Người chí sĩ thời cổ đại luôn mang theo khí khái khoan dung, tầm mắt cao xa, cương nghị quyết đoán, hết lòng phụng sự bách tính. Kẻ đi học dẫu thuộc làu kinh thư mà không có ý chí kiên cường, không có chính kiến và nguyên tắc của mình thì cũng không được coi là kẻ sĩ chân chính.

“Thái Bá – Luận Ngữ” viết:

“Người đọc sách không thể không ôm chí cao xa, ý chí kiên cường. Bởi vì họ gánh trên vai trọng trách, đường xá thì xa xôi. Coi việc thực hành nhân nghĩa, đạo đức là nhiệm vụ của mình, như vậy chẳng phải là điều rất trọng đại hay sao? Mãi cho tới khi chết mới được nghỉ ngơi, như vậy chẳng phải rất xa xôi hay sao? Muốn gánh vác sứ mệnh như vậy, mà không có nhân phẩm lớn lao và nghị lực mạnh mẽ thì không thể làm được.”

Kẻ đi học, được tiếp thụ tri thức, mà lòng dạ hẹp hòi, khi gặp khó khăn thì bỏ dở giữa chừng, hành sự thì không có nguyên tắc, đó chỉ là một kẻ khiếp nhược mà thôi. Một người nhu nhược sao có thể gánh vác trách nhiệm với quốc gia và xã hội? Trọng trách nặng nề mà đường xá xa xôi, ấy là lý tưởng thực thi nhân nghĩa và ý chí kiên cường của người chí sĩ.

Trí tuệ cổ nhân: 3 tố chất của người làm được việc lớn
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Lòng Nhân mà Nho gia giảng cũng chính là đối đãi với quốc gia, xã hội và người khác bằng tấm lòng bác ái, dám đảm đương, dám gánh vác.

Có câu: “Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách”, đối với giang sơn xã tắc thì kẻ thất phu cũng phải có trách nhiệm. Có được quyền quý thì phải coi việc “trị quốc, bình thiên hạ” là trách nhiệm của mình. Còn không có được điều kiện ấy, gặp cảnh cùng quẫn thì cũng không vứt bỏ tu dưỡng cá nhân, trong tâm vẫn ôm giữ thiên hạ. Đây chính là việc làm của bậc quân tử.

Ngôi nhà tranh của thi thánh Đỗ Phủ thật đơn sơ, nhưng khi mưa dột khắp nhà, ông lại nghĩ rằng:

An đắc quảng hạ thiên vạn gian,
Đại tí thiên hạ hàn sĩ cụ hoan nhan.

Nghĩa là: Mong sao có được ngàn vạn gian nhà lớn, giúp các hàn sĩ trong thiên hạ đều vui vẻ mặt mày.

Phạm Trọng Yêm ngay khi còn là một cậu bé 5 tuổi đã ôm chí lớn. Thời nhỏ ông từng tìm một vị thầy bói để hỏi về sự nghiệp của mình.

Khi gặp mặt, ông hỏi rằng: “Ông xem giúp cháu, liệu cháu có thể làm tể tướng không?”

Thầy bói giật nảy mình, hỏi Phạm Trọng Yêm: “Thằng bé này tuổi thì nhỏ, mà sao khẩu khí lớn vậy?”

Phạm Trọng Yêm ngại ngùng nói: “Thế ngài xem cháu có thể làm thầy thuốc được không?”

Thầy bói có đôi chút nghi hoặc hỏi: “Sao hai điều này lại chênh lệch quá như vậy?”

Phạm Trọng Yêm đáp: “Bởi vì chỉ có lương y mới có thể cứu người”.

Chí hướng của Phạm Trọng Yêm là cứu người, làm tể tướng hay làm lương y đều là vì người khác, chỉ có điều làm tể tướng thì có thể vì người khác nhiều hơn. Mong muốn được giúp ích cho nhiều người đó không chỉ là nhiệt huyết nhất thời, mà là trọng trách suốt cuộc đời ông tình nguyện gánh vác.

Để thực hiện tâm nguyện của mình, Phạm Trọng Yên dốc công học hành, quả nhiên sau này ông đã làm tể tướng và dùng tiền của bản thân mua “nghĩa điền” giúp người nghèo, thực hiện chí nguyện cao xa của mình.

Sau này khi Phạm Trọng Yên nhắm mắt xuôi tay, con cháu ông lại tiếp tục thực hiện chí nguyện của ông, làm việc nghĩa giúp an dân. Cũng nhờ vậy mà gia tộc họ Phạm hưng vượng suốt 800 năm.

Phạm Trọng Yêm cho rằng kẻ sĩ dẫu “ở nơi điện cao” hay “phiêu bạt chốn giang hồ”, cũng đều cần hướng tới thiên hạ, đều nên “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”.

Tư tưởng của bậc chí sĩ, thánh hiền xưa không chỉ dừng nơi hạnh phúc cá nhân, mà còn là hoài bão kinh bang tế thế, trị quốc, bình thiên hạ. Mà cái gốc “tu thân” lại giúp tôi rèn ý chí và hoài bão, giúp người chí sĩ hoàn thành trọng trách với xã hội và giang sơn xã tắc.

Ngày nay xã hội thường lấy việc truyền thụ tri thức và kỹ năng là chính, thầy cô rất ít dạy cho học sinh những đạo lý làm người. Có ai giáo dục những học trò trẻ tuổi của mình “phải gánh vác trách nhiệm với quốc gia, xã hội và gia đình, phải có nghị lực kiên cường” hay không?

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: