Người ta ví nhân hậu như dòng nước chảy ngầm dưới đáy sông sâu, có sức mạnh lớn nhưng lại không hề gợn sóng trên bề mặt. Nhân hậu của một người chính là thể hiện của phẩm cách, là tâm thái đáng quý và cao thượng. Một người nhân hậu nhất định sẽ có hậu phúc cho nên xưa nay những người già đều khuyên bảo con cháu rằng làm người thì phải hiền lành, nhân hậu. Nhưng như thế nào mới là một người nhân hậu?

Người phụ nữ càng dịu dàng như nước, người đàn ông sẽ càng thành đạt
(Ảnh minh họa: Saravutpics, Shutterstock)

1. Không chiếm lợi ích của người khác

Bào Thúc Nha và Quản Trọng là một đôi bạn nổi tiếng thời Xuân Thu. Hai người cùng nhau buôn bán và mỗi lần chia lãi thì bên nhiều bên ít. Bào Thúc Nha thường lấy phần nhiều đưa cho bạn vì nghĩ gia cảnh bạn nghèo túng, có cha mẹ già cần phụng dưỡng.

Sau này khi Tề Hoàn Công yêu cầu Bào Thúc Nha làm tể tướng phò tá mình an bang trị quốc, Bào Thúc Nha đã khảng khái từ chối, còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng, khẳng định rằng chỉ có Quản Trọng mới có tài năng giúp vua thực hiện đại nghiệp. Cũng từ khi Tề Hoàn Công có Quản Trọng, nước Tề cường thịnh, Tề Hoàn Công xưng bá thiên hạ.

Hậu nhân tôn sùng tài năng của Quản Trọng, lại càng cảm phục khí khái của Bào Thúc Nha. Bào Thúc Nha nhân hậu không chiếm lợi ích của người khác, cho dù là ở trong hoàn cảnh nào, đức trước lợi ích hay danh vọng, thì họ cũng đều sống rất minh bạch, cởi mở, thoải mái và chính trực.

2. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” có ghi chép một câu chuyện như vậy. Tại Phúc Kiến có một vị quan làm đến chức tam công, tên là Dương Vinh. Cụ và ông nội của Dương Vinh thời nhà Minh từng làm nghề chèo thuyền mưu sinh.

Một năm, quê hương của họ bị nạn lụt lớn. Cụ và ông nội của Dương Vinh chèo thuyền, chỉ “một lòng cứu người” mà không lấy tiền công, cũng không để ý vớt của cải trong lũ. Có người trong vùng biết chuyện cười chê họ. Nhưng sau khi Dương Vinh sinh ra, từ thuở nhỏ đã thông minh nhanh nhẹn, rất có tài trí, lại ham đọc sách. Lúc lên 20 tuổi, ông thi đỗ kỳ thi của triều đình, sau làm đến tam công. Hoàng đế cũng gia phong cụ cố, ông nội và phụ thân Dương Vinh. Đến đời sau, con cái của Dương Vinh cũng hưng vượng với nhiều người có danh vọng.

Gặp người nguy hiểm khó khăn thì ra tay cứu giúp, không so đo tính toán thiệt hơn, đây chính là nhân hậu. Người có thể đặt mình vào người khác, đồng cảm với nỗi bi thương và nỗi khó khăn của người khác mới có thể làm được như vậy.

Người nhân hậu biết suy nghĩ cho người khác, chỉ cần việc bản thân có thể làm cho người khác, họ sẽ dốc sức mình để làm. Cho nên, từ xưa đến nay khi kết giao với những người nhân hậu thì người ta không phải đề phòng, lo lắng bất kể điều gì.

3. Nhớ ơn và báo ơn người khác

Một người muốn nuôi dưỡng lòng nhân hậu của bản thân mình thì phải luôn nhớ ơn những người đã từng chăm sóc, giúp đỡ mình. Không chỉ thường ghi nhớ ân nghĩa của họ trong lòng mà phải thường xuyên thăm hỏi những người đã từng dạy dỗ mình, báo ơn những người đã từng chăm sóc mình.

Cổ nhân có câu: “Hậu kỷ giả, tất bạc tha nhân”, ý nói người hậu đãi bản thân mình thì ắt sẽ bạc đãi người khác. Người chỉ biết mình thì tất sẽ khó có thể đối đãi với người khác một cách ôn nhu, nhân hậu. Bởi vậy, người có lòng nhân hậu luôn biết ơn và tìm cách báo đáp ơn người khác, dùng tấm thâm tình để đối đãi với người khác.

4. Bao dung và tha thứ cho người khác

Một người kiêu ngạo và tự mãn thường khó bao dung được người khác. Một người độc đoán khi nghe thấy lời phê bình của người khác cũng sẽ khó chịu, thậm chí lập tức đối đầu. Người nhân hậu mang tấm lòng bao dung, có một tâm thái cao thượng, ở đâu cũng khiến không khí trở nên hòa hoãn, an yên. Cho nên để trở thành một người nhân hậu, cần giảm nhẹ một phần trách cứ, nhiều thêm một phần khoan dung.

5. Không trách móc, gây khó dễ cho người khác

Cổ nhân giảng: “Nhân vô thập toàn”, người ta dù ít hay nhiều đều có khuyết điểm. Khi một sự việc đã xảy ra rồi mà buông lời trách mắng cho hả giận thì sẽ làm tổn hại tới lòng nhân hậu của mình, đồng thời cũng khiến đối phương càng thêm khó chịu, tiêu cực hơn.

Đại thần nhà Tống, Phạm Thuần Nhân răn dạy con rằng: “Người dốt nhất cũng có thể sáng suốt khi trách cứ người khác, thế nhưng một người vô cùng thông minh thì khi khoan thứ chính mình cũng có thể hồ đồ. Nếu một người có thể dùng tâm trách cứ người đến trách cứ mình, dùng tâm tha thứ mình đến tha thứ người khác thì không sợ không đạt được địa vị của thánh hiền”.

Đối xử nhân hậu với người khác chính là chừa lại cho người khác một đường lui. Người nhân hậu không chỉ trích quá mức, cũng không gây khó dễ cho người khác, ngay cả khi người khác có lỗi với họ.

6. Làm tròn bổn phận của bản thân

“Bổn phận” nói ra thì rất giản dị, đó là làm những việc mình nên làm, tận tâm tận sức với những việc là nghĩa vụ của mình. Không thể hồ đồ làm việc, cũng không thể lơ là không làm tròn chức trách. Nghiêm túc làm tốt những việc trong bổn phận của mình cũng chính là thủ giữ tốt bổn phận của bản thân mình.

Bổn phận của người làm thầy là giáo dục ra những học trò tốt, bổn phận của người làm quan là chăm lo cho dân, bổn phận của người đầu bếp là nấu ra những món ăn thật ngon theo yêu cầu…

Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp một số người làm việc “không đầu không đuôi”, “làm trước quên sau”, không làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình. Những người như vậy khi được phân công việc gì cũng khiến người khác không an tâm, trái lại còn lo âu, lưỡng lự.

Người nhân hậu có được bản tính lương thiện thì tự nhiên sẽ biết được bổn phận của bản thân và tận lực làm tốt những gì mình nên làm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: