Từ cổ chí kim, đối nhân xử thế đều chẳng thể rời khỏi hai chữ “chừng mực”. Điều khó nắm bắt nhất trong đời người cũng chính là chừng mực.

Nắm được chừng mực là điều then chốt trong kiếp nhân sinh
(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Làm người phải có chừng mực

Làm người không tự ti nhưng cũng chớ kiêu ngạo, phải có tấm lòng độ lượng, bên ngoài nhã nhặn bên trong nghiêm chính, trong vuông ngoài tròn.

Chúng ta thường nói cứng thì dễ gãy, làm người phải như nước, vừa mạnh mẽ lại ôn hoà. Đạo thành công của người xưa cũng nằm ở việc trong vuông ngoài tròn, bên trong mang theo tài đức của bậc thánh nhân, bên ngoài thực thi vương đạo, trong tâm có tiết tháo, biểu hiện bên ngoài lại nhã nhặn.

Người ta thường tranh hơn thua với người khác, tự mình cho rằng cũng cần phải yêu cầu người khác nghiêm khắc như bản thân mình. Nhưng thật ra cần nghiêm khắc yêu cầu bản thân còn đối với người khác thì phải đối đãi bằng lòng khoan dung.

Trong nhân cách cũng cần có chừng mực, không thể quá tự ti, quá tự ti sẽ trở nên nhu nhược; cũng không nên quá ngạo mạn, quá ngạo mạn sẽ hùng hổ ép người quá đáng. Về tính cách cũng cần yêu cầu sự hài hoà cả bên trong lẫn bên ngoài, không cứng không mềm. Quá hướng nội sẽ trở nên bảo thủ không tốt, quá hướng ngoại cũng sẽ trở nên huênh hoang, cũng không tốt.

Nhu cương kết hợp, trong vuông ngoài tròn, có tình có lý, trong nhu có cương sẽ không dễ chạy sang cực đoan, không kích động ấu trĩ, mới là đạo làm người chân chính.

Trong giao tiếp cần có chừng mực

Không thân không sơ, không lạnh lùng cũng không quá gần gũi. Mối quan hệ dẫu thân thiết nhường nào cũng cần giữ một khoảng cách nhất định, phải hiểu được “khiêm nhường”. Trong những hoàn cảnh khác nhau với những đối tượng khác nhau cũng nên nói những lời khác nhau.

Trong giao tiếp giữa người với người, lời nói phải có chừng mực. Bông đùa cũng phải có chừng mực, nếu quá đà ngược lại sẽ làm tổn thương tới người khác. Ngay thẳng chính trực không đồng nghĩa với việc nói năng không biết kiêng nể.

Chu Hy từng nói: “Khiêm tốn vốn là một mỹ đức để lại tiếng thơm, nhưng người quá khiêm tốn thì cần đề phòng sự dối trá của họ. Trầm mặc vốn là một đức hạnh tốt, nhưng người quá trầm mặc, cũng cần đề phòng sự gian xảo của họ.”

Hành sự cũng cần như thế

Phàm mọi việc thái quá đều không tốt, mà cần phải nắm vững chừng mực. Đối với được mất cũng phải có “mức độ”. Con người chẳng thể mười phân vẹn mười. Hành sự tiến thoái cũng đều có chừng mực, cần biết theo thời thế mà lên, cũng cần biết thuận theo dòng nước xiết mà dũng cảm thoái lui.

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Chuyên Tôn Sư và Bốc Thương hai người này ai giỏi hơn?” Khổng Tử nói rằng: “Chuyên Tôn Sư hành sự có phần hơi thái quá, Bốc Thương hành sự lại theo không kịp thời thế”. Tử Cống lại hỏi: “Vậy là Chuyên Tôn Sư giỏi hơn chăng?”. Câu trả lời của Khổng Tử là: “Thái quá hay không theo kịp thời thế đều là điều bất cập”.

Trong Kinh Dịch cũng nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” nghĩa là tới tận cùng ắt sẽ biến đổi, biến đổi sẽ thông, thông suốt sẽ được dài lâu. Sự vật sẽ phát triển và chuyển biến ở một điểm nào đó. Hiểu đặc tính này của sự vật thì khi làm bất cứ việc gì đều sẽ giữ được chừng mực, ứng biến linh hoạt, không khiến sự việc đi đến tận cùng.

Thành bại và suy vong, nông sâu, nhanh chậm của đời người, không điều gì không nằm trong một chừng mực nhất định. Làm người cần có chừng mực, đây là cảnh giới cao của kiếp nhân sinh. Hành sự cũng cần có chừng mực, đây là học vấn lớn của kiếp người.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: