Nhạc Phi là nhân vật lịch sử anh hùng, nổi tiếng tận trung báo quốc, nhân cách cao thượng, được hậu thế ngưỡng mộ. Nhưng ít ai biết rằng Nhạc Phi có một người cha không hề tầm thường là Nhạc Hòa.

Người cha giáo dục nên danh tướng Nhạc Phi
Tượng Nhạc Phi. (Ảnh: Lin Xiu Xiu, Shutterstock)

Các câu chuyện cuộc đời Nhạc Phi phần lớn đều liên quan đến mẹ ông, người đã xăm lên lưng ông bốn chữ “Tinh Trung Báo Quốc”. Một số người còn cho rằng ngay từ khi Nhạc Phi còn rất nhỏ thì cha ông đã mất rồi, Nhạc Phi là do một tay mẹ ông giáo dưỡng mà nên. Nhưng trong “Tống sử” có ghi lại câu chuyện giữa Nhạc Phi và cha là Nhạc Hòa như vậy:

Nhạc Phi theo học võ, học tài thiện xạ từ Chu Đồng. Ông học hết công phu của thầy, có chỗ còn hơn, bắn cả hai tay trái phải, thật là hậu sinh khả úy. Sau khi Chu Đồng mất, Nhạc Phi tuần rằm đều tới mộ phần kính cẩn lễ bái. Cha Nhạc Phi đã khen ngợi ông là người tôn sư, không quên gốc, là người có nghĩa khí, cũng sớm nhận ra ở con trai mình một khí tiết “tuẫn quốc tử nghĩa”, xả thân vì nước, chết vì đạo nghĩa.

Từ đây có thể thấy sau khi Chu Đồng qua đời thì cha của Nhạc Phi mới mất. Chu Đồng qua đời vào năm 1121, lúc ấy Nhạc Phi đã 19 tuổi. Vì vậy, theo chính sử thì ít nhất là sau khi Nhạc Phi lên 19 tuổi thì cha của ông mới qua đời.

Trong “Tống sử. Nhạc Phi truyện” viết rằng Nhạc Hòa là người hay làm việc thiện. Vào những năm mất mùa, trong thời gian xảy ra nạn đói, ông thường khích lệ gia đình mình ăn ít một chút để dành phần thức ăn còn lại cho những người đang nghèo đói. Nếu cây lương thực từ ruộng của nhà bên mọc lấn sang ruộng nhà ông, ông sẽ thu hoạch lương thực chín và mang trả lại cho hàng xóm.

Thấy Nhạc Hòa đôn hậu chất phác, kẻ xấu thỉnh thoảng cũng lợi dụng ông, vay tiền mà không trả, hoặc trắng trợn cướp tiền của ông. Tuy nhiên, Nhạc Hòa vẫn vui vẻ bỏ qua.

Nhạc Hòa là người có chí khí rộng lớn, lương thiện và nhân từ, dù biết rõ là bị thiệt cũng không cùng người so đo tính toán. Bởi vì Nhạc Hòa thiện lương khoan dung như vậy nên mọi người trong thôn đều rất kính nể và quý trọng ông.

Sau khi Nhạc Phi ra đời, Nhạc Hòa đã tìm mời được thầy giáo giỏi về nhà dạy con đọc kinh sử và luyện thư pháp. Nhạc Hòa mong muốn Nhạc Phi trở thành một người văn võ song toàn. Từ các bức thư pháp và những bài văn thơ của Nhạc Phi để lại có thể thấy rằng Nhạc Phi nhất định đã được tiếp thụ một nền giáo dục vững chắc. Ngoài giỏi về viết văn ra, Nhạc Phi còn rất hứng thú với binh học nên thường xuyên đọc các binh thư và lĩnh hội được rất nhiều kiến thức. 

Triều nhà Tống được xem là “trọng văn khinh võ”, Nhạc Hòa lại rất ủng hộ Nhạc Phi luyện võ. Về sau, Nhạc Phi bái Chu Đồng làm thầy. Chu Đồng lúc đó đã già nhưng dạy Nhạc Phi không hề nhàn hạ, thậm chí còn không một chút buông lơi. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của Chu Đồng, Nhạc Phi có tài thiện xạ, có sức khỏe hơn người. Nhạc Phi tài hoa, văn võ song toàn, có thể nói đó là kết quả của sự chỉ dạy và khuyến khích cổ vũ của Nhạc Hòa.

Về sau, Chu Đồng lâm bệnh qua đời. Trong lúc Nhạc Phi túc trực bên linh cữu của ân sư, Nhạc Hòa thấy nhà Tống ngày càng suy yếu, ngoại bang liên tục gây phiền nhiễu nên đã rộng lòng khuyên con trai mình sau này phải làm một trung thần lương tướng. Quả nhiên không bao lâu, Nhạc Phi tòng quân báo quốc, đánh giặc bằng “Nhạc gia quân”, mọi việc đều thuận lợi, bách chiến bách thắng.

Cả đời Nhạc Phi đều là vì quốc gia mà cố gắng và hy sinh. Từ tính cách mà nói, Nhạc Phi được hun đúc trong tính cách rộng lượng, thiện lương và yêu nước yêu dân của cha. Từ giáo dục mà xét, Nhạc Phi đã nhận được sự dạy bảo, khích lệ cổ vũ to lớn của cha. Bởi vậy trong sự vĩ đại của Nhạc Phi có công sức đóng ghóp không thể thiếu của Nhạc Hòa. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: