Màu sắc không chỉ mang lại cho người những cảm thụ thị giác bên ngoài mà còn truyền tải những cảm xúc và suy nghĩ phong phú. Mỗi một dân tộc, một quốc gia khác nhau sẽ có màu sắc truyền thống độc đáo của riêng mình. Mà những màu sắc này đều hàm chứa ý nghĩa lịch sử và nội hàm văn hóa truyền thống, hàm chứa tư tưởng và tín ngưỡng của con người trong các thời đại khác nhau. Ở phương Đông thịnh hành thuyết ngũ sắc ứng với Ngũ hành.

Thuận theo sự phát triển của hệ tư tưởng Đạo gia và Nho gia và sự thịnh hành của học thuyết Ngũ hành, vào thời Tiên Tần đã xuất hiện một khái niệm màu sắc độc đáo dựa trên năm màu là xích (đỏ thẫm), hoàng (vàng), hắc (đen), bạch (trắng) và thanh (xanh). Các màu sắc này là ứng với Ngũ hành. Ngũ hành chỉ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Cổ nhân cho rằng ngũ hành là vật chất cơ bản của vạn vật trong trời đất, dựa vào đặc tính tương sinh tương khắc mà sinh sôi không ngừng, cấu thành thế giới muôn màu muôn vẻ.

Ngũ sắc và Ngũ hành có sự đối ứng, trong đó màu trắng thuộc kim, đại biểu cho một số kim loại trắng; màu xanh thuộc mộc, tượng trưng cho cây lá tươi tốt và vạn vật sinh cơ; màu đen thuộc thủy, giống như màu của hồ sâu; màu đỏ thuộc hỏa, chính là màu của ngọn lửa đang cháy; màu vàng thuộc thổ, chính là màu của đất. Ngũ sắc này được gọi là năm loại màu sắc chính (chính sắc), là một trong những nền tảng quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống.

Ngũ sắc ứng với ngũ hành
Sự vận dụng màu sắc trong kiến trúc xưa. (Ảnh: Almazoff, Shutterstock)

Ngũ sắc và “Ngũ đức chung thủy thuyết”

Trâu Diễn, một nhà âm dương học thời Chiến Quốc, dựa trên thuyết Ngũ hành, đã đưa ra thuyết “Ngũ đức chung thủy thuyết”. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng màu sắc của các triều đại trong lịch sử. 

“Ngũ đức” trong “Ngũ đức chung thủy thuyết” dùng để chỉ Kim đức, Mộc đức, Thuỷ đức, Hỏa đức và Thổ đức. Còn “chung thủy” biểu thị ý tứ rằng năm loại đức hạnh này sẽ vận chuyển tuần hoàn, lặp đi lặp lại không ngừng.

Theo học thuyết này, sở dĩ một triều đại có thể thống trị thiên hạ là bởi vì nó có một trong ngũ đức do trời ban. Người thống trị vì có đức này mà được Trời ban cho sứ mệnh và trở thành Thiên tử. Điều này phản ánh lý niệm truyền thống “quân quyền Thần thụ”, quân vương có được giang sơn là do nhận được từ Trời. Bởi vì một vương triều đại biểu cho một đức nên khi một triều đại tin rằng mình thuộc về một đức nào, thì quân vương của triều đại đó sẽ tôn sùng “chính sắc” tương ứng.

Trâu Diễn cho rằng: “Ngũ đức theo lý tương khắc, Ngu Thổ, Hạ Mộc, Ân Kim, Chu Hỏa” . Theo Ngũ hành sinh khắc thì mộc khắc thổ, kim khắc mộc, hỏa khắc kim, cho nên mỗi triều đại sẽ thay thế triều trước đó theo lý tương khắc này. Ví như nhà Chu thuộc Hỏa đức, tôn sùng màu đỏ. Nhà Tần thay nhà Chu, thuận theo quy luật thủy khắc hỏa nên nhà Tần thuộc Thủy đức, tôn sùng màu đen, triều phục chọn dùng màu đen.

Từ nhà Tần, Hán cho đến Tống, Liêu, Kim, các triều đại đều sẽ chính thức thảo luận và xác định vận đức của triều mình và chiêu cáo với thiên hạ. Việc làm này để tỏ rõ rằng triều đại mình là chính thống, do Trời ban. 

Nhà Đường là Thổ đức nên Hoàng đế Đường Thái Tông tôn sùng màu vàng. Tuy nhiên, tôn sùng màu vàng không có nghĩa là ai cũng đều có thể mặc quần áo màu vàng. Nó là màu chuyên dụng của hoàng thất nên dân thường không được phép dùng.

Triều nhà Minh tôn sùng màu đỏ của lửa cho nên màu đỏ cũng không được sử dụng bừa bãi. Triều đình có quy định tỉ mỉ về cách dùng các màu đỏ khác nhau trong các trường hợp và giai tầng khác nhau. Dân gian cấm sử dụng màu đỏ thẫm (xích). Dân thường muốn dùng màu đỏ thì chỉ được dùng loại màu đỏ nhạt như màu hồng đào… Ở một số buổi lễ lớn, quy định việc dùng màu đỏ mới được nới lỏng hơn.

Ngũ sắc và hệ thống lý luận Ngũ hành

Theo hệ thống lý luận Ngũ hành, ngũ sắc cùng với ngũ phương, ngũ tạng, ngũ vị, ngũ thời, ngũ âm, ngũ thường là có sự đối ứng với nhau. Chúng tạo thành một hệ thống văn hóa phức hợp, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến đời sống hàng ngày, nghệ thuật, luân lý của con người thời cổ đại.

Thời cổ đại, người thuộc các giai tầng khác nhau trong các triều đại đều mặc trang phục có màu sắc khác nhau theo lễ chế quy định, an vị theo thiên mệnh, làm việc theo trách nhiệm của mình, đó là tượng trưng cho một xã hội an ổn, bốn biển thái bình, dân chúng yên vui. Nếu mỗi người đều mặc sai màu sắc thì chính là biểu thị quốc gia lâm nguy. Giống như Khổng Tử từng nói: “Ố tử chi đoạt chu dã” (ghét màu tím cướp mất màu đỏ), ý nói màu phối hợp thay thế màu chính, phản ánh xã hội hỗn loạn vào thời Xuân Thu khi các nghi lễ bị vứt bỏ và âm nhạc bị bại hoại.

Có những quy tắc và quy định về việc ai mặc quần áo màu gì. Theo “Thập nhị phục chương chế”, thời nhà Chu quy định, thiên tử dùng màu đỏ thẫm, chư hầu dùng màu đen, khanh và đại phu dùng màu xanh, sĩ nhân dùng màu vàng. 

Thời nhà Hán, người ta dựa vào ngũ thời trong một năm để lựa chọn màu sắc trang phục. Theo đó, mùa xuân mặc quần áo màu xanh, mùa hạ mặc quần áo màu đỏ, tháng cuối cùng của mùa hạ mặc quần áo màu vàng, mùa thu mặc quần áo màu trắng và mùa đông mặc quần áo màu đen.

Ngũ sắc dựa theo quy luật điều phối nhất định, giống như sự phối màu trong hội họa, sẽ sinh ra những màu sắc mới là những màu phối hợp, gọi là “Gian sắc”. Công nghệ nhuộm và nghệ thuật hội họa không ngừng phát triển khiến cho màu sắc trong văn hóa truyền thống càng thêm phong phú đa dạng hơn. Từ đây, các chính sắc dần bị người đời nhận thức không đủ và không còn xem trọng nữa.

Theo Window.minghui.org
Tác giả: Từ Tuyền
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: