Trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ rất lâu, tiếng trống luôn gắn liền với các ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Âm thanh rộn ràng của tiếng trống chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nói đến tiếng trống hay thì không thể không nhắc đến nghề làm trống. Mà nói đến nghề làm trống thì không thể không nhắc đến trống Đọi Tam. Nhờ được gìn giữ và phát huy, hiện nay nghề làm trống Đọi Tam ngày một phát triển, xứng đáng với truyền thống hàng nghìn năm được ông cha ta gây dựng.

Trống Đọi Tam (Ảnh qua facebook Hồng Ân)
Tiếng trống không thể thiếu trong lễ hội. (Ảnh: Fanpage Đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Làng trống Đọi Tam mang dáng dấp của làng nghề Việt cổ với những cây gạo, cây đa xù xì cả trăm năm tuổi; các cây si tỏa bóng, rễ chảy dài dưới mặt nước; giếng làng, đình làng, địa điểm lưu trữ những nét đẹp văn hóa tâm linh mà ít nơi nào có được. Đâu đó trong làng, người ta luôn nghe thấy tiếng trống bập bùng, tiếng xe gỗ rộn rịp…

Nghề làm trống ở Đọi Tam đã có từ lâu đời (trên 1.000 năm), ông tổ của làng này tương truyền là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Truyền thuyết kể lại rằng năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em họ đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tiếng trống cất lên rền vang như tiếng sấm nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.

Làng trống có tục lệ cha truyền con nối, nhưng lại chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái, con rể. Nếu nhà nào vi phạm quy định thì sẽ bị đuổi khỏi làng hoặc là chịu lời nguyền sẽ không buôn bán được nữa. Chính vì lẽ đó, con trai trong làng biết làm trống từ hồi 12, 13 tuổi.

Khi đến 14, 15 tuổi thì con trai đã theo cha rong ruổi đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cho tới miền núi và vào trong miền Trung, Tây Nguyên làm trống. Nếu thấy chàng trai nào trên vai đeo bọc da trâu và chão thì biết ngay là người làng Đọi Tam. Họ đến làng nào có trống hỏng thì sẽ bưng lại mặt, làng nào muốn có trống mới thì họ sẽ trực tiếp làm.

Quy trình làm trống

Ðể làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống.

Làm da: Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em.

Làm tang: Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít, loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ. Hơn nữa, “gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm”. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu “dăm”, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn.

Bưng trống: Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. Ðinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già.

Còn dùi trống thì làm bằng gỗ xoan, cầu kì hơn thì dùng gỗ gụ, gỗ dổi.

Vẫn là những bước làm trống cơ bản nhưng trống Ðọi Tam nổi tiếng bền, đẹp, do bí quyết riêng cũng như tinh thần trách nhiệm của người thợ. Ngay cả những lúc khó khăn thiếu thốn, Ðọi Tam vẫn duy trì được nghề nhờ truyền thống tương trợ nhau, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng. Ngày nay, các nghệ nhân ở Ðọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nhiều gia đình vẫn lấy nghề làm trống làm nghề chính và đã có cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước.

Đi khắp cả làng Đọi Tam không nhà nào là không làm trống, làng trống xưa kia chỉ lấy nghề làm trống là phụ, vì thời đó trống chưa phát triển, người dân chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông. Giờ đây, khi nhu cầu và do tiếng trống của làng đã vang xa nên làng đã lấy nghề trống làm gốc, duy trì và phát triển.

Có dịp đến Hà Nam, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan làng trống Đọi Tam, để có thể ít nhiều hiểu thêm về công việc làm trống của các nghệ nhân nơi đây, được tận mắt quan sát từng bước tạo nên một chiếc trống hoàn chỉnh và có thể là mang về một chiếc trống nho nhỏ làm quà lưu niệm cho bản thân.

Tiếng trống âm vang ngàn đời…

Đọi Tam giờ đã khác xưa nhiều, công việc làm trống cũng nhàn hơn do có máy móc hỗ trợ, cuộc sống người dân được nâng cao nhưng những truyền thống về làm trống vẫn vẹn nguyên không hề mai một. Hộ làm trống này giúp hộ làm trống khác, giữ gìn nghề ông cha để lại.

Tiếng trống cất lên vang rền cả một vùng trời. Và cũng từ đây, tiếng trống Đọi Tam đã bắt đầu nổi tiếng khắp cả nước.

Có sự tích khác kể về sự nổi tiếng của trống Đọi Tam như sau:

Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hai cụ tổ nghề cùng với trai làng đã sản xuất một dàn trống, đứng ở chân núi Đọi, đánh trống rước vua về kinh. Tiếng trống vang dội, chạm tới lòng người, tới trời đất linh thiêng.

Khi về kinh, vua ban chiếu cho phép người dân Đọi Tam lên kinh thành làm trống phục vụ lễ hội, cung đình. Từ đấy, Hà Nội mới có phố mang tên Hàng Trống. Tiếng trống Đọi vang rền như sấm, vì vậy mà sau khi hai cụ tổ mất, người dân đã lập miếu thờ, tôn là Lăng Trạng Sấm.

Đọi Tam – làng làm trống nổi tiếng nhất của cả nước vẫn đang thích ứng với những thay đổi của sự phát triển xã hội, sự giao thoa giữa nghề cũ và nghề mới để tiếp tục phát huy truyền thống, gìn giữ và bảo tồn nghề. Tiếng trống cất lên cùng những buồn vui của người đời, cùng những thăng trầm của cuộc sống, gần gụi như tiếng trống trường buổi còn cắp sách đi học. Tiếng trống sẽ vẫn còn âm vang trong mỗi con người đất Việt.

Thanh Phong tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video “Sự giáo dục vĩ đại nhất là cảm xúc ôn hòa của người mẹ”: