Trong cuộc sống, người ta thường bỏ qua những điều rất đỗi “bình thường”, không coi trọng những điều bình thường, họ thường cho rằng “cao lương mỹ vị” phải là những của ngon vật lạ; nhà cao cửa rộng mới là điều đáng mơ ước; cũng cho rằng người tài trí xuất chúng, hành vi khác lạ mới là bậc chí nhân. Nhưng cổ nhân lại không cho là như vậy.

Mỹ vị chân chính thường nhạt, người đại đức rất đỗi bình thường
(Tranh: Trương Lộ thời Minh, Shanghai Museum, Wikipedia, Public Domain)

Cổ nhân có câu: “Chân vị thị đạm, chí nhân thị thường”, tức là mỹ vị chân chính thường nhạt, bậc thánh nhân, người đại đức thì hành vi cử chỉ rất đỗi bình thường. Cổ nhân ví bản tính tự nhiên của con người cũng giống như hương vị thanh đạm của đồ ăn vậy.

Nguyên văn câu này chính là trích trong “Thái Căn Đàm. Tu thân lập đức”: “Nùng phì tân cam phi chân vị, chân vị chỉ thị đạm, thần kì trác dị phi chí nhân, chí nhân chỉ thị thường”. Rượu nồng thịt béo, chua ngọt đắng cay đều không phải là mỹ vị chân chính, mỹ vị chân chính là thanh đạm bình hoà. Tương tự như vậy, người có hành vi cử chỉ kỳ dị khác lạ thì thường không phải là người đức hạnh chân chính hoàn mỹ, người đức hạnh chân chính hoàn mỹ thì hành vi cử chỉ của họ trông cứ tưởng như người bình thường.

Một lần, người con chờ kế vị của nước Tề hỏi Mạnh Tử: “Tề Vương thường phái người đến thăm tiên sinh, chắc hẳn ngài nhất định có chỗ trác tuyệt hơn người.”

Mạnh Tử cười đáp rằng: “Lẽ nào Nghiêu Thuấn nhiều tay chân hơn so với người thường sao? Ngay cả thánh nhân tiên hiền cũng không có chỗ nào khác với người thường, huống hồ là ta?”

Câu trả lời này thể hiện ra tâm thái bình hòa của Mạnh Tử khi nhận được lời khen. Kỳ thực, bất luận là đối mặt với gian khó hoặc những vui buồn lo sợ, chúng ta đều nên lấy tâm thái bình hoà để đối đãi, từ đó tránh được tuyệt vọng cũng như tự ngạo.

Trong cuộc sống, một số người dựa vào một chút tài năng, học vấn đã vội đắc ý, dương dương tự đắc, lên mặt nạt người. Kỳ thực, người như vậy không thể chiếm được lòng tôn kính của người khác. Bởi vì một người hoàn mỹ, có nhân cách cao thượng đều là ở trong cuộc sống bình thường, kiên trì thực hiện lý tưởng nhân sinh của mình mà đạt được, ở trong “thắng không kiêu, bại không nản” mà tu dưỡng phẩm đức của mình. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đắc đạo vẫn chỉ dạy các đệ tử đi xin ăn, đi hóa duyên, dùng đạo lý và hành vi thiết thực mà giáo hóa dân chúng. Lão Tử, Khổng Tử cũng vậy, họ vẫn sống cuộc đời bình thường, không có chút nào kiêu căng, tự mãn.

Khi đặt thân mình vào trong vũ trụ, chúng ta chẳng qua chỉ nhỏ như một hạt bụi, thế thì có gì phải tự cao tự mãn, tính toán so đo? Xưa nay, biết bao người vì ham muốn cao xa, tranh danh đoạt lợi mà làm hại lẫn nhau. Như vậy, họ có thể đạt được sự khoái hoạt nhất thời, nhưng con người đối với vũ trụ chẳng qua chỉ là một vị khách qua đường mà thôi.

Làm người nên nhạt không nên nồng, trong nhạt sẽ xuất hiện sự thú vị, trong nhạt xuất hiện bình thường tâm. Món ăn mỹ vị, một ngày ba bữa không rời sẽ cảm thấy ngán, người đặc biệt thường đứng riêng một mình, luôn vì quá đặc thù mà không hợp với đám đông. Trên thế giới, món ăn ngon nhất chẳng qua là món rau dưa thường ngày ở nhà, thánh nhân đức hạnh hoàn mỹ chẳng qua là người rất đỗi bình thường.

Điền Tử Phương khi theo quân chủ của nước Ngụy là Nguỵ Văn Hầu thì luôn miệng ca ngợi Khê Công. Ngụy Văn Hầu lấy làm lạ, liền hỏi: “Sao Khê Công luôn được ông ca ngợi như thế? Có phải ông ấy là người thầy giúp đỡ ông không?”

Điền Tử Phương đáp: “Ông ấy chỉ là người hàng xóm của tôi, nhưng đáng để tôi ca ngợi.”

Ngụy Văn Hầu lại hỏi: “Thế thì thầy của ông là ai?”

Điền Tử Phương đáp: “Đông Quách Thuận Tử”

Ngụy Văn Hầu vô cùng kinh ngạc hỏi: “Thế thì tại sao ông chưa từng ca ngợi thầy?”

Điền Tử Phương đáp rằng: “Thầy tôi tướng mạo bình thường, nhưng nội tâm hòa hợp với tự nhiên, vả lại có thể thuận ứng với sự vật bên ngoài, có thể giữ được tính tình chân chính vốn có, tâm cảnh thanh hư yên tĩnh và bao dung hết thảy. Ngoài ra, nếu gặp phải sự vật bên ngoài không phù hợp với Đạo, ông ấy liền nghiêm túc chỉ ra làm cho người ta tỉnh ngộ, từ đó mà khiến cho ý nghĩ tà ác của người khác được tiêu trừ. Đối với vị thầy chất phác tự nhiên như thế, tôi là học trò có thể dùng ngôn từ nào để ca ngợi phẩm hạnh của thầy mình được đây?”

Lời của Điền Tử Phương khiến chúng ta hiểu rõ, bất cứ những từ ngữ hoa mỹ nào cũng đều không đủ sức để diễn tả cho cảnh giới bình hoà tự nhiên.

Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều những doanh nhân công thành danh tựu, hay những vị học giả đức cao vọng trọng, không phải sinh ra đã là như thế, mà là có được từ việc tu dưỡng trong cuộc sống đời thường. Làm một người bình thường càng phải là như thế, chỉ có từ trong bình thường, trong thanh đạm mới có thể bảo lưu bản tính thuần chân của con người, chỉ có tâm thái bình hoà đối đãi với nhân sinh mới có thể thưởng thức được trăm mùi vị cuộc đời trong sự bình đạm, và thêm vào đó từ trong bình thường mà hiển lộ được bản sắc ưu tú riêng mình.

Tâm thái bình thường tự nhiên chính là thứ “trang sức” nhẹ nhàng của tư tưởng, tự nhiên thoải mái là tầm nhìn hướng về phía trước. Có tự nhiên thoải mái mới không bị suốt ngày buồn bực lo âu, có tự nhiên thoải mái mới không cảm thấy cuộc đời quá mệt mỏi. Khi hiểu được điều này, chúng ta đối với cuộc sống mới không cầu toàn, mới không bị bàng hoàng thất ý trước những gian khổ khó khăn. Khi hiểu được điều này, chúng ta mới có thể ưỡn ngực vươn vai, dưới ánh mặt trời ấm áp tìm được khởi điểm tràn đầy hy vọng. Bởi vì thế, chúng ta cần luôn giữ tâm thái bình hoà và tấm lòng cởi mở, để bản thân có được khoái lạc tràn đầy hy vọng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: