Trong cuộc sống thường ngày, không hiếm người dễ dàng vì một câu nói, một hành động của người khác mà phiền lòng, phẫn nộ mãi không thôi. Nhưng lại có những người dù bị người khác phỉ báng, thậm chí bị thiệt hại lợi ích mà vẫn điềm tĩnh, bình hòa. Sự khác nhau ấy đến từ khả năng khống chế, kiểm soát cảm xúc. Người có thể khống chế được cảm xúc của bản thân mới thực sự làm chủ nhân của chính mình.  

Người làm chủ được mình sẽ không bị phiền nhiễu bởi người khác
(Ảnh minh họa: Anek.soowannaphoom, Shutterstock)

Khi bị người khác nói những lời lỗ mãng, chúng ta sẽ đối đãi như thế nào? Chúng ta sẽ tức giận, nổi trận nôi đình hay chọn cách nhẫn nhịn bỏ qua? Khi sự tình qua đi rồi, phải chăng trong lòng vẫn là không buông xuống được, càng nghĩ càng bực mình?

Kỳ thực, khi gặp những tình huống loại này, đại đa số mọi người sẽ rất khó khống chế được cảm xúc của bản thân. Nhưng đối với một người có tu dưỡng mà nói, họ lại có thể đối mặt với mâu thuẫn bằng một tâm thái nhã nhặn ôn hòa, điềm tĩnh và ung dung. Loại tâm thái ấy không phải là thể hiện của sự yếu đuối, sợ hãi mà là thể hiện của một cảnh giới cao thượng, vượt ra ngoài sự ràng buộc của danh lợi, được mất.

Chuyện kể rằng, một vị hòa thượng trong lúc vân du đã đi qua một ngôi làng nọ. Một số người trong ngôi làng đó đã buông lời lỗ mãng rất khó nghe đối với ông. Vị hòa thượng đứng đó lẳng lặng nghe, nghe xong bèn nói: “Cảm ơn các vị đã đến tìm tôi, nhưng tôi phải gấp rút lên đường, những người ở làng khác còn đang chờ tôi. Đợi sau khi tôi trở về có nhiều thời gian hơn, nếu mọi người còn có điều muốn nói với tôi thì hãy đến tìm tôi.”

Thái độ điềm tĩnh này của vị hòa thượng bất giác khiến cho những người lỗ mãng kia kinh ngạc. Một người trong số họ đã hỏi rằng: “Phải chăng ông không nghe thấy những lời lúc nãy chúng tôi đã nói? Vì sao nghe những lời nói như vậy mà ông không có chút phản ứng nào cả?”

Vị hòa thượng đáp: “Nếu các vị gặp tôi mười năm trước và nói những lời lỗ mãng ấy thì sẽ thấy được phản ứng của tôi. Còn hiện tại, tôi đã không bị khống chế bởi cảm xúc của người khác, tôi đã không còn làm nô lệ của tình cảm nữa mà đã làm chủ nhân thực sự của chính mình rồi.”

Chân chính nhường nhịn không phải là thể hiện của sự yếu nhược mà là thể hiện nội hàm thâm hậu và tấm lòng rộng lượng bao la, cũng là trí tuệ rời xa tai họa.

Nhà Phật giảng từ bi, dạy con người phải biết khoan dung nhường nhịn. Kitô giáo giảng con người phải yêu thương cả kẻ thù của mình. Trong khi đó, Nho gia lại đề xướng lòng nhân từ, yêu thương mọi người, điều mình không muốn thì chớ làm người khác phải chịu. Cho nên, những người tu hành chân chính sẽ kế thừa tinh thần bác ái trong nền văn hóa truyền thống. Người có trí tuệ rộng lớn sẽ không vì những việc nhỏ nhặt mà đi tranh đấu, cũng sẽ không vì thế mà cảm thấy phiền lòng. Chính vì thế, mối quan hệ của họ với người khác luôn hòa ái, cung kính.

Xã hội hiện đại thuận theo sự xuống cấp của đạo đức, nền văn hóa truyền thống cũng không còn được coi trọng, con người dưới sự ảnh hưởng của triết học đấu tranh đã lấy “người phạm ta, ta tất phạm người” làm tiêu chuẩn xử thế. Cũng vì tư tưởng ấy mà những người nguyện ý chịu thiệt, nhẫn nhịn bỏ qua khi bị người khác đối xử lỗ mãng thường bị cho là kẻ ngốc.

Nhưng suy ngẫm cẩn thận một chút, chúng ta có thể thấy bất luận là ở hoàn cảnh gia đình hay nơi công tác, đủ loại mâu thuẫn luôn luôn tùy thời mà xuất hiện. Nếu chúng ta luôn mang tư tưởng phải tranh đấu, giành giật, phải chiến thắng đối phương thì sẽ sống rất mệt mỏi, sẽ càng khiến cho mâu thuẫn tăng thêm, mối quan hệ cũng ngày càng cách xa hơn.

Một người sống trong hoàn cảnh như vậy, luôn mang trong mình tư tưởng phải tranh giành như vậy, thì sẽ không thể sống vui vẻ và hạnh phúc được. Trong một xã hội mà phần lớn mọi người đều tranh đấu lẫn nhau thì xã hội đó cũng không thể hài hòa được. Cho nên, bỏ đi tư tưởng tranh đấu, giành giật, học tập cách tu dưỡng tâm tính và cách hành xử của cổ nhân mới có thể khiến cho mối quan hệ giữa người và người thêm gần gũi, hài hòa và tốt đẹp.

Từ xa xưa cổ nhân đã giảng: “Chịu thiệt là phúc”, “Lùi một bước biển rộng trời cao”, đây hoàn toàn không phải là những lời sáo rỗng dùng để an ủi những người bị thất ý, cũng không phải là điều mà các ẩn sĩ ôm giữ trong lòng để được nhẹ nhõm bản thân. Đây là một cách đối nhân xử thế, một loại cảnh giới làm chủ chính mình, một loại trí tuệ vượt xa cảnh giới của người bình thường. Lùi một bước, không hề mất đi thứ gì, trái lại còn tích lũy thêm, làm phong phú thêm cho sinh mệnh bản thân, cũng là thể hiện của trí huệ cao thượng.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: