Khi những hạt mưa phùn mùa xuân lất phất bay, hoa nhãn bắt đầu đơm bông, tỏa sắc. Không ngào ngạt hương như hoa cau, hoa bưởi, những bông hoa nhãn bé xíu, trắng ngà, kết thành từng chùm nhẹ nhàng tỏa hương, dịu ngọt thu hút những chú ong chăm chỉ về hút mật. Hương nhãn lan tỏa khắp chốn kinh đô xưa, góc chùa cổ, nẻo phố quen, quyến luyến bước chân người.

Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế
Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế

Những ngày tháng 7, nếu viếng thăm cố đô Huế, bạn sẽ không khỏi cảm giác thích thú khi bắt gặp hình ảnh những hàng nhãn ven đường trĩu quả hay có thể dừng chân bên gánh nhãn còn tươi lá ở các nẻo đường.

Nhãn Huế chỉ cho quả khi cây đủ độ già, nên tích tụ vào trái cây những hương vị đặc biệt. Ở Huế, nhãn không chỉ trồng rải rác trong vườn dân, đường phố, đường làng mà còn trồng ở các khu di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Không giống như những loại nhãn khác, nhãn Huế quả nhỏ, ngọt nhưng không hắc; cùi dày vừa phải, ráo nước, không quá giòn mà cũng chẳng quá dai. Ở Huế nhãn ngon có tiếng là nhãn ở vùng đất Kim Long, ở bên Thành Nội.

Nhãn Huế sẽ ngon, to quả hơn khi được lồng. Những năm lại đây, người dân ít lồng nhãn vì tiền công cao (10.000 đồng/ lồng trong khi giá mỗi cân bán ra 40 – 60 ngàn đồng tùy loại). Ngoài ra, nhãn hay bị hái trộm nên gia chủ đành hái non, nhất là những cây nhãn nằm gần đường đi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình, công sở chấp nhận lồng nhãn, đặc biệt là những cây nhãn ráo bởi chúng có vị thơm, ngọt đặc biệt.

Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế

Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn từng ví von:

Tình cảm gái Huế như trái nhãn lồng Đại Nội. Trái nhãn nội phủ tự nó vốn đã trơn tru, dày cơm, mọng nước rồi. Chỉ cần cắn vào trái nhãn căng tròn sức sống thiên nhiên cũng đủ ngọt ngào, sóng sánh cả môi, răng. Vậy mà người Huế cũng phải đem mo cau hay giỏ tre để lồng lại; để bó những trái nhãn trầm mình trong khuôn khổ. Những trái nhãn lồng là hiện thân của những người con gái Huế. Phải biết lồng trái tim giữa mùa ươm trái dậy thì. Mơ mộng, lãng mạn, đam mê, vương vấn, dậy sóng tới đâu… thì cũng phải ‘lồng’ mới chín mọng, mới ngọt ngào, thơm tho, danh giá được.

01
Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế

Bên góc nhỏ của chợ Đông Ba, bà Nguyễn Thị Hương (65 tuổi), được xem là một trong những người có thâm niên lâu nhất với hơn 30 năm trong nghề bán nhãn Huế. “Nhãn lồng Huế ngon, cơm dày, ngọt thanh và hơn nhãn trong nam, nhãn Thái, nhãn Hưng Yên… Muốn mua được nhãn lồng chính gốc Huế phải đặt hàng từ chủ vườn tận Kim Long, Thủy Biều từ khi nhãn vừa ra hoa”, bà Hương mở đầu câu chuyện về nhãn lồng xứ Huế với một vị khách ngoại tỉnh.

06
Ngọt thanh nhãn lồng xứ Huế

Như một bản năng của người buôn trái cây sành sỏi, bà Hương nhanh nhảu chỉ cho người mua nhiều cách để nhận biết nhãn lồng của Huế và những nơi khác. Theo bà, nhãn Huế không khó nhận diện bởi hình dạng trái không lớn, tròn đều. Vỏ nhãn có đường gân xanh, dày và dai. Khi ăn, nhãn Huế có vị ngọt thanh bởi cơm nhãn có màu rất trong, ruột ít nước hơn nhãn Thái. “Nhìn bằng mắt thường thôi chưa đủ. Mua nhãn phải ăn thử một đến hai quả mới biết đích thực có phải nhãn lồng Huế hay không…”, người chủ hàng xởi lởi mách nước. “Cơm trong, thanh ngọt, mùi thơm nhẹ nhàng”, những người bán nhãn đúc kết về nhãn Huế bằng một câu gói gọn như thế!

08
Chè nhãn hạt sen.

“Ngày trước, khi nhãn lồng xứ Huế được trồng nhiều thì những người làm công việc lồng nhãn rất thịnh. Họ được các chủ vườn nhãn săn đón và thường trả công rất cao. Thế nhưng, nghề lồng nhãn cũng dần mai một theo thời gian vì nhãn lồng Huế ngày càng vắng bóng”, một người theo nghề này chia sẻ.

Đ. Đức – Đ.Tuyên – L.Khoa – L.Tuệ – Ng. Quân

Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết “Ngọt thanh hương vị nhãn lồng Huế”
Trên báo Thừa Thiên Huế Online (baothuathienhue.vn)

Xem thêm:

Mời xem video: