Rất nhiều tai họa mà một người gặp phải trong cuộc đời đều có nguyên do từ nội tâm của người ấy. Dưới đây là 3 loại tâm thái đáng quý của đời người, khuyết thiếu 3 loại tâm này thì đường đời sẽ rất dễ gặp tai họa, khó có thể bình an vô sự.

3 loại tâm thái giúp tránh tai họa trong đời người
(Ảnh minh họa: Creative Travel Projects, Shutterstock)

Tâm hổ thẹn

Chu Hy viết: “Nhân hữu sỉ, tắc năng hữu sở bất vi”, ý nói rằng một người mà biết hổ thẹn thì sẽ không làm những việc không nên làm. Người biết xấu hổ thì mới có đạo đức tốt, không bị hấp dẫn bởi danh và lợi. Người biết hổ thẹn mới có ý chí kiên định, khi đứng trước được hay mất, nghĩa hay lợi, cộng hay tư, họ mới không bị dục vọng thao túng, thúc ép.

Cổ ngữ nói: “Chỉ có biết sỉ mới có tự tôn”, hay “Người có mặt, cây có vỏ”. Người biết sỉ, biết hổ thẹn với những suy nghĩ, việc làm sai trái luân thường đạo lý thì mới không bị nhục nhã. Người biết hổ thẹn thì biết nhìn nhận đến hậu quả của việc mình làm. Khi làm chuyện sai trái họ sẽ biết hối hận, khi cô phụ kỳ vọng của người khác thì họ sẽ sinh ra tâm áy náy, khi có hành vi không thỏa đáng họ sẽ tự cảm thấy trách nhiệm. Nói chung, người biết liêm sỉ, hành vi của họ sẽ có quy phạm, không tùy tiện phóng túng. Trái lại, người không biết sỉ thì việc gì cũng có thể làm, từ đó các tai họa sẽ nối gót nhau mà đến.

Điều đáng sợ của đời người không phải là làm sai, mà chính là làm sai mà không biết hổ thẹn, không biết sửa sai. Có một số người làm ra những việc tổn hại đạo đức, nhưng lời nói của họ vẫn không có chút ăn năn, lại còn dùng xảo ngôn để biện minh cho mình, thậm chí dùng cách “cưỡng từ đoạt lý” để cho rằng mình đúng đắn. Những người như vậy được xếp vào hạng người vô minh, không phân biệt phải trái, không biết đúng sai, cũng là loại người dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất.

Chỉ người có tâm hổ thẹn mới có thể thủ giữ được lòng ngay chính của mình, mới có thể có được tự tôn. Người như vậy mới có thể giữ được ranh giới, quy phạm làm người, khi làm việc mới biết tiến biết thoái, biết nhận biết xả. Từ đó, họ tránh được các tai ương về sau, tạo phúc cho bản thân và con cháu.

Tâm kính sợ

Lễ Ký viết: “Nếu không bất kính thì dung mạo sẽ nghiêm cẩn, lời nói sẽ an định và trị an được dân chúng”. Kinh Thi cũng viết rằng: “Con người không biết sợ tai họa thì trời sẽ giáng tai nạn xuống cho con người”.

Người mà trong tâm luôn biết kính sợ thì mới biết dừng lại. Trái lại, người mà trong tâm không biết sợ điều gì thì thật sự nguy hiểm.

Người trong tâm biết kính sợ thì mới có thể bảo trì thái độ cẩn trọng, không bị lạc mất tâm trí của chính mình. Những người này, họ không chỉ nhìn thấy được sự hấp dẫn của những điều ngon ngọt mà còn thấy trước được những đau khổ có thể xảy đến. Từ đó họ biết cân nhắc giữa được mất, lựa chọn lấy hay bỏ, làm hay chưa.

Trái lại, con người một khi không có tâm kính sợ thì thường sẽ trở nên không kiêng kỵ gì, hoành hành ngang ngược, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, thậm chí coi trời bằng vung, cuối cùng tự nuốt lấy quả đắng.

Người biết kính sợ cũng là người biết quý trọng sinh mạng của bản thân mình. Bởi vì người mang trong mình tâm kính sợ sẽ có thể dự cảm được những nguy cơ, từ đó giữ được phép tắc, thanh sạch làm người, giữ gìn được ranh giới đạo đức của bản thân mình.

Tâm nghiêm cẩn

Khổng Tử giảng: “Không phải điều Lễ thì không nhìn, không phải điều Lễ thì không nghe, không phải điều Lễ thì không nói, không phải điều Lễ thì không làm”. Những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày lâu dần sẽ ở trong bất tri bất giác mà thay đổi thói quen đạo đức và quan niệm tư tưởng của một người. Khi quan niệm tư tưởng của một người thay đổi, thói quen đã trở thành tự nhiên, thì nó sẽ thể hiện ra ở hành vi của người ấy. Hành vi này sẽ ảnh hưởng, thậm chí làm thay đổi cuộc đời của một người. Vì vậy người ta cần tu dưỡng nội tâm nghiêm cẩn trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm của họ.

Nghiêm cẩn chính là biết tự điều chỉnh, hạn chế bản thân, tự ước thúc bản thân mình. Đó cũng chính là trân quý bản thân mình một cách thực sự. Người biết tự ước thúc, kiểm soát được bản thân sẽ không ngông cuồng dựa vào thế lực, không bị cám dỗ bởi sự tình bên ngoài.

Trong lòng người nghiêm cẩn luôn vững như dãy trường thành, có thể ngăn chặn được sóng cao vạn trượng. Họ có thể giữ được cho mình không phạm phải những điều trái đạo làm người, không làm ra những sự tình tổn đức. Mà để làm được như vậy, họ cần phải là người sáng suốt, biết phân biệt phải trái đúng sai.

Tâm nghiêm cẩn có thể làm thay đổi đường đời của một người. Phàm là những người đạt được thành tựu trong đời đều là người có tâm tự ước thúc, kiểm soát được bản thân mình. Bởi vì người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng giữ gìn phẩm hạnh đạo đức, không giữ được chính mình thì cũng chỉ như đóa hoa nở, chỉ chốc lát sẽ héo tàn, sự nghiệp và cuộc đời cũng sẽ sớm đổ vỡ, tai họa ập đến.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: