Nhân ngày Sách Việt Nam, mời độc giả đọc lại bài viết “Độc thư cứu quốc” (Tạm diễn nghĩa là đọc sách để vực dậy nước nhà) của Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Nam Phong số 36 tháng 6 năm 1920. Bài viết về mục đích cao quý của sự học này được Phạm Tôn đăng tải lại tại Blog Phạm Tôn (phamquynh.wordpress.com), lấy trong “Phạm Quỳnh: Thượng Chi văn tập” (Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2006).

sự học

*

ĐỘC THƯ CỨU QUỐC
(Mừng các ông tân khoa trường đại học)

Ký giả muốn nhân kỳ thi tốt nghiệp năm nay là kỳ đầu nhất của trường Đại học Đông Dương, khái luận mấy câu về tư cách, địa vị, nghĩa vụ của một người đã có cái học cao đẳng trong xã hội nước ta bây giờ (1920-PT chú) thế nào, tưởng cũng là một cách mừng các ông tân khoa ta vậy. Các ông trong ba năm trời dùi mài học tập, hăm hở nhiệt thành, ra công gắng sức thâu thái những tư tưởng học thuật mới, rắp đem ra ứng dụng với đời, nay công đã thành, danh đã toại, chắc cũng muốn biết quốc dân kỳ vọng ở mình những gì: ký giả xin thay mặt quốc dân cùng các ông bàn phiếm một đôi lời.

Sự học là của báu đệ nhất ở đời, học làm được cho thân hiển vinh, làm được cho nhà tỏ rạng, làm được cho nước phú cường. Học là cái đuốc sáng phá chốn mê thành, nơi ám thất, mà soi tỏ lối văn minh. Học là cái thang cao vượt khỏi chốn hôn mông ngu muội mà lên tới cõi trí tuệ quang minh. Học thật là quí lắm thay! Nhưng học phải có mục đích thì sự học mới có ích, và mục đích cao thấp thế nào thì sự học rộng hẹp thế ấy. Có người lấy sự học làm một vật tô điểm cho trí mình, làm cái màu văn vẻ cho người mình, chỉ ưng bề ngoài tốt đẹp mà không thấu giá trị thâm trầm của sự học. Phần nhiều người coi sự học là cái thang tiến đạt cho mình; có lắm người lại chỉ lấy sự học làm một kế sinh nhai, học để làm nghề này nghiệp kia, ngoại giả không có chí thú cao thượng gì nữa. Những mục đích ấy tuy không phải là không chính đáng, nhưng khí thấp và hẹp, không xứng với tôn chỉ của sự học. Tôn chỉ ấy ở các nước văn minh cao thâm và siêu việt biết dường nào! Học giả các nước ấy không ai là không có chí muốn khám phá những lẽ huyền vi của tạo vật, những điều u ẩn trong tâm tình, những cảnh éo le của xã hội, để phát minh ra chân lý và bổ ích cho người đời. Người nước mình chưa thể có được tôn chỉ cao siêu như vậy, nhưng có thể đặt cho sự học một mục đích cao hơn các mục đích trên kia; người ta học là vị chân lý, vị nhân loại, ta học nên vị nước trước nhất, sự học của ta phải là cái học cứu quốc vậy. Chắc làm người ai cũng phải nghĩ đến thân gia mình trước, thân gia có yên mới nghĩ đến nước được; nhưng ai cũng phải coi nước là cái mục đích tối cao, tới được mục đích ấy sự học mới là hoàn toàn, phải khuynh hướng hết tinh lực cho đạt tới, không nên lấy mục đích nào khác làm trọng hơn vậy.

Học đã là “học cứu quốc” thì tư cách, địa vị, nghĩa vụ của học giả cũng suy đó mà ra. Nhưng trước hết hẵng giải thế nào gọi là cái “học cứu quốc”. Đời nào có sự học của đời ấy. Đời xưa, hồi nước mình còn bế quan toả cảng, chưa giao thông với ngoài, thì học trọng về luân thường đạo lý, lấy duy trì xã hội làm mục đích. Đời nay phong hội mở mang, Á Âu hoà hợp, học bây giờ lại phải trọng về động tác kinh doanh, lấy phú quốc lợi dân làm mục đích. Cái học cũ của ta không thích hợp với đời nay nữa. Nhưng bấy lâu những thương tiếc không nỡ bỏ đi, những di du không muốn thay đổi, đến bị phong trào mới tràn ngập, đặt người mình vào cái thế nguy nguy ngập ngập, đốn toả uỷ mị trong bao năm, cơ hồ không sao cất đầu nổi. Tuy cũng có người miễn cưỡng theo học mới, nhưng trình độ dân còn thấp kém, Chánh phủ (Thời Pháp thuộc- PT chú) chỉ mới ban bố cho cái học sơ đẳng tầm thường đủ làm những bậc hạ lại để phục dịch trong các sở công mà thôi, chưa gọi là học đào tạo nhân tài được. Tuy thế cũng có người vượt được ra ngoài phạm vi ấy, không ai dạy, không ai bảo, không ai đưa đường chỉ lối, mà cũng biết lĩnh được chút học thuật mới, thâu thái được chút tư tưởng mới; thậm chí có người đến cái học sơ đẳng tầm thường của Chánh phủ ban bố cũng không được hưởng mà chỉ vì công khó nhọc, trí thông minh, làm nên sự nghiệp, nổi được danh giá, chẳng kém gì ai, thì đủ biết dân trí mình không đến nỗi bạc nhược cho lắm, và nếu khéo khai thông chẳng bao lâu cũng tấn tới kịp người vậy. Chánh phủ cũng phải công nhận như thế, nên gần đây mới chấn chỉnh việc học, kết quả đến đặt ra trường Đại học mới này, để ban bố cho người Nam một cái học cao hơn cái học các trường “thông ngôn” trước. Tuy cũng gọi là “Đại học” cho tôn nghiêm và so với trường Đại học các nước còn kém xa nhiều, nhưng đối với trình độ nước mình hiện giờ thì cũng là bậc học cao nhất. Thế là người mình từ nay trở đi mới có thể cho là có học vậy, vì cái học từ trước tới giờ mới là cái “học kiếm gạo” hay là cái “học đi làm” mà thôi. Học mới này phải tiếp tục cái học thống cũ trong nước đã đoạn tuyệt bấy lâu và mở đường cho người mình tiến lên cõi văn minh tư tưởng mới; phải chấn loát tinh thần, đề khởi sự nghiệp, phá những thói mê tục hủ, sửa những nết tốt tính hay, nói tóm lại là phải làm thuốc “bổ não” cho khỏi cái cố tật uỷ mị suy đồi, đổi thành tính cương cường mãnh tiến chuộc lại được sự chậm trễ bấy lâu mà phấn phát bước lên cho theo kịp người. Bởi thế nên gọi là học cứu quốc, nghĩa là học để cứu cho nước khỏi yếu hèn mà nên mạnh mẽ. Học giả ví chỉ có cái chí thú “kiếm ăn” hay cái tư tưởng “làm mướn” thì chẳng nói làm chi, nếu còn có chút khí khái cao thượng, biết quên mình mà thờ một lý tưởng cao, thì đã gọi là người “có học” bao giờ cũng phải có cái quan niệm quốc gia ở trong lòng. Các sinh viên trường Đại học ta là hạng thiếu niên tuấn tú trong nước, chắc cũng có hoài bão một cái chí to tát như thế và muốn sau này đem tài học ra giúp cho nước nhà: nếu vậy mới là hợp với mục đích sự học như vừa giải trên kia.

Một danh sĩ nước Tàu đời bây giờ có câu nói rằng: “Kẻ hạ sĩ này chỉ khu khu có một cái chí giữ gìn cho nòi giống, yêu mến lấy nước nhà, và bảo tồn cho sự học vậy” – Học giả trong nước ta, nếu không muốn phụ lòng kỳ vọng của quốc dân, cũng phải có một cái chí như vậy.

Muốn thực hành chí đó cho đạt được mục đích như trên, thì học giả phải gồm những tư cách gì, phải để mình vào địa vị gì, và phải làm trọn những nghĩa vụ gì?

Tư cách một người là gồm những tính hay nết tốt làm cho người ấy xứng đáng nhân cách và hữu dụng với đời. Tư cách một người học hành ở nước ta bây giờ phải cần mẫn, thành thực, đôn đốc, cẩn nghiêm; lại phải có công tâm, biết vị nghĩa; sau hết phải có một quan niệm cao về phẩm giá con người.

Tư cách người ta tuy gốc tự thiên nhiên, vốn trời bẩm thụ, nhưng phần nhiều cũng là bởi người ta tự gây dựng lấy. Cho nên đầu trong tư cách là tính cần lao. Người ta có thân ở đời phải lao động cần cù, kẻ lao động bằng chân tay, người lao động bằng đầu não, ai ai cũng phải cần lao cả. Nỗ lực, lại nỗ lực, cho đến kiệt lực mới thôi, đó là luật của tạo hoá, nghiệp của giống người, không ai tránh được. Trong Thánh thư đạo Gia Tô có một câu Thượng đế bảo ông tổ loài người rằng: “Mày phải đổ mồ hôi nước mắt mới có miếng ăn”, thật là lời vạn cổ châm ngôn cho người ta ở đời. Xét tâm lý người nước mình có cái tính ưa nhàn, cái tính cầu an, thật là hai ác căn phải tiệt đi cho hết. Nói ngay trong bọn học hành, được mấy người sau khi thi đỗ làm nên, sự nghiệp yên ổn rồi, còn ra công học vấn, gắng gỏi trau dồi, cho trí thức rộng thêm, nhân cách hay hơn lên? Thật là ít lắm. Phần nhiều người tốt nghiệp ở nhà trường là tốt nghiệp cả một đời, vì cái công lao động về sau chẳng qua là lao động như cái máy, như cái đồng hồ hằng ngày “tích tắc”, hết vòng lại lên giây, không phải là sự cần lao có ý thức của người biết ma luyện (mài và rèn, như rèn giũa – PT chú) tâm thân vậy. Người ta như loài kim rất quí, phải rèn đúc, mài rũa luôn, thì chất nó mới cứng mới mạnh, nếu để không tất rỉ, han mục nát ra vậy. Bạn thiếu niên ta nên gắng gỏi mà ma luyện cho tấm thân quí báu này, để mai sau thành cái lợi khí quốc gia: cùng một mảnh sắt, mà thanh gươm sắc với con dao cùn khác nhau là bởi sao? Là bởi cái công ma luyện vậy. Người ta có ma luyện mới nên người. Tăng Quốc Phiên là bậc danh nhân ở nước Tàu về cuối thế kỷ 19 có nói rằng: “Tôi bẩm sinh là một người rất đần độn: sau có làm nên được chút sự nghiệp thực là nhờ cái công khắc khổ để lệ (mài giũa, rèn luyện – PT chú) suốt một đời”. Người tài năng còn phải khắc khổ mới nên, huống chi là kẻ tầm thường. Chúng ta nên tập trước nhất cái tính nhẫn nại cần lao.

Lao cần khắc khổ để ma luyện cho tâm thân đó là gốc của tư cách. Nhưng cần lao mà không thành thực cũng không nên công chuyện gì. Một người ra công ráng sức chỉ để dối mình lừa người, tự huyễn diệu (khoe khoang – PT chú) mà huyễn diệu người, dụng tâm toàn bằng giả dối, dẫu có thành công cũng không có giá trị. Người ta phải thành thực, thành thực với mình và thành thực với người; có thành thực với mình rồi mới thành thực với người được. Thành thực với mình là dốc một lòng chuyên một dạ trau dồi cho ngày một hay hơn lên, tốt thêm ra, không có cẩu thả, không có dối trá, không có vị danh lợi bên ngoài mà tự mình mờ hoặc mình, đến không biết chân giá trị thế nào, lấy bề ngoài làm sự thực, lấy ảnh hưởng làm chân thân, gắng gỏi theo đuổi những cái không đâu, để cầu danh với đời, thành ra vừa dối người vừa dối cả mình nữa. Xét trong học giả nước ta nhiều người không thành thực như vậy. Sức học còn kém, tài văn tầm thường, nhờ được buổi “nhá nhem”, dư luận còn hồ đồ, chưa biết phân biệt người hay kẻ dở, kẻ giỏi người hèn, tự riêng mình đã tưởng là thánh thần rồi, dưới mắt không còn ai hơn nữa. Cái tinh tự cao tự đại ấy xét cho kỹ chính là bởi không thành thực với mình. Những bậc “tiểu thánh nhân” kia sở dĩ tự mình huyễn diệu mình như thế là bởi không có cái lòng thành thực mà tự lượng tự xét cho biết cái chân giá trị của mình, nên không biết chỗ khuyết mà bổ và tự gây dựng cho tư cách được hoàn toàn. Nhưng cái tính không thành thực ấy không những là hại riêng cho mình không thể tu luyện mà tinh tiến lên được, lại còn hại chung cho nước nữa, vì phàm tự dối mình thành ra dối người, dối người tất người dối lại, hết thảy đều dối lẫn nhau, đều huyễn diệu nhau, gây ra trong xã hội một cái không khí hư nguỵ khi trá, làm trở ngại đường tiến hoá của quốc dân. Nay kẻ học thức trong nước ta phải ra tay mà phá tan cái không khí mờ đục ấy đi, cho cõi học được sáng sủa trong suốt. Nhưng muốn tiệt cái căn tính giả dối phải tập lấy thói quen thành thực. Học giả phải thành thực với mình, thành thực với sự học, thì mới thành thực với nước được. Đã lấy quan niệm quốc gia làm mục đích cho sự học, thì nếu không thành thực về sự học, còn mong ích lợi gì cho nước. Cho nên dối mình tức là dối nước vậy.

Đã cần lao và thành thực, khi ra thi thố với đời, lại phải đôn đốc mới nên sự nghiệp. Đôn đốc cũng là do thành thực mà ra. Có thành thực mới đôn đốc được. Đôn đốc nghĩa là đã rắp theo một mục đích gì, thì tận tâm tận lực mà theo đuổi cho tới nơi, lấy làm cẩn trọng, không dám sai lời. Thường nhận trong thanh niên ta có cái tính khinh bạc, nhiều người trí thức có cái tính hoài nghi và mấy kẻ tự phụ lại có cái tính ngông cuồng. Mấy tính đó hại cho người mình lắm lắm, nhưng tính khinh bạc của thanh niên còn dễ sửa, vì tuổi cao lên tất người thuần lại, nếu là người có tư chất tốt thì cũng dễ khiến cho có lòng đôn đốc tận tâm về nghĩa vụ; đến như tính hoài nghi, tính ngông cuồng thì khó chữa lắm, vì những người có tính ấy lấy làm tự cao, không biết hại cho sự nghiệp biết dường nào. Nhất là tính hoài nghi, thật là một cái tội với nước. Ở đời chỉ có hai đường: một là đời người đáng sống, đời người đã đáng sống thì có thân ở đời phải có sự nghiệp với đời; nếu sự nghiệp ấy lại có quan hệ đến quốc gia thì lại càng phải nên đôn đốc tận tuỵ mà làm cho nên, không thể thờ ơ lãnh đạm được; hai là đời người không đáng sống, đời người đã không đáng sống thì chỉ nên lánh đời cho yên hay tự diệt cho rồi. Ngoài hai đường ấy, không còn đường nào nữa, nên cái thái độ kẻ hoài nghi, phân vân do dự, không dám bước lên, không dám lui lại, là một thái độ đáng ghét, vì kẻ hoài nghi đã không làm gì thì chớ lại hay bài bác người ta, tự mình không làm gì không ai bẻ được mà thấy người khác hành động chỉ tìm cách làm cho người ta nản chí ngã lòng.

Đến người ngông thì không đáng ghét mà nực cười. Ngông là cuồng, nhưng cuồng cũng có năm bảy cách: có cái cuồng cao thượng những kẻ hào mại siêu quần (tài giỏi vượt hơn người – PT chú), thấy thế tình bỉ ổi, vũ trụ hư không, muốn đem tinh thần ra ngoài vật chất mà phóng đạt tiêu diêu; đó là cái cuồng của ông Trang ông Lão. Nhưng cổ kim có mấy Lão Trang, còn những kẻ giả Trang giả Lão thì chỉ có cái trò cười cho người thức giả. Chớ nên khinh bạc, cũng chớ hoài nghi, lại chẳng dại gì mà làm trò cười cho đời; đã có một mục đích mà theo đuổi, phải nên tận tuỵ cho tới nơi. Phải tập lấy cái tính đôn đốc vậy.

Người đôn đốc tất là người người cẩn nghiêm. Cẩn nghiêm nghĩa là không coi thường, không khinh suất, không sốc nổi, không vội vàng. Thanh niên nước ta nhẹ dạ, người đứng tuổi hay cẩu thả; còn thông quốc (Suốt cả nước – PT chú) đều có tính a dua. Xét lắm việc cử động của người mình, tưởng như là một dân không có não, không biết suy xét nghĩ ngợi, thấy ai làm gì cũng a dua bắt chước, mà lại cẩu thả không thành việc gì. Có người ngoài đã bình phẩm dân Việt Nam là một “dân trẻ con”. Ôi! một nước đã có lịch sử mấy nghìn năm mà là nước trẻ con ư? Sở dĩ có câu bình phẩm đó là bởi cái thông bệnh (thói xấu chung – PT chú) trong nước mình là cái tính nhẹ dạ, việc gì cũng phải suy xét gần xa cân nhắc kỹ lưỡng, đối với hết thảy mọi sự phải tỏ một cái thái độ thận trọng cẩn nghiêm, cho khỏi mang tiếng là dân tộc con nít vậy.

Đã có bất nhiêu tính hay nết tốt như trên, thì tư cách dẫu chưa được hoàn toàn, cũng không đến nỗi bác tạp (lộn xộn, tạp nhạp – PT chú). Không bác tạp là có vẻ thuần tuý; có nhân cách thuần tuý mới xứng đáng là kẻ độc thư quân tử vậy. Nhưng làm người “quân tử đọc sách” mà để mình ra ngoài thời thế ưu du trong bể thánh rừng nho, ở giữa cái đời sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại này, thì sao cho đáng? Cho nên người “độc thư quân tử” lại phải có công tâm, biết vị nghĩa nữa mới được. Học vấn yêm bác (học rộng – PT chú), tư cách tuyệt vời, mà đem tài học ấy ra thi thố với đời, còn gì hay bằng! Nhưng trong khi trì trục (tranh giành – PT chú) ở đời, cái bả lợi danh nó thường cám dỗ lòng quân tử, khiến cho phạm những điều tổn hại nhân cách. Cho nên người quân tử ra đời bao giờ cũng phải hoài bão một quan niệm rất cao về phẩm giá người ta. Làm người ai cũng có phẩm giá, có phẩm giá con người mới hơn loài cầm thú, mà phẩm giá người quân tử phải cao hơn người thường. Người “độc thư quân tử”, nhất cử nhất động phải giữ gìn cho khỏi tổn đến phẩm giá của mình. Công việc ở đời đều có một giới hạn tới đó thì không hại đến danh dự, ra ngoài thì có tổn đến nhân cách; người “độc thư quân tử” tất mỗi lúc biết tự hỏi lương tâm mình mà phân biệt cái giới hạn ấy rất rõ ràng vậy.

Độc thư quân tử, còn huy hiệu gì tốt đẹp bằng! Ký giả xin lấy bốn chữ ấy tặng các sinh viên cùng tân khoa trường Đại học ta.

Còn địa vị trong xã hội, nghĩa vụ với nước nhà, muốn nói cho tường, phải một bài dài nữa mới hết được. Nay hẵng tạm ngừng bút tại đây và chỉ nói qua một câu rằng địa vị ấy rất cao, nghĩa vụ ấy rất nặng, những người đã được hơn quốc dân mà hưởng thụ cái học cao đẳng, đối với quốc dân phải có trách nhiệm đặc biệt, và có thể nói hậu vận nước nhà hay dở thế nào một phần là ở trong tay vậy…

Ôi! Người ta mừng các ông tân khoa, thường hay tặng bài thơ đôi liễn. Nay ký giả mừng bằng một bài luận thuyết dài như thế này, không phải là muốn vì các ông đăng đàn thuyết pháp, dạy lại những người sau này sắp ra dạy quốc dân đâu, không phải thế. Nhưng lòng hi vọng của quốc dân đối với các ông to tát lắm, muốn giãi bày cho hết ý, bàn bạc cho hết lẽ, một bài như bài này cũng chửa thấm vào đâu. Các ông là người tốt nghiệp đầu tiên của trường Đại học thứ nhất ở Đông Dương, muốn mừng các ông cho xứng đáng phải đến mấy bài luận thuyết mới đủ được. Nay gọi là nói qua đại khái, cốt để kỷ niệm một việc đáng ghi trong lịch sử sự học nước nhà vậy.

Phạm Quỳnh