ít hơn, lại không có sự trợ giúp quân của các tù trưởng, nhưng vẫn cố gắng chống giữ. Cuộc chiến tại Bồ Điền kéo dài suốt hơn 2 tháng ròng. Không thể giữ được căn cứ, Bà Triệu cho quân rút vào núi Tùng và rồi tuẫn tiết trên núi.

Để ghi nhớ Bà Triệu, người dân đã ghi lại trong lời ru con như sau:

Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.

Về sau vua Lý Nam Đế khen Bà Triệu là người trung dũng, sai lập miếu thờ bà, phong là: “Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”. Hiện nay tại di tích núi Tùng (xã Triệu Lộc) vẫn còn lăng mộ bà. Hàng năm vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ giỗ bà.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: