Trong số 15 vị khai quốc công thần của triều Nguyễn chỉ có duy nhất một người là phụ nữ, với tên gọi là “Trà quận công phu nhân Trần Thị”. Đến nay lăng mộ của bà vẫn còn tại làng Diêm Trường, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, người dân quen gọi bà là “bà Trà”.

Đến nay người dân làng Diêm Trường vẫn còn truyền kể nhiều giai thoại khác nhau về chuyện bà Trà đánh giặc, bắt cướp trên phá Tam Giang, đặc biệt là câu chuyện bà đã góp công lớn giúp chúa Nguyễn Hoàng khi mới đặt chân vào vùng đất phương nam, thế còn chưa vững.

Người phụ nữ duy nhất là “khai quốc công thần” của nhà Nguyễn
Am thờ bà Trà ở đình làng Diêm Trường. (Ảnh: Vinhhung.thuathienhue.gov.vn)

Nguyễn Hoàng vào nam

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao tập hợp lực lượng nhằm khôi phục nhà Lê, đưa Lê Duy Ninh lên ngôi Vua hiệu là Trang Tông. Quân nhà Lê chiếm giữ được vùng Nghệ An, Thanh Hóa.

Trong khi cuộc chiến Lê – Mạc đang diễn ra thì năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc chết, mọi quyền hành của nhà Lê lọt vào tay con rể của ông là Trịnh Kiểm.

Tuy nhiên các tướng nhà Lê cho rằng người nắm quyền bính phải là con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, vì thế việc Trịnh Kiểm nắm quyền bính được xem chỉ là tạm thời. Rồi sẽ đến lúc Trịnh Kiểm phải trao quyền cho Nguyễn Uông hiện đang làm Tả Tướng Quân.

Nguyễn Uông trở thành cái gai trong mắt Trịnh Kiểm, và đột nhiên một hôm Nguyễn Uông lăn ra chết không rõ nguyên nhân.

Em của Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng (tức con thứ của Nguyễn Kim) linh cảm đây là âm mưu diệt cỏ tận gốc của Trịnh Kiểm, người tiếp theo chắc chắn là mình, nên nội vã đến tìm gặp cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xin chỉ dạy.

Được cụ Trạng Trình mách bảo “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng nhờ chị mình xin Trịnh Kiểm để được đi về phía nam núi Hoành Sơn vùng Thuận Hóa và Quảng Nam. Thời bấy giờ đây được xem là nơi chướng khí và chưa được khai phá, về nơi đó giống như vào chốn tử địa.

Được Trịnh Kiểm ưng thuận, Nguyễn Hoàng cho khai phá dải đất phương nam với ý định lập một vùng đất riêng cho mình, mỗi năm đều nộp thuế đầy đủ về triều đình là 400 cân bạc và 500 tấm lụa.

Trịnh Kiểm luôn theo dõi và muốn diệt Nguyễn Hoàng

Nguyễn Uông chết, Nguyễn Hoàng đi xa, nhưng Trịnh Kiểm vẫn không yên tâm mà luôn cho người dò la tin tức từ Nguyễn Hoàng vì lo sợ tập hợp binh lực chống lại mình.

Năm 1571, Trịnh Kiểm nghe tin Nguyễn Hoàng ở phía nam ngày càng hùng mạnh thì lo lắng liền sai Tham đốc Mỹ Lương cùng Văn Lan và Nghĩa Sơn âm mưu đánh úp Nguyễn Hoàng ở dinh Vũ Xương nhằm trừ khử mối lo ở phương nam.

Mỹ Lương sai Văn Lan và Nghĩa Sơn đem quân mai phục ở huyện Minh Linh, còn tự mình dẫn quân bí mật theo đường núi mai phục ở Cầu Ngói (thuộc Hải Lăng, quảng Trị). Hai cánh quân hẹn ngày cùng tiến đánh.

Chiến công buổi đầu

Nguyễn Hoàng nhận được tin báo liền sai phó tướng là Quận công Trương Trà đánh quân Nghĩa Sơn, Văn Lan, còn bản thân mình đêm tối dẫn quân đến Cầu Ngói bất ngờ phóng hỏa tấn công doanh trại của Mỹ Lương.

Quân của Mỹ Lương bị đánh bất ngờ trở tay không kịp nên tan vỡ, Mỹ Lương trốn vào rừng không thoát được và bị giết chết.

Quận công Trương Trà dẫn quân đến xã Phúc Bố giao chiến với quân Nghĩa Sơn, Văn Lan. Trong khi thế trận chưa phân thắng bại thì Trương Trà bị trúng tên tử trận.

Nhận được tin dữ chồng mình tử trận, Trần Thị liền mặc đồ như đàn ông, đầu đội nón chóp mang theo giáo, cưỡi voi dẫn quân tiến đánh trả thù cho chồng. Nghĩa Sơn cho quân cầm cự nhưng không chống nổi, bèn bỏ chạy nhưng không kịp và bị bắn chết tại trận.

Văn Lan hay tin liền đưa quân tới giáp chiến. Giữa lúc chiến trận ác liệt thì có tiếng reo hò của quân sĩ do Nguyễn Hoàng chỉ huy vừa đánh bại Mỹ Lương đến tiếp ứng. Văn Lan không địch nổi bỏ chạy về Thanh Hóa.

Nguyễn Hoàng thu quân mừng chiến thắng, xét công lao thì hết mực ca ngợi Trần Thị, ban hiệu là Quận Phu Nhân, cấp bổng lộc rất hậu, rồi lệnh an táng Trà quận công rất chu đáo.

Người phụ nữ duy nhất được phong “khai quốc công thần”

Đến đời vua Gia Long năm 1805, Vua ban chiếu chỉ rằng: Trà quận công phu nhân là bậc nữ lưu, gánh vác chí lớn của kẻ trượng phu, đem thân lâm trận, bắn giết quân giặc rất cừ. Công lao to lớn vĩnh viễn lưu truyền, danh thơm chẳng mất.

Sau đó nhà Nguyễn xem công lao của các đại thần đóng góp cho Triều đình thì cho rằng Trà quận công phu nhân có công lớn, được xếp hạng Khai quốc Công thần đệ nhị cấp, con cháu được ban ruộng đất và bổng lộc để giữ hương hỏa cho bà.

Vì sao chỉ vì một trận đánh mà Trà quận công phu nhân được đánh giá công lao cao đến vậy. Bởi lẽ vào thời điểm đó chúa Nguyễn Hoàng chỉ mới có vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam, công cuộc khai phá về phương nam chỉ ở giai đoạn mới bắt đầu, chúa Nguyễn buổi ban đầu còn rất yếu nếu so với quân chúa Trịnh hay quân nhà Mạc.

Mặt khác chúa Trịnh Kiểm luôn cho tai mắt theo dõi Nguyễn Hoàng và luôn muốn diệt trừ mối họa này ở phương nam.

Vì thế chiến thắng vào buổi đầu dựng nước trong thời điểm ở thế yếu với hiểm nguy trùng trùng có vai trò rất then chốt, nên dù chỉ là một trận thắng duy nhất, nhưng “Trà quận công phu nhân Trần thị” vẫn được xếp vào một trong 15 vị “khai quốc công thần” của nhà Nguyễn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: