Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, không chỉ riêng Phật tử Việt Nam và Phật tử nhiều nước trên thế giới mà cả người dân ở nhiều nước đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan, cúng dường Phật và chúng tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được an lạc và cha mẹ đã quá cố được siêu thăng. 

mục kiền liên
(Hình minh họa: Qua kknews)

Nhắc đến nguồn gốc của ngày Lễ Vu Lan từ xưa đến nay, người ta nhắc đến câu chuyện vị Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi chứng đắc quả vị đã đại hiếu cứu mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ.

Nhưng mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên đã được cứu như thế nào? Rốt cuộc sức mạnh nào mới làm được điều ấy? Câu chuyện Phật gia được ghi chép lại này thực sự đáng để hậu nhân suy ngẫm sâu xa.

Nguồn gốc của ngày Lễ Vu Lan

Trong Phật giáo, ngày rằm tháng bảy âm lịch được xưng là ngày Phật Hoan Hỷ, ngày Phật Tự Tứ, đồng thời cũng là ngày mà người thời nay gọi là Vu Lan Bồn lễ, gọi tắt là Lễ Vu Lan. (Ngày Phật Tự Tứ là ngày lễ cuối mùa an cư của chư tăng thuộc Phật giáo Bắc tông. Sở dĩ gọi là ngày Phật Hoan Hỷ là bởi vì sau 3 tháng vào rừng trầm tư suy tưởng, các môn đồ của Phật trở về, báo với Phật về sự tiến bộ của họ. Đức Phật rất vui mừng vì thấy nhiều đệ tử đạt đến sự khai sáng. Ngày Phật Tự Tứ cũng được xem là ngày “tự xem xét lại lỗi lầm của mình”. Từng vị tăng ra giữa các đồng môn, thành khẩn kể những lỗi lầm mà mình đã phạm và thỉnh cầu Phật cũng như các chư tăng chỉ bảo điều tốt để sám hối và sửa sai.)

Vu Lan là chữ viết ngắn gọn từ Vu Lan Bồn, một thuật ngữ có nguồn gốc từ bài “Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh”.  “Vu Lan Bồn” trong tiếng Phạn là “Ullambana”, có nghĩa là tội treo ngược. Tiếng Trung Hoa dịch nghĩa là “đảo huyền,” nghĩa đen là treo ngược chân lên trời, đầu cắm xuống đất. Nghĩa rộng hơn của từ này được hiểu là một hình phạt vô cùng tàn khốc áp dụng cho các tội đồ, những người có tội nghiệp nặng.

Trong cuốn “Phật Tổ thống kỷ” do tăng nhân Thích Chí Bàn thời Nam Tống ghi chép thì Lễ Vu Lan được thiết sớm nhất ở Trung Hoa là vào thời Nam Bắc Triều (năm 538 sau CN). Lúc ấy, Vua Vũ Đế nhà Lương đến lễ Phật tại chùa Ðông Ðài dâng lễ Vu Lan. Nhưng lễ Vu Lan thời đó chỉ dành cho bậc vua chúa và qúy tộc thiết lễ trong các ngôi chùa lớn, chưa phải là một dịp hội hè của dân gian. Khoảng 100 năm sau, đến triều nhà Ðường lễ Vu Lan mới được tổ chức phổ biến, long trọng và có đại chúng tham gia.

Lễ Vu Lan có nguồn gốc là từ câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ. Câu chuyện này được ghi chép đầy đủ và chi tiết nhất trong cuốn “Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh” do đại dịch sư Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn dịch.

Câu chuyện mẹ của Mục Kiền Liên sau khi chết bị đày vào cõi ngạ quỷ

mục kiền liên
(Hình minh họa: Qua tw.gigacircle.com)

Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A La Hán, ngài lập tức muốn báo ân mẹ mình. Khi ấy, mẹ của ngài đã qua đời.

Vì muốn biết mẹ mình đang ra sao, ông dùng công năng thiên nhãn thông tìm kiếm bốn phương thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi ngạ quỷ. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi ngạ quỷ đưa cho mẹ. Mẹ ông cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm lại hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Nhưng khi than rơi xuống đất thì lại hóa thành đồ ăn như cũ.

Tôn giả Mục Kiền Liên chứng kiến cảnh ấy thì vô cùng bi thương. Tuy rằng bản thân có thần thông quảng đại nhưng cũng không biết làm sao để cứu được mẹ mình thoát khỏi bể khổ ấy. Ông bèn trở về và cầu xin Đức Phật ra tay cứu giúp.

Đức Phật nói rằng, mẹ của ông đã nhiều đời tạo nghiệp nên nghiệp rất nặng, vì vậy phải chịu khổ báo là quỷ đói. Một mình ông thì không thể cứu nổi mẹ mình được, phải nhờ vào uy lực của chúng tăng mười phương mới có thể làm được điều ấy. Đồng thời, Đức Phật cũng bảo ông, ngày rằm tháng bảy chính là thời cơ tốt.

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời Đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy đã đem thức ăn, quần áo, hương hoa… đặt vào chậu lớn, cúng dường chúng tăng mười phương.

Nhờ vào lòng từ bi của Đức Phật, chư tăng mười phương cùng phát thiện nguyện, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục Kiền Liên, mẹ ông cuối cùng đã thoát khỏi cõi ngạ quỷ, siêu thăng lên cõi lành.

Thiện ác là có báo

mục kiền liên
(Hình minh họa: Qua sohu.com)

Câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ trong “Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh” là có sự tương đồng với tư tưởng “hiếu đạo” của Nho gia trong văn hóa truyền thống. Con cái hiếu đạo với cha mẹ, đây là gốc rễ làm người, là đạo lý thuận Trời Đất và cũng là truyền thống xưa nay của người phương Đông nói riêng và con người thế gian nói chung.

Mặt khác, nó cũng thể hiện ra đạo lý bất biến “thiện ác có báo”. Nghĩa là một người nếu sống mà làm việc thiện thì sẽ được thiện báo. Trái lại, nếu một người sống mà làm nhiều việc ác, tạo nghiệp thì bản thân nhất định sẽ phải hoàn trả.

Mẹ của Mục Kiền Liên khi còn sống tham lam, ích kỷ, thậm chí còn phỉ báng tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) nên khi chết bị đày đọa xuống cõi ngạ quỷ chịu tội. Điều này cũng cho thấy, con người ta khi sống mà tạo nghiệp thì chỉ có thể tự mình chịu khổ để trả nghiệp mới có hy vọng được thoát ly khỏi khổ ải. Cho dù là một người có thần thông quảng đại như Mục Kiền Liên cũng không thể gánh thay được nghiệp của người khác, dù đó là cha mẹ hay người thân thích của mình. Đây cũng chính là lý do Mục Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng cũng không thể tự cứu được mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ.

Cho nên, xưa nay trong cả Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo đều dạy con người sống phải hành thiện tích đức. Việc tu hành là ở ngay tại bản thân mình, nhận được thiện báo hay ác báo là do bản thân mình mà ra. Nhưng câu chuyện cũng cho chúng ta thấy một điều kỳ diệu, chính là khi con người tỉnh ngộ, làm nhiều việc thiện, có rất nhiều năng lượng thiện lành được ngưng tụ lại thì sẽ khiến Thần Phật cảm động và có thể cứu vớt được tội lỗi của mình.

An Hòa (dịch và t/h) 

Xem thêm: