Đạo Đức Kinh, trước tác được viết bởi thủy tổ của Đạo gia, tuy rằng chỉ ngắn ngủi có vài nghìn từ nhưng trong hàng ngàn năm qua đã có vô số người nghiên cứu, tìm tòi. Những triết lý nhân sinh và con đường tu luyện ấy vẫn còn vô cùng có giá trị trong xã hội hiện đại.

Năm triết lý nhân sinh cảm ngộ từ Đạo Đức Kinh
(Ảnh minh họa: Thampitakkull Jakkree, Shutterstock)

Sự đối lập thống nhất

Trong Đạo Đức Kinh viết rằng: Thiên hạ khi có cái được cho là đẹp thì cũng phát sinh ra quan niệm về cái xấu, thiên hạ vì cho điều thiện là thiện mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Là vì “có” “không” sinh lẫn nhau, “dễ” “khó” tạo nên nhau, “ngắn”“dài” làm rõ lẫn nhau, “cao” “thấp” dựa vào nhau, “âm” “thanh” hòa lẫn nhau, “trước”“sau” theo nhau.

Lão Tử cho rằng những điều như cao thấp, đẹp xấu, trước sau, phúc họa… đều có sự hỗ trợ lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, là đối lập thống nhất, có cài này thì tất tồn tại cái kia. Thậm chí chúng ở một điều kiện, tình trạng nào đó còn có thể chuyển hóa lẫn nhau. Bởi vậy người xưa cho rằng hết thảy đều không có gì là tuyệt đối. Chuyện tốt có thể biến thành chuyện xấu, chuyện xấu cũng lại có thể biến thành chuyện tốt, cũng chính là “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục” (họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa).

Làm lợi cho người

Chương thứ 8 trong Đạo Đức Kinh viết: Thiện cao nhất giống như nước. Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở chỗ mọi người ghét cho nên gần với Đạo.

Nước được tôn sùng trong Đạo Đức Kinh là bởi một nguyên nhân rất quan trọng: nước hàm chứa tinh thần làm lợi cho kẻ khác. Câu chuyện Khổng Dung nhường lê rất nổi tiếng trong lịch sử thời xưa chính là vì tinh thần này.

Khổng Dung sinh sống vào thời Đông Hán. Ngay từ khi còn nhỏ, lúc Khổng Dung ăn lê thì bản thân lấy quả lê nhỏ, còn quả lê to nhường cho các anh. Việc làm ấy của Khổng Dung được mọi người khen ngợi.

Vì sao người đời lại ca ngợi Khổng Dung như vậy? Đó là bởi vì Khổng Dung “tiên nhân hậu kỷ”, đặt lợi ích của người khác lên trước lợi ích của bản thân mình khi chia sẻ lợi ích, đem những điều tốt đẹp cho người khác còn mình nhận phần kém hơn. Đây chính là tâm làm lợi cho người khác.

Chỉ những người có tấm lòng vị tha, sẵn lòng làm lợi cho người khác mới có một tâm linh cao thượng. Trái lại, nếu như một người bị che mờ vì những ham muốn ích kỷ của bản thân, nhìn vấn đề, làm việc trước sau đều không ly khai khỏi dục vọng của bản thân thì vĩnh viễn chỉ có thể là người “ếch ngồi đáy giếng”, hiểu biết nông cạn.

Không tranh giành

Chương 22 trong Đạo Đức Kinh viết: Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải cho nên mới rõ ràng, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ khoa trương cho nên mới lâu dài. Vì không tranh với ai cho nên không ai tranh giành với mình được.

Một người không tranh giành thì người đó sẽ nằm ở vị trí bất bại. “Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, vách núi dựng cao ngàn nhận, do không có dục vọng mà được vững bền. Một người càng là không để tâm đến được mất, có thể nhẫn, có thể ẩn, có thể lui, có thể nhu thì càng dễ dàng bảo toàn được bản thân, không dễ dàng bị đánh bại. 

Hướng vào nội tại

Chương 33 của Đạo Đức Kinh viết: Người có thể hiểu biết người khác được xưng là cơ trí, người có thể nhận thức chính mình mới được xưng là trí tuệ và thông đạt. Người có thể chiến thắng người khác thì chỉ có thể nói đó là người có năng lực, còn người chiến thắng được chính mình thì mới gọi là người mạnh. Người biết thỏa mãn mới là người giàu có. Người cố gắng kiên trì không bỏ cuộc chính là người có chí.

Một người vô luận là đối với người khác giỏi giang ra sao, cơ trí thế nào, có thể đứng trên người khác bao nhiêu, thì vẫn chỉ là những thành tựu trong thoáng chốc nơi thế giới vật chất, không thể bền lâu. Còn nếu có thể đối với bản thân hiểu rõ, có thể ước chế những điều xấu trong mình, phát triển một nội tâm cường đại và chính nghĩa thì mới thực sự là một người có thành tựu trong sinh mệnh trải qua đời đời kiếp kiếp không phai mờ.

Nghịch hướng

Chương 36 trong Đạo Đức Kinh viết: Trước khi làm cho chùng thì giương ra cho thẳng, trước khi làm cho suy yếu thì giúp cho mạnh thêm, trước khi vứt bỏ đi thì làm cho hưng vượng, trước khi muốn lấy thì hãy cho đi. Như thế gọi là hiểu lẽ vi diệu của Trời. Mềm yếu thắng được cứng mạnh.

Người ta sống trên đời, nên phải học cách nhìn nhận vấn đề từ hai mặt, gọi là vật cực tất phản, cái gì quá thì sẽ không còn tốt. Nước mềm yếu nhỏ xuống lâu dần có thể làm mòn đá, cuồng phong thổi đổ cây cao, nhưng cỏ dại lại bình an vô sự. Làm người hay làm việc cũng như vậy, đừng động chút là to tiếng, đạt được một chút là khoa trương khắp nơi. Cao nhân chân chính thông thường đều cất giấu tài hoa, nhìn qua thì thấy họ như ngu ngơ nhưng thực chất họ lại nhìn nhận mọi việc một cách rất rõ ràng. Cho dù biết bản thân có thực lực lớn mạnh cũng luôn sẵn lòng làm người “thấp điệu”, sẵn sàng ở dưới, nhường người khác ở trên.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: