Người xưa xem “Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín” làm tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của một người. Năm đức ấy cũng được coi là nguyên tắc để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, sao cho hợp luân lý đạo đức. Trong năm đức này thì đức “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu.

Có rất nhiều nhà hiền triết trong lịch sử Trung Hoa đã đưa ra những khái niệm với mong ước quy phạm luân lý đạo đức của con người. Từ “Tả truyện”, “Quốc ngữ – Chu ngữ”, chúng ta có thể thấy rõ rằng có rất nhiều người đều nói về đức “Nhân”. Tuy nhiên xét một cách toàn diện thì đức “Nhân” này được Khổng Tử đề cập đến một cách hệ thống, nổi bật và có tính lý luận nhất.

Đức "Nhân" trong lý niệm của người xưa
(Tranh trong bộ “Thập bát học sĩ đồ” thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Khổng Tử sống vào cuối thời Xuân Thu, tinh thông văn hiến lịch sử đời Thương và đời Chu. Ông vô cùng coi trọng nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Điều này có quan hệ mật thiết với thời đại mà ông sinh sống. Bàn về thời Chu mạt này, trong sách Tư Trị Thông Giám, sử gia Tư Mã Quang viết: Đại lễ quần thần hỏng, người thiên hạ dùng trí lực tranh hùng với nhau, xã tắc không đâu không bị diệt vong, sinh dân bị giày xéo giết chóc gần hết.

Sự biến động xã hội cuối thời Xuân Thu đã dẫn đến sự biến đổi kịch liệt ở nhiều phương diện như: người với nhau, quân thần, chư hầu đại phu, phụ tử… từ đó xuất hiện cục diện “lễ hoại nhạc băng”. Sau khi Chu lễ không còn, người dân mất đi chỗ dựa tinh thần và chuẩn tắc hành vi, một vấn đề xã hội nảy sinh chính là phải dùng chuẩn tắc nào mới có thể chỉ đạo tư tưởng và hành động của con người, mới có thể khiến xã hội ở vào trạng thái ổn định? Đây là bối cảnh làm nảy sinh bách gia, các nhà hiền triết đều bàn luận và đưa ra kiến giải riêng để giải quyết vấn đề trọng đại đó.

Khổng Tử cho rằng chuẩn tắc của vấn đề này nằm ở đức “Nhân”. Ông cho rằng “Nhân” là mỹ đức quan trọng bậc nhất trong đối nhân xử thế giữa người và người trong xã hội: “Người không có nhân thì lễ mà làm gì? Người không có nhân thì nhạc mà làm gì?” (Luận ngữ). Nhân tức là đạo lý làm người, là chuẩn tắc cần phải tuân thủ để làm một người “quân tử” có tu dưỡng đạo đức, có học vấn. “Nhân” bao hàm rất rộng, tất nhiên liên quan tới mọi mặt, liên quan tới việc làm người như thế nào, ứng xử như thế nào, xác lập mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội như thế nào.

Chẳng hạn Khổng Tử nói: “Nhân giả ái nhân”, người nhân thì biết yêu thương người. “Ái nhân”, yêu thương người này gồm có hai mặt. Một mặt là: “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân” tức là những gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác. Một mặt khác là: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” tức là những gì mình muốn lập thì cũng nên lập cho người khác, những gì mình muốn đạt thì cũng nên cho người khác đạt được. Hai mặt này kết hợp lại gọi là “trung thứ chi đạo”, được xem là nội dung chủ yếu của “nhân”.

Để điều tiết mối quan hệ giữa quân thần, phụ tử… Khổng Tử yêu cầu hai bên phải theo nguyên tắc “trung thứ”, tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, cha lấy “từ ái” để đối đãi với con. Con lấy hiếu để phụng dưỡng cha. Tương tự như vậy, vua muốn bề tôi đối với mình phải trung thì vua phải đúng là vua, có phẩm đức làm vua. Nếu vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thế thì trật tự gia đình và trật tự xã hội khó mà ổn định được, mọi thứ sẽ đảo lộn. Phát triển trên đạo của Khổng Tử, Mạnh Tử nói: “Ta nghe nói Chu Văn Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ chưa hề nghe nói giết vua bao giờ”. Tuân Tử lại nói: “Vua là thuyền, dân là nước, nước có thể nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”.

Trong “Luận ngữ – Dương Hóa” còn chép:

Tử Trương hỏi Khổng Tử về điều nhân. Khổng Tử trả lời rằng: “Làm được năm điều trong thiên hạ thì đó là nhân vậy.”

Tử Trương lại hỏi: “Xin thầy cho biết năm điều đó là gì”.

Khổng Tử giảng: “Năm đức ấy là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì mình thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tính thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân bố đức gia huệ thì mình sai khiến được người.”

Cũng có lúc Khổng Tử lại giảng rằng “Nhân” nghĩa là “ôn” (khiêm hoà), “lương” (thiện lương), “cung” (tự trọng), “kiệm” (kiệm phác), “nhượng” (khiêm nhường).

Có thể thấy rằng với mỗi học trò, Khổng Tử lại giảng về “Nhân” một khác, chính là ứng đối với điều học trò ấy cần nắm bắt mà giảng ra. Điều này thì ngay cả giáo dục hiện đại muốn bỏ qua việc “lấy đức hạnh của thầy làm trung tâm” mà chạy theo “lấy học trò làm trung tâm” vẫn còn đang phải lúng túng tìm kiếm.

Thời cổ đại, người chí sĩ chân chính sẽ không bởi vì sợ chết mà làm tổn hại đến đức nhân của bản thân. Để thành tựu được đức nhân, họ sẽ không tiếc sinh mệnh của bản thân mình. Những tấm gương như vậy đều lưu danh sử sách.

Xã hội là một cộng đồng những con người chung sống cùng nhau, bên trong có rất nhiều mối quan hệ. Nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ xảy ra rất nhiều loạn lạc.

Mỗi người nếu có thể quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những bản thân cảm thấy cuộc sống yên ấm, hạnh phúc hơn, mà cả cộng đồng cũng có sự gắn bó, bền vững và có nhiều điều kiện để khắc phục những khó nạn. Cho nên, giáo dục lòng “nhân”, dùng đức “nhân” để đối đãi với nhau luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này không chỉ đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay nữa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: