Trong thời nhà Đường, việc thi cử đã được mở rộng, cho phép các Cống sĩ Giao Châu, Ái Châu được ứng thí để đỗ đạt làm quan. Một trong số rất ít ỏi Cống sĩ người Việt đỗ đạt và thành danh thời kì này là Liêu Hữu Phương.

1. Liêu Hữu Phương (廖有方) được nhiều sách vở Trung Quốc nhắc đến như một con người tài năng và nghĩa khí. Tuy nhiên thân thế của ông hiện nay vẫn chưa khảo được rõ ràng. Các sách vở Trung Quốc chỉ ghi nhận ông người Giao Châu(1), riêng cuốn Toàn Đường thi đại từ điển (Ngữ văn xuất bản xã, 2000, tr.60) lại nói rõ thêm rằng: “Liêu Hữu Phương: Người Giao Châu (nay là Hà Nội, Việt Nam)…” (?). Việc ông có thực là người Hà Nội không, tới nay chưa thể khảo sát được, nhưng một điều chắc chắn ông là người Việt Nam(2). Năm sinh năm mất của ông cũng không xác định được. Căn bản có thể tóm tắt tiểu sử của ông như sau: Ông sinh tại Giao Châu vào cuối thế kỉ thứ VIII. Sau khi học hành tu dưỡng, vượt qua những kì thi ở địa phương, tự tin vào sức học của mình, năm Ất Mùi, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 10, đời nhà Đường (năm 815), ông lên đường vào kinh đô Trường An dự thi, nhưng không đậu. Buồn vì hỏng thi, ông ngao du đất Thục rồi năm sau trở lại thi, đậu Tiến sĩ, đổi tên là Du Khanh, được bổ chức Hiệu thư lang, sau được thăng chức lớn(3).

2. Thời gian trước khi đỗ Tiến sĩ, ông giao du với nhiều người thuộc tầng lớp quý tộc và trí thức ở Trường An. Là người chịu khó, ham học hỏi kết hợp với tài năng vốn có, ông đã gây được sự chú ý và tôn trọng của nhiều người. Tiêu biểu nhất là quan hệ của ông với một trong những học giả hàng đầu Trung Hoa thời bấy giờ, Liễu Tông Nguyên(4).

Liễu Tông Nguyên khi ấy đã là một học giả có danh vọng nức tiếng khắp Trung Hoa. Sau sự kiện cách tân không thành (năm 805), Liễu Tông Nguyên bị biếm chức, kẻ xấu thì tìm cách gièm pha hãm hại, nhiều người khác thì né tránh sợ mang vạ. Liêu Hữu Phương với tinh thần học hỏi đã tìm đến ông, nhờ ông xem giúp và viết lời tựa cho tập luận văn của mình. Cảm kích trước tài năng và tinh thần cầu thị của Liêu Hữu Phương, Liễu Tông Nguyên đã viết thư gửi Liêu Hữu Phương với lời lẽ rất chân thành. Thư viết:

“Ngày 3, Tông Nguyên rằng: Từ khi nhận được thư của Tú tài, biết rằng muốn ta viết cho lời tựa. Nhưng ta viết văn, không cẩu thả, khinh thường. Với Tú tài, ta không dám yêu mến. Lúc ta ở kinh đô, thường hay đem văn chương mà tỏ lòng yêu chuộng đối với kẻ hậu bối, kẻ hậu bối nhờ bài văn (giới thiệu) của ta mà được người ta biết đến cũng không phải là ít. Từ khi gặp phải sự gièm pha xua đuổi cấm đoán, càng bị bọn tiểu nhân đáng khinh làm ầm ĩ, kết bầy kéo cánh tô vẽ thêm muôn vẻ. Kẻ trên đường bảo thẳng ta bẩn thỉu quá đỗi, ta từ bỏ tất thảy và tránh xa nó, nay lại chẳng biết tự liệu mà viết bài tựa cho Tú tài. Tú tài chẳng những xưa nay chưa có được lợi mà lại chịu liên lụy về sau, ta lấy đó làm sợ hãi. Quần áo sạch đẹp mà lại đem ra làm công việc vác bùn, thì còn lấp liếm (cái sự dơ bẩn ấy) thế nào đây? Nhưng thấy Tú tài chăm chỉ mà thành thực, tấm lòng thật là bền bỉ, không chút tư lợi, muốn đạt tới cái văn nhã, thì ta sao dám bỏ qua? Chính vì Tú tài nên (ta) mới nói như vậy. Đã như vậy, chẳng tỏa sáng ở đời này, xem ra cũng không bị kẻ dung tục kích động, mới nói điều đó. Đã không làm liên lụy tới Tú tài, cũng chẳng trách cứ thêm gì ta được, phòng điều không phù hợp. Nếu có thể, thì ta cũng đã nói bừa rồi. Tông Nguyên bày tỏ.”(4)

E ngại quan hệ sẽ làm tồn hại tới đường công danh của một con người tài năng, nghĩa khí, nhưng ông vẫn viết lời tựa cho tập luận văn của Liêu Hữu Phương với lời lẽ rất trân trọng:

“Giao Châu nhiều đồng(5), châu ngọc, đồi mồi, voi, tê giác. Sản vật đất ấy đều kì lạ, đến cả cỏ cây cũng khác thường. Ta từng lấy làm lạ rằng cái vẻ rực rỡ của ánh sáng mặt trời lại chỉ chiếu rọi cho vẻ đẹp lạ thường của bao hoa cỏ, mà lại ít tập trung vào con người. Nay Liêu sinh là người mạnh mẽ trung hậu, hiếu đễ tín nhượng, đem cái phẩm chất bên trong ấy mà thể hiện ra thành văn chương bên ngoài. Cho thơ Đường có được cái đạo cao nhã, có phải vốn được tập hợp ở chỗ ánh sáng mặt trời (chiếu rọi) chăng? Quả là có thể vậy, nên ta đã không cho rằng anh ta là người thường, thực cũng là hiếm có ở trên đời.”(6)

Liễu Tông Nguyên là người phương Bắc, vẫn nghe nhiều điều kì thú về phương Nam, nhưng quan niệm về “người tài giỏi” của ông có lẽ cũng chỉ bó gọn trong số những người đỗ đạt hiếm hoi mà ông biết. Để rồi khi đọc luận văn của một Tú tài Giao Châu, ông cũng phải kinh ngạc mà thốt lên: “Cho thơ Đường có được cái đạo cao nhã” (Vị Đường thi hữu đại nhã chi đạo). Đó là lời ngợi khen, và hơn thế, là một sự kinh ngạc trước tài năng của một Tú tài xuất thân từ vùng đất “man di”, vốn chỉ nổi danh với nhiều sản vật lạ mà ít được biết tới với những con người tài năng. Lời nhận xét trong bài tựa cũng thống nhất với ý kiến trong bức thư gửi Liêu Hữu Phương ở cái “văn nhã”, “cao nhã”, cái cảm nhận rõ nét nhất mà Liễu Tông Nguyên thấy toát lên từ văn chương của Liêu Hữu Phương.

3. Thơ của Liêu Hữu Phương có lẽ không ít, nhưng hiện chỉ còn lại một bài thơ. Đây cũng là bài thơ duy nhất(7) của người Việt được in trong Toàn Đường thi. Bài thơ như sau:

Đề lữ sấn

(Nhất tác táng Bảo Kê nghịch lữ sĩ nhân minh thi)

Ta quân một thế ủy không nang,
Kỉ độ lao tâm hàn mặc trường.
Bán diện vị quân thân nhất đỗng,
Bất tri hà xứ thị gia hương.(8)

Dịch nghĩa:

Viết trên áo quan người lữ khách

(Một bài thơ chôn cất người học trò đi đường ở Bảo Kê)

Cảm thương anh khi chết để lại cái túi rỗng không,
Bao năm vất vả chuyện học hành thi cử.
Chỉ mới gặp anh đã phải nói lời chua xót,
Vẫn còn chưa biết quê nhà anh ở nơi nào.

Dịch thơ:

Khóc anh nằm xuống túi rỗng không,
Bút mực bao phen đã nhọc lòng.
Mới gặp đây thôi giờ đã biệt,
Quê anh đâu xứ vẫn chửa tường.(10)

Một bài thơ nhỏ nhưng đã gây một tiếng vang rất lớn bởi bài thơ ra đời từ một nghĩa cử, một câu chuyện cảm động. Sách Thái Bình quảng kí(11) quyển 167, phần “Khí nghĩa 2” dẫn theo Vân khê hữu nghị(12)(Phạm Thu, đời Đường) đã ghi lại câu chuyện đó như sau: Liêu Hữu Phương vào năm Ất Mùi, niên hiệu Nguyên Hòa (815) đi thi không đậu bèn đi vào đất Thục du chơi, tới mạn tây huyện Bảo Kê, ở trong một nhà trọ. Ông bỗng nghe thấy tiếng người rên rỉ, lắng nghe thì thấy tiếng rất nhỏ và yếu ớt. Ông tìm thấy một người thiếu niên nghèo khổ lâm bệnh nặng trong một căn phòng. Liêu Hữu Phương hỏi người thiếu niên mắc phải bệnh gì, quê ở đâu. Người thanh niên gắng sức đáp: “Tôi vất vả thi nhiều lần, vẫn chưa gặp được người tri âm”. Sau đó anh ta nhìn hướng về Liêu Hữu Phương khấu đầu lạy, hồi lâu mới nói: “(Sau khi tôi chết) chỉ xin đem nắm xương tàn này cậy nhờ anh thôi”. Liêu Hữu Phương không đáp, muốn chạy chữa cho anh ta, nhưng không lâu sau người thiếu niên chết. Liêu Hữu Phương đem bộ yên cương và con ngựa mà mình vẫn cưỡi bán rẻ cho một nhà phú hào giàu có trong thôn, đem số tiền đó mua quan tài an táng cho người thiếu niên. Liêu Hữu Phương ân hận vì không biết họ tên người thiếu niên, cùng là người đi thi mà lại gặp phải chuyện bi thương. Liêu Hữu Phương bèn làm bài thơ: Viết trên áo quan người lữ khách.

Liêu Hữu Phương từ Tây Thục trở về, qua lối Đông Xuyên, tới trạm dịch Linh Khám. Người đứng đầu trạm dịch mời ông vào nhà. Liêu Hữu Phương nhìn thấy vợ người đứng đầu trạm dịch mặc tang phục màu trắng chào ông mà khóc, biểu lộ hết sức bi thương, lưỡng lự muốn nói gì đó, tiếp đãi ông như đối đãi với người thân. Họ giữ ông ở lại nửa tháng, ngay đến người hầu và ngựa đều được chăm sóc rất tốt, đồ ăn toàn là món ngon, thể hiện hết mức cái tình chủ khách. Liêu Hữu Phương không biết nguyên nhân vì sao, trong lòng vô cùng không yên. Đợi đến lúc chia tay, vợ người đứng đầu trạm dịch lại khóc lóc thảm thiết, còn tặng Liêu Hữu Phương một bọc gấm rất giá trị. Người đứng đầu trạm dịch nói với Liêu Hữu Phương: “Người mà ông an táng mùa xuân năm nay là Tú tài Hồ Quán, chính là người em út của vợ tôi”. Đến lúc này, Liêu Hữu Phương mới biết tên họ của người thiếu niên đã chết ấy. Ông cũng kể lại chuyện an táng người thiếu niên khi ấy, nhưng không dám nhận món quà tặng chia tay. Người đứng đầu trạm dịch cùng vợ ông ta kiên quyết xin ông nhận lấy. Liêu Hữu Phương bèn nói: “Tôi làm một trang nam tử, hiểu chút đạo lí làm người xưa nay, ngẫu nhiên an táng cho một người cùng đi đường, không dám nhận hậu ân ấy”. Nói xong, ông bèn thúc ngựa đi. Người đứng đầu dịch trạm cũng cưỡi ngựa theo tiễn ông, hai người đi qua thêm một trạm dịch nữa mà vẫn chưa chia tay. Liêu Hữu Phương không nhận món quà tặng, người đứng đầu dịch trạm nắm tay áo ông cáo biệt, lưu luyến mỗi người mỗi ngả, món quà tặng cuối cùng bỏ lại ngoài bãi rừng. Hương lão đem chuyện nghĩa khí này báo lên châu, châu tâu lên triều đình. Văn võ bá quan biết được đều muốn làm quen với Liêu Hữu Phương, giới thiệu cho nhau để gặp ông. Năm sau, Lí Phùng Cát chủ trì kì thi, Liêu Hữu Phương thi đỗ. Ông đổi tên là Du Khanh, tiếng tăm truyền khắp cõi, được xưng truyền là “Hoàng Đường chi nghĩa sĩ”. Người đứng đầu dịch trạm nọ là Đái Khắc Cần, cũng được Tể tướng ra công văn tiến cử cho Tiết độ sứ đất ấy, xét cho thăng chức quan lên đến chức cao nhất có thể. Từ đó, tiếng tăm Đái Khắc Cần và Liêu Hữu Phương cùng được truyền đi khắp nơi.(13)

Bản thân sự đánh giá của sử sách Trung Hoa đã đủ nói lên thái độ của người Trung Quốc đối với Liêu Hữu Phương. Nhiều thư tịch Trung Hoa trải suốt Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều chép lại câu chuyện này về Liêu Hữu Phương với niềm kính trọng.

4. Chúng ta luôn tự hào với những con người làm vẻ vang đất nước, dân tộc. Ngay trong thời gian đất nước bị đô hộ, những con người ấy vẫn làm rạng danh dân tộc, khiến người phương Bắc phải tôn trọng, không thể có cái nhìn miệt thị như họ vẫn thường làm trước đó. Liêu Hữu Phương là một người Việt như thế.

ThS. Dương Tuấn Anh
Đại học Sư phạm Hà Nội

Đăng lại từ bài viết: Tư liệu về một người Việt trở thành “Hoàng Đường chi nghĩa sĩ”
Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008; Tr.70-74
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm (hannom.org.vn)

Chú thích:

(1) Các sách Trung Quốc bách tính thủ danh từ điển, Đại học xuất bản xã, 2003, trang 1558; Trung quốc nhân danh đại từ điển, Thương vụ ấn thư quán, 2003, tr.1353; Toàn Đường thi đại từ điển, Ngữ văn xuất bản xã, 2000, tr.60… và nhiều sách cổ khác của Trung Quốc đều xác nhận điều này.

(2) Điều này phải khẳng định rõ bởi có gia tộc họ Liêu ở Quảng Châu nhận Liêu Hữu Phương xuất thân ở đây. Cần nói thêm rằng, cũng có thể có một bộ phận người Trung Quốc trong quá khứ di cư vào sinh sống trên vùng đất Giao Châu (nay là lãnh thổ Việt Nam), nhưng Liêu Hữu Phương khi vào Trung nguyên thi đã lấy tư cách là Cống sĩ của Giao Châu.

(3) Sách Toàn Đường thi đại từ điển(Sđd) chỉ ghi ông được thăng “hiển chức”, không rõ cụ thể là chức gì, chưa khảo được.

(4) Liễu Tông Nguyên (773 – 819) là nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà văn hoá lớn đời Đường.

(5) Liễu Tông Nguyên toàn tập, quyển 34, phần Thư. Nguyên văn chữ Hán như sau:

答貢士廖有方論文書

三日,宗元白:自得秀才書,知欲仆為序。然吾為文,非苟然易也。于秀才,則吾不敢爱。吾在京都时,好以文寵后辈,后辈由吾文知名者,亦為不少焉。自遭斥逐禁锢,益為輕薄小兒嘩嚣,群朋增飭無状,當途人率谓仆垢污重厚,举将去而远之。今不自料而序秀才,秀才無乃未得向时之益,而受后事之累,吾是以惧。洁然盛服而與負涂者处,而又何赖焉?然觀秀才勤恳,意甚久远,不為顷刻私利,欲以就文雅,則吾曷敢以让?當為秀才言之。然而無显出于今之世,視不為流俗所扇動者,乃以示之。既無以累秀才,亦不增仆之詬骂也,計無宜于此。若果能是,則吾之荒言出矣。宗元白。

(6) Nguyên văn: “nam kim”, chỉ loại đồng sản xuất ở phương nam Trung Quốc, cũng để chỉ những đồ quý giá, còn được dùng để chỉ người phương nam tài giỏi.

(7) “Bài tự tặng nhà thơ Liêu Hữu Phương”, dịch từ Toàn Đường văn, quyển 579. Nguyên văn chữ Hán như sau:

送詩人廖有方序交州多南金、珠玑、毒瑁、象犀,其產皆奇怪,至于草木亦殊异。吾嘗怪陽德之炳耀,独发于纷葩瑰丽,而罕鍾乎人。今廖生剛健重厚,孝悌信讓,以质乎中而文乎外。為唐詩有大雅之道,夫固鍾于陽德者耶?是世之所罕也。今之世,恒人其于纷葩瑰丽,則凡知貴之矣,其亦有貴廖生者耶?果能是,則吾不謂之恒久也,实亦世之所罕也。

(8) Theo Toàn Đường thi đại từ điển, Ngữ văn xuất bản xã, 2000, tr.28, có một nhà thơ nữa cũng là người Giao Châu, họ Liêu, pháp danh Quảng Tuyên, để lại 17 bài trong Toàn Đường thi. Nhưng các sách vở khác, đặc biệt là các sách cổ đều xác nhận ông là người đất Thục, thuộc Trung Quốc ngày nay.

9) Toàn Đường thi, quyển 490, bài thứ 7. Nguyên văn chữ Hán như sau:

题旅櫬(一作葬宝雞逆旅士人铭诗)嗟君没世委空囊,几度劳心翰墨场。半面為君申一慟,不知何處是家鄉。

(10) Người viết dịch.

(11) Thái Bình quảng kí, là một cuốn sách quy mô lớn, chuyên ghi lại những chuyện dã sử từ đời nhà Hán đến đầu đời nhà Tống. Sách có giá trị rất lớn khi tìm hiểu các nhân vật, các địa danh… Sách do người đời Tống soạn, ra đời trong khoảng niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 – 984) nên có tên như vậy.

(12) Vân khê hữu nghị (雲溪友議) của Phạm Thu (范摅) đời Đường soạn. Tác giả không rõ năm sinh năm mất, người đất Ngô (nay thuộc huyện Ngô, tỉnh Giang Tô) đời Đường Hi Tông, sống ở đất Việt, tự xưng là Ngũ Vân Khê Nhân. Sách này ghi lại những chuyện tản mạn từ khoảng Trung Đường trở về sau, ngoài ra còn ghi chép một số chuyện quỷ thần. Các chuyện về thơ ca, ngâm vịnh, thi nhân thời Vãn Đường trong đó không chỉ cung cấp thông tin về các bài thơ thời Đường mà còn giúp người ta tìm hiểu sự tích, câu chuyện của các nhà thơ.

(13) Toàn văn chữ Hán như sau:

廖有方,元和乙未歲,下第游蜀。至寶雞西,适公館。忽聞呻吟之聲。潜听而微惙也。乃于間室之内,見一貧病儿郎。问其疾苦行止,强而對曰:“辛勤数举,未偶知音。眄睐叩头,久而复语。唯以残骸相托”。余不能言。拟求救疗,是人俄忽而逝。遂賤鬻所乘鞍與于村豪,备棺瘗之,恨不知其姓字。苟為金門同人,臨歧凄断。复為銘曰:“嗟君殁世委空囊,几度劳心翰墨场。半面為君申一慟,不知何處是家鄉”。后廖君自西蜀回,取东川路,至灵龛驿。驛将迎歸私第。及見其妻,素衣,再拜鳴咽,情不可任,徘徊设辞,有同亲懿。淹留半月,仆與皆饫。掇熊虎之珍,极主之分。有方不測何缘,悚惕尤甚。臨别,其妻又悲啼,贈贐缯錦一馱,其价值数百千。驛将曰:“郎君今春所葬胡绾秀才,即某妻室之季兄也”。始知亡者姓字。复叙平生之吊,所遗物终不纳焉。少妇及夫,坚意拜上。有方又曰:“仆为男子,粗察古今。偶然葬一同流,不可當兹厚惠”。遂促辔而前,驿将奔骑而送。复逾一驛,當未分离。廖君不顧其物,驿将執袂。各恨東西,物乃弃于林野。鄉老以義事申州。州将以表奏朝廷。文武宰寮,愿識有方,共為导引。明年,李逢吉知舉,有方及第,改名游卿,聲動華夷,皇唐之義士也。其主驛戴克勤,堂帖本道节度,甄升至于极職。克勤名義,與廖君同遠矣。