Thời cổ đại, đa thê là chế độ tương đối phổ biến. Trong các triều đại khác nhau đều có những quy định về điều kiện và số lượng nạp thiếp, đại khái là có liên quan tới địa vị xã hội của người đó (hoàng tộc hoặc cấp bậc quan viên), tài sản của họ cũng phải đủ lớn.

Thời Tống kinh tế phát đạt, coi trọng văn nhân, địa vị của quan văn rất cao. Bắc Tống lại là thời đại rất coi trọng hưởng thụ, nên cuộc sống của quan văn thường rất xa hoa, nhiều quan lại, văn nhân hào hứng với việc nạp thiếp. Trong hoàn cảnh này, có hai danh nhân rất nổi tiếng đương thời lại thủy chung với vợ, đó là Vương An Thạch và Tư Mã Quang. Thậm chí dù vợ hai người đều muốn vun vén, muốn chồng nạp thêm thiếp đi nữa thì hai ông vẫn không đồng ý.

Ngẫm chuyện hai danh nhân thời Tống kiên trì không nạp thiếp
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)

Vợ nạp thiếp, chồng trả thiếp

Vương An Thạch là một vị đại thần thời Bắc Tống, cũng là một trong tám đại văn hào thời Đường Tống. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ tiến sĩ và bắt đầu làm quan một vùng. Năm 46 tuổi ông lên ngôi thừa tướng, một mạch suốt 8 năm liền. Trong triều ông từng có thể hô phong hoán vũ, quyền cao nghiêng ngả.

Với địa vị của Vương An Thạch, làm quan suốt hơn 20 năm, thì nạp thiếp vốn là chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng ông vẫn kiên trì không hứng thú với việc thê thiếp.

Trong cuốn “Hà Nam Thiệu Thị văn kiến lục” của Thiệu Bá Ôn, quyển 11 chép lại một câu chuyện như sau:

Vào năm 40 tuổi, Vương An Thạch đảm nhiệm chức Tri chế cáo (soạn thảo chiếu lệnh). Một hôm, vợ ông mua về một tiểu thiếp, để nàng ta thường ngày hầu hạ Vương An Thạch khi ông bận rộn công vụ.

Vương An Thạch thoái triều về nhà, nhìn thấy một tiểu nữ lạ mặt, trẻ trung, xinh đẹp, thì giật mình hỏi: “Cô là ai? Tới đây làm gì?”

Cô gái nói: “Thiếp là người mà Ngô phu nhân mua về hầu hạ lão gia ngài.”

Vương An Thạch bèn từ tốn hỏi về gia cảnh của cô gái. Thì ra cô vốn là phu nhân của một vị tướng. Trong một lần phụng mệnh áp giải quân lương, không may giữa đường gặp phải gió lớn, lật thuyền, quân lương cũng không còn. Phu quân cô vì bồi thường tổn thất quân lương, nên mang mọi thứ trong nhà thế chấp hoặc cầm cố, nhưng vẫn không gom đủ tiền. Không còn cách nào khác, phu quân đành phải bán cả cô đi.

Vương An Thạch nghe cô gái kể cũng đồng tình, bèn hỏi: “Phu nhân dùng bao nhiêu tiền mua ngươi về?”

Cô gái nói: “Thưa, 90 vạn quan tiền.”

Số tiền này vào triều Tống thời bấy giờ không phải là một con số nhỏ. Nhưng Vương An Thạch không nói gì. Sau đó Vương An Thạch ra lệnh tìm chồng cô gái tới, để anh ta dẫn vợ về, và nói với hai vợ chồng hãy đoàn tụ, chung sống như thuở xưa và không cần trả lại 90 vạn quan tiền. Lúc sắp rời đi, Vương An Thạch còn tặng họ một khoản tiền, để họ có thể bắt đầu lại cuộc sống.

Sau chuyện này Ngô phu nhân không còn mua thiếp về cho ông nữa.

Một danh nhân đương thời nói rằng ông “xem phú quý như phù vân, một vĩ nhân”, bởi ông sống giản dị, không hứng thú với tiền tài danh vọng.

Không vì chuyện hương hỏa mà động lòng

Tư Mã Quang là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông biên soạn cuốn “Tư trị thông giám”, bộ biên niên thông sử đầu tiên của Trung Hoa.

Năm Tư Mã Quang hơn 30 tuổi, ông vẫn chưa có con trai nối dõi tông đường. Một người bạn từng có ơn tri ngộ với Tư Mã Quang bèn để phu nhân của mình thương lượng với vợ Tư Mã Quang, đề xuất giới thiệu thiếp cho Tư Mã Quang, giúp dòng họ Tư Mã duy trì hương hỏa.

Trong suốt lịch sử Trung Hoa thì thời Tống là thời chế độ tông tộc hưng khởi nhất, có thể tưởng tượng việc nối dõi quan trọng như thế nào. Vậy nên vợ Tư Mã Quang suy xét thì liền đồng ý, hứa sẽ không gây khó dễ cho tiểu thiếp.

Một hôm, vợ chồng người bạn chọn được một cô gái ưng ý, bèn đưa tới phủ Tư Mã. Chẳng ngờ Tư Mã Quang không hề để mắt tới cô gái này. Vợ Tư Mã Quang e rằng mình chưa tạo điều kiện cho chồng và tiểu thiếp ở một mình, bèn dặn dò cô gái trang điểm, tới thẳng thư phòng Tư Mã Quang, còn bản thân người vợ thì giả ra ngoài thưởng hoa.

Không ngờ khi cô gái tới thư phòng của Tư Mã Quang thì ông rất đỗi kinh ngạc, nghiêm khắc nói rằng: “Phu nhân ra ngoài rồi, ngươi tới đây làm gì?” Rồi đuổi nàng ta ra.

Phu nhân của Tư Mã Quang cả đời không sinh nở, Tư Mã Quang cũng không nạp thiếp, nên chẳng có lấy một mụn con. Nhưng ông chẳng bao giờ bận lòng về chuyện có con ruột để nối dõi tông đường. Sau này Tư Mã Quang thu nhận một đứa trẻ trong gia tộc làm con thờ tự, tên là Tư Mã Khang.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: