Mạnh Tử giảng: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm chí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy.” Bởi vậy cổ nhân cho rằng một tố chất của người làm việc lớn là phải chịu được nỗi khổ tâm chí.

Người chịu được nỗi khổ "tâm chí" mới làm thành được việc lớn
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Cổ ngữ nói: “Phong sương cô lộ chi cảnh, dịch sinh kì kiệt”, nghĩa là nơi gió sương gian khổ cô độc thường dễ dàng xuất sinh anh tài tuấn kiệt. Từ xưa đến nay, những nhân vật được lưu danh thiên cổ phần lớn đều sinh ra và sống trong gian khổ hoặc trải qua những đau khổ, những nỗi khổ “tâm chí” mà người thường khó chịu đựng được.

Khi đọc những câu chuyện về cuộc đời gian khổ của các bậc Thánh hiền, đôi khi chúng ta thường cảm thấy bất bình: “Vì sao họ phải chịu đựng sự thống khổ tột cùng như vậy?” Người bình thường thật khó mà hiểu được dụng tâm này của Thượng Thiên. Kỳ thực đây chính là điều mà cổ nhân gọi là Thiên ý, là khổ tâm an bài của Thượng Thiên. “Ngọc bất trác bất thành khí”, chỉ có thông qua nỗi khổ tâm chí, nỗi đau mài giũa, thì mới có thể có được trân bảo.

Năm 84 tuổi, Tây Bá Hầu Cơ Xương nhiều lần can gián đã bị Trụ Vương bắt nhốt ở Dữu Lý. Dù khốn khổ ở trong ngục giam 7 năm, nhưng Cơ Xương lại suy diễn ra hậu thiên bát quái và 64 quẻ dịch, viết ra kiệt tác Chu Dịch, được người đời sau xưng là “quần kinh chi thủ”, tức là kinh điển của các kinh điển.

Thái sử lệnh thời Tây Hán, Tư Mã Thiên, chỉ vì biện giải cho một viên tướng mà bị Hoàng đế phán nhục hình chịu hoạn. Nhưng ông vẫn nhẫn nhục sống và viết xong cuốn Sử Ký, hoàn thành xong sứ mệnh của mình, khai sáng cách tiếp cận và chép sử trong hàng ngàn năm.

Trong Đạo giáo cũng từng ghi chép câu chuyện đàm luận giữa Hán Chung Ly và Lã Động Tân về chuyện Văn Xương Đế Quân. Lã Động Tân thắc mắc vì sao khi Thượng đế phái Văn Xương Đế Quân hạ phàm đặt định văn hóa cho thế nhân thì lại khiến ông ta lâm vào cảnh khốn cùng. Hán Chung Lý đã giảng:

“Văn Xương Đế Quân tuy là thần tiên, nhưng vừa hạ phàm tất nhiên sẽ bị ô nhiễm, kiêu ngạo tự mãn, phóng túng, tham danh mộ lợi. Muốn ông ta thành người hữu dụng, trước hết phải làm cho thân ông ta bị nguy khốn, tinh thần ông ta bị thống khổ, trừ bỏ tâm nóng nảy, đánh thức bản tính của ông ta.

Văn Xương Đế Quân trải qua vinh nhục và khó khăn, tất nhiên sẽ thoát ly thế tục, thanh tâm quả dục, ngộ Đạo. Sau này ông ta viết văn, nội hàm thâm thúy, cảnh giới cao xa, mới đủ hữu ích cho đời sau.”

Các bậc Thánh hiền thời cổ đại có thể để lại những sáng tác lưu truyền ngàn đời chính là vì ở trong khốn cảnh mà thấu hiểu đạo lý nơi thế gian, thông hiểu Trời đất. Họ có thể ngộ được những chân lý của vũ trụ trong khi không ngừng nâng cao nội tâm và thăng hoa cảnh giới. Rất nhiều danh sĩ, thi nhân thời cổ đại đều là những người tu luyện, vượt qua bao khốn nạn nhân sinh để thành tựu mình, có thể kể tới như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Dương Minh, Gia Cát Lượng… Đây cũng là lý do vì sao các tác phẩm của họ đều đạt tới cảnh giới rất cao, không giống các tác phẩm bình thường khác.

Ví như người đời chỉ biết ngưỡng mộ bài thơ “Há Giang Lăng – Tảo phát Bạch Đế thành” (Tới Giang Lăng – Sáng rời thành Bạch Đế) của thi tiên Lý Bạch mà không mấy ai để ý rằng ngay trước khi tác phẩm này ra đời thì ông vừa mới được Hoàng đế đặc xá, thoát họa sát thân.

Có đôi khi trong cuộc sống, một chuyện tưởng là họa cũng không nhất định là họa. Cổ ngữ nói: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, giữa cảnh núi non trùng điệp tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên phát hiện thấy sau bóng râm rặng liễu và khóm hoa rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng xinh đẹp.

Khi chúng ta ở vào cảnh khốn cùng, chỉ cần cao thượng hơn, lạc quan, rộng lượng ra, sẽ có thể nhận được kết quả tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của bản thân mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: