Trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều vị quân vương vong quốc vì mê nữ sắc, những nữ sắc khiến quân vương làm mất nước được gọi là “hồng nhan họa thủy”. Trong Ngô Việt Xuân Thu thời Đông Hán có một câu như thế này: “Nhà Hạ vong vì Muội Hỉ, nhà Ân vong vì Đát Kỷ, nhà Chu vong vì Bao Tự. Mỹ nữ, là cái họa vong quốc, tuyệt không thể nhận”. Trong sử Việt, nạn “hồng nhan họa thủy” phải kể đến Tống Thị Toại khiến cơ nghiệp truyền đời của Chúa Nguyễn suýt bị mất.

Mỹ nữ “hồng nhan họa thủy” khiến cơ nghiệp Chúa Nguyễn suýt mất
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Tống Thị

Theo “Đại Nam thực lục tiền biên”, Nguyễn Phúc Kỳ là con cả của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được cử làm Trấn thủ Quảng Nam – nơi có cảng Hội An rất nổi tiếng tạo nguồn thu cho Triều đình. Nguyễn Phúc Kỳ vốn được ngầm quyết định là người sẽ nối ngôi Chúa sau này.

Phúc Kỳ kết hôn với Tống Thị Toại (sử nhà Nguyễn gọi là Tống Thị) là con gái của Cai cơ Tống Phúc Thông. Tống Thị là người có nhan sắc kiều diễm, phục sức trang nhã, phong cách yểu điệu thục nữ khiến nhiều kẻ mê mẩn.

Gia đình Tống Phúc Thông và Tống Thị hy vọng Nguyễn Phúc Kỳ sẽ lên ngôi, nhưng nào ngờ năm 1631 Tống Phúc Kỳ mất ở Quảng Nam khi mới 30 tuổi. Tống Phúc Thông thất vọng liền đưa cả gia quyến về về bắc theo chúa Trịnh, nhưng Tống Thị không đồng ý cùng gia đình hồi hương.

Quyến rũ Chúa khiến Đàng Trong lung lay

Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, con thứ và cũng là em chồng của Tống Thị là Nguyễn Phúc Lan lên ngôi, thời đấy gọi là Chúa Thượng.

Tống Thị quyết dùng sắc đẹp của mình để có được quyền lực. Dân gian truyền rằng Tống Thị có được phương thuật là xâu chuỗi kết bằng trăm thứ hoa, người thời đấy còn gọi là “ngải hoa”. Năm 1639, Tống Thị đến gặp Chúa Thượng, dâng lên ngải hoa, Chúa cầm lên ngửi thì thấy thơm ngát, lòng dạ bắt đầu phiêu phiêu. Tống Thị sụp lạy thưa trình về tình cảnh góa bụa của mình, không chốn nương tựa. Từ đó Chúa Thượng cho phép Tống Thị được tự do ra vào trong cung. Từ đó Chúa đem lòng yêu say mê Tống Thị bất chấp quan hệ chị dâu em chồng.

Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm là người sống trong thời kỳ này, về sau có mô tả trong “Nam triều công nghiệp diễn chí” rằng:

“Tống Thị tuy là phận gái nhưng có chí lớn, nhan sắc hoa thẹn, nguyệt mờ, dáng điệu nhạn rơi, cá lặn, tính tình lẳng lơ, mây sớm gió chiều, thân Hồ nhớ Việt, nói năng khéo léo khoái hoạt, cợt gió đùa trăng, phong thái chẳng kém gì Ly Cơ, Tiểu Muội. Tống thị thường ra vào phủ chúa, ý muốn tư tình với Thượng vương, nhưng vương không chú ý đến.

Một hôm Tống thị ngồi nhà xâu một chuỗi hoa như vòng ngọc liên châu rất đẹp, sai người đem đến dâng cho chúa. Thượng vương cầm lên ngửi thấy mùi hương bốc thơm ngát, tự nhiên xúc động lòng yêu. Từ đó Thượng vương đem lòng say mê Tống Thị.

Năm Kỷ Mão niên hiệu Dương Hòa thứ năm (1639), tháng hai, Tống thị thân vào phủ chúa chầu hầu. Tống Thị sụp lậy dưới thềm thưa trình, về tình cảnh góa bụa thảm thiết. Trong khi nói cũng yểu điệu ôm ngực, cau mày ai trông thấy cũng xiêu lòng. Thế là chúa Thượng nổi tình riêng, liền mời Tống thị vào nội thất vui thú mây mưa.

Từ đó Thượng vương hết mực sủng ái Tống thị, không đoái đến các cung nhân khác, ngày ngày chỉ cặp kè với Tống thị, không lúc nào rời, chẳng khác nào Đổng Trác với nàng Điêu Thuyền, Ngô vương Phù Sai với nàng Tây Tử. Tống thị trình bẩm việc gì, chúa liền nghe theo. Các bậc đại thần thân cận nhiều lần can gián nhưng chúa đều không nghe”.

Cũng từ đó Tống Thị vơ vét của cải bằng cách nhận hối lộ của những kẻ luồn cúi; những kẻ ngay thẳng nếu không có của cải biếu xén thì cũng không được yên. Chẳng mấy chốc Tống Thị trở thành kẻ giàu nhất trong đám nhà giàu toàn cõi.

Chúa Thượng chiều chuộng Tống Thị, làm nhiều việc trái đạo lý, từ một người nhân hậu trở thành nóng nảy, bỏ bê quốc sự. Chúa quyết định xây cung điện nguy nga tráng lệ cho Tống Thị, bắt trăm họ phải tìm lấy đá quý, gỗ quý để xây cất; tập trung nhiều nhân công và thợ giỏi các nơi về.

Người oán ghét Tống Thị ngày càng nhiều, một số người cất tiếng nói với Chúa nhưng không được, sau đó lại gặp họa. Ngay cả con của chúa tiên Nguyễn Hoàng, tức chú của Chúa Thượng là Nguyễn Phúc Khê cũng bất lực không nói được.

Bấy giờ có quan nội tán họ Phạm liều mình vào phủ, tâu bày rõ mọi chuyện của Thống Thị cùng nỗi thống khổ ai oán của dân chúng. Chúa Thượng tỉnh ra liền lệnh bãi bỏ việc xây cung điện, từ đó tránh xa Tống Thị.

Kích động chúa Trịnh nam tiến

Bị thất sủng, thấy cha mình là Phúc Thông ra bắc được chúa Trịnh Tráng tin tưởng, Tống Thị liền viết mật thư cùng xâu chuỗi trăm hoa, nhờ cha đưa tận tay cho chúa Trịnh Tráng, lời thư kích động để Trịnh Tráng đưa quân mam tiến. Tống Thị viết rằng nguyện sẽ đem hết tài sản nuôi quân, nếu thành công thì sẽ ra Đàng Ngoài hầu hạ Chúa.

Trịnh Tráng nhận được thư, mơ tưởng đến mỹ nhân, liền quyết định đưa quân nam tiến.

Năm 1643 Trịnh Tráng đưa quân nam tiến, lần này quân Trịnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên quân chúa Nguyễn dựa vào các chiến lũy chắc chắn đã đánh lui quân Trịnh khiến Tống Thị vỡ mộng.

Quyến rũ Nguyễn Phúc Trung để cướp ngôi

Năm 1648, Chúa Thượng mất, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lên thay. Tống Thị tìm cách ve vãn em của Chúa Thượng và cũng là em chồng của mình là Nguyễn Phúc Trung với hy vọng ông ta có thể lật đổ cháu mình để lên ngôi. Tống Thị xúi giục Phúc Trung mưu phản bắt Chúa Hiền nhằm cướp ngôi.

Phúc Trung nghe theo, bỏ tiền chiêu nạp những dũng sĩ thiện chiến, rồi lên kế hoạch đảo chính vào trung tuần tháng tư năm Giáp Ngọ (1654) để lật đổ chúa Hiền.

Tuy nhiên thuộc hạ của Phúc Trung là Thắng Bố bí mật báo lại cho Chúa Hiền. Chúa Hiền liền cho quân đến dinh của Phúc Trung bắt cả người nhà rồi tra hỏi ra rõ sự thật. Không muốn giết chú nên Chúa Hiền cho giam Phúc Trung vào ngục, rồi sai chém đầu Tống Thị, của cái bị tịch thu hết rồi phân phát cho dân chúng.

Đánh giá về Tống Thị, sử gia Nguyễn Khắc Thuần viết rằng:

“Những gia đình có giáo dục đàng hoàng chưa hẳn đã có được những đứa con tử tế, nhưng, những đứa con tử tế bao giờ cũng là sản phẩm của một quá trình giáo dục đàng hoàng. Như Tống Phước Thông, nếp nghĩ ấy, tâm địa ấy đòi con ông đàng hoàng thì có khác gì đòi loài cọp con phải nhân từ?

Một lần Tống Thị đẩy đưa với em chồng, thôi thì cứ cho là khát khao chưa dứt, lầm lỡ dẫu nặng cũng có thể tạm bỏ qua. Thêm một lần quan hệ bất chính với Tôn Thất Trung, thôi thì cứ cho là vì sự sống còn của riêng thân mà dùng vũ khí tạo hóa ban cho để thoát nạn. Đến như hai lần làm chuyện phản nghịch, thì Tống Thị hỡi, ngàn năm không ai hiểu cho bà.

Nỗi lòng Tống Thị, khó nói thay! Một người đàn bà góa bụa, từng sinh hạ những ba người con trai, thế mà từ chúa Nguyễn Phúc Lan tới võ tướng cao cấp là Tôn Thất Trung phải xiêu lòng, cả đến chúa Trịnh xa tít ở Đàng Ngoài cũng phải tin lời mà xuất chinh vất vả. Khiếp thay!”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Trọng tâm của giáo dục không phải nằm ở tri thức”: