“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, câu thành ngữ có thể hiểu đơn giản là công việc chuẩn bị là do con người nhưng việc thành công hay thất bại thì còn phải xem cơ Trời, do Trời sắp xếp. Đây vừa là thiên cơ vừa là triết lý sống của người xưa.

Trí tuệ cổ nhân: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” không chỉ là cảnh giới tư tưởng mà còn là phương châm sống của rất nhiều người minh trí thời xưa. Ngay cả những danh thần võ tướng nổi tiếng trong lịch sử như Gia Cát Lượng, Tăng Quốc Phiên… cũng thấu hiểu điều này.

Tăng Quốc Phiên sinh ra ở một ngôi làng nhỏ miền núi. Ông là tấm gương điển hình dựa vào kiên nhẫn, khắc khổ, tu thân tề gia mà cuối cùng trở thành một nhà Nho lỗi lạc, một đại danh thần, thuộc vào hàng quan nhất phẩm của triều nhà Thanh.

Nói về quan điểm sống, triết lý nhân sinh, Tăng Quốc Phiên từng gửi thư về nhà khuyên bảo các em trước hết phải coi trọng đạo đức, tu sửa hành vi thường ngày, đồng thời phải khắc khổ chịu khó học tập. Tăng Quốc Phiên cho rằng tu dưỡng đạo đức và khắc khổ học tập là phương pháp duy nhất để hưng gia lập nghiệp.

Trong lá thư gửi cho em trai của mình, Tăng Quốc Phiên viết: Con người chúng ta chỉ có thể nương tựa vào hai việc là tiến đức và tu nghiệp. Tiến đức chính là tu dưỡng những phẩm đức làm người như hiếu, đễ, nhân, nghĩa. Tu nghiệp chính là cố gắng học tập, trau dồi các kỹ năng làm việc. Hai sự việc này đều do chính chúng ta làm chủ, làm được một thước thì chính là một thước của chúng ta, làm được một tấc thì chính là một tấc của chúng ta. Hôm nay chúng ta tiến được một phần đức thì coi như đã tích được một thăng ngũ cốc, ngày mai tu được một phần nghiệp thì coi như đã có được một văn tiền. Đức hạnh và kỹ năng nghề nghiệp mỗi ngày đều tăng tiến thì gia nghiệp sẽ ngày ngày thăng khởi.

Còn đối với công danh phú quý trong cuộc đời, Tăng Quốc Phiên lựa chọn thái độ “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, “Người tính không bằng Trời tính”, cho nên tận sức cố gắng là điều bản thân nên làm còn thành hay bại là do Trời định đoạt.

Tăng Quốc Phiên có người em trai tên là Tăng Quốc Hoa, là người có tài thiên phú trong sáng tác văn thơ. Tăng Quốc Phiên luôn hy vọng người em này có thể đỗ đạt làm nên sự nghiệp nhờ tài năng văn chương này. Tăng Quốc Hoa cũng rất tự tin với tài năng của mình.

Tuy nhiên, trong các kỳ khoa cử, Tăng Quốc Hoa lại luôn gặp bất lợi, không đạt được kết quả như ý nguyện. Liên tục thất bại trong khoa cử khiến tâm lý của Tăng Quốc Hoa suy sụp, rồi không ngừng oán thán. Ông oán thán trời đất bất công, oán thán quan chủ khảo không nhìn thấy tài năng của mình, thậm chí oán trách cả người vợ của mình.

Vì thế, trong lá thư gửi cho em trai, Tăng Quốc Phiên khuyên răn: Về phần công danh phú quý đều là do mệnh quyết định, một chút cũng không thể do con người tự chủ.

Trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có viết rằng: Họa phúc do Trời định đoạt, thiện ác do người nắm giữ. Những điều ông Trời định đoạt thì con người chúng ta không thể thay đổi được mà chỉ có thể thuận theo mà thôi. Còn những điều con người nắm giữ thì chỉ có thể làm được phần nào hay phần nấy, chỉ có thể kiên trì làm ngày này qua ngày khác.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà Tăng Quốc Phiên nói đến ấy chính là chỉ việc con người có nguyện vọng thành tựu sự việc thì nên tận sức cố gắng, nhưng thành công được hay không lại phải do cơ Trời. Tăng Quốc Phiên tôn sùng thái độ xử thế “Tận nhân lực, quan thiên mệnh”, kỳ thực cũng là giống với cảnh giới “Tùy kỳ tự nhiên”, “Thuận theo tự nhiên” được giảng trong giới tu luyện.

Con người hiện đại còn giảng “Đấu với trời, đấu với đất”, hay “Nhân định thắng thiên”, điều này thể hiện việc con người đã ngày càng rời xa lý niệm làm người trong văn hóa truyền thống. Chỉ đến khi thiên tai ập xuống thì con người mới thấy mình nhỏ bé đến mức độ nào.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: 4 kiểu người cổ nhân thường giữ khoảng cách, tránh kết giao