Con người quý ở tâm đại lượng, như câu thành ngữ: “Đại trượng phu có thể co có thể duỗi”. Có thể co duỗi là biểu hiện của tấm lòng đại lượng khí khái, không tự cao tự đại vì thành tích, không tự ti yếu mềm trước trắc trở. Chỉ những người rộng rãi khí khái mới có thể làm nên thành tựu lớn trong đời.

Người đại lượng ắt có đức dày, khiến người khác ngưỡng vọng
(Ảnh: Ken Phung, Shutterstock)

Đại lượng không phải là một nét tính cách, mà là sự cuốn hút về nhân cách. Đó là khí chất hay khí khái của một người, là thế giới nội tâm toát ra bên ngoài, là sức mạnh vô hình toả ra từ tố chất của một người.

Đại lượng không phải sinh ra đã có, mà là khí chất được hun đúc dần dần sau bao trải nghiệm của cuộc đời, là nhận thức, thái độ của một người đối với cuộc sống và xã hội, là “hữu xạ tự nhiên hương” trong nhân tính, chẳng thể nguỵ tạo.

Đại lượng là nói năng nhã nhặn, xử thế hài hoà, tự nhiên, tĩnh lặng, an hoà trước cuộc sống. Người có tấm lòng rộng mở thì không hấp tấp, không biếng nhác, khi không cần ra tay họ nằm im bất động, lúc cần xuất đầu lộ diện lại khiến người khác phải ngỡ ngàng thán phục.

Đại lượng như đứng trên cao mà suy xét vấn đề, khiến người khác ngưỡng vọng. Người đại lượng như một cuốn sách hay, khiến người khác vương vấn mãi chẳng nguôi. Dẫu ở góc độ nào, người khác cũng đều không thấy nhàm chán vô vị, hễ đọc là mê, thọ ích vô cùng. Người ấy biết nhường nhịn, không vì hàm dưỡng sâu sắc của mình mà cười chê sự nông cạn của người khác.

Đại lượng là biết coi nhẹ, danh lợi bạc tiền như phù vân, tâm sáng vằng vặc như ánh trăng giữa trời.

Đại lượng là khiến người khác cảm thấy mình được tôn trọng, chứ không phải kính sợ. Người ấy trung thành với bạn bè, hiếu thuận với mẹ cha, dẫu đứng ở ngôi cao, cũng không bao giờ khiến người khác chạnh lòng, mà luôn giành cho họ những ánh mắt ngưỡng mộ.

Tâm tĩnh tại, suy ngẫm sâu, chăm học hành. Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ có thể bạn không làm được, nhưng đừng bao giờ từ bỏ việc vun đắp nội tâm của mình. Cứ nhìn rộng hơn, bạn có thể bay cao bao nhiêu thì bay cao bấy nhiêu, bạn có thể đi được bao xa thì đi xa bấy nhiêu. Đại lượng chính là nuôi dưỡng cốt cách và khí khái của bản thân mình.

Đại lượng là sự khiêm nhường. Trong ba người ắt có người là thầy của ta, đừng coi thường bất kỳ ai, hãy tìm ra khuyết điểm của mình trên thân người khác. Dẫu không thần tượng bất kỳ ai, cũng cần học hỏi sở trường của người khác.

Đại lượng là một thái độ nhân sinh. Khổng Tử gặp vua các nước mà mặt không biến sắc, gặp kẻ hiền thì chủ động học hỏi, chứ không khiếp nhược, luôn giữ gìn nhân cách và sự tôn nghiêm của bản thân.

Đại lượng thể hiện tầm cao của cảnh giới tâm hồn. Biển trải rộng nơi chân trời, trời làm bến, núi chót vót leo đến ngọn, ta làm đỉnh. Đứng trên cao mới có thể nhìn xa trông rộng.

Đại lượng là tài phú mang theo bên mình, chẳng ai có thể trộm mất, khi hiển lộ khiến người cảm thán chẳng nguôi, khi ẩn mình lại an nhiên, tự tại.

Đại lượng là sự tu dưỡng, là cõi lòng sâu thăm thẳm. Người khác có thể không biết được nội tâm của bạn sâu bao nhiêu, nhưng đừng bao giờ khiến họ hoài nghi hay thù địch với bạn.

Làm người như vậy thật chẳng dễ, nhưng nếu làm được thì đã ở trên tầm cao của cõi nhân sinh.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: